Chủ đề “Vì môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh cho mọi trẻ em”, đã nói lên tất cả những gì mà xã hội cần quan tâm, cần phải tổ chức hành động một cách rốt ráo, có hiệu quả trong tháng Hành động vì trẻ em diễn ra từ 1 đến 30-6 tới đây.
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, sau 10 năm thực hiện Chương trình hành động Quốc gia Vì trẻ em Việt Nam, giai đoạn 2001-2010, sự nghiệp bảo vệ chăm sóc trẻ em ở nước ta đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ. Công tác giáo dục cho trẻ em có chuyển biến tích cực; chăm sóc sức khỏe trẻ em được cải thiện, công tác bảo vệ trẻ em đã chuyển hướng theo cách tiếp cận dựa trên nhu cầu và đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em; các hoạt động vui chơi giải trí của trẻ em cũng được xã hội và gia đình quan tâm hơn...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những hạn chế trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực với con trẻ vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, bị tai nạn và thương tích vẫn còn ở mức cao. Trung bình mỗi năm có 7.300 trẻ em tử vong vì tai nạn, thương tích. Đặc biệt là tình trạng trẻ em đuối nước, bình quân một ngày có đến 10 trường hợp bị tử vong, là một con số đáng báo động...
Tháng Hành động vì trẻ em không ngoài mục đích vận động toàn xã hội quan tâm xây dựng một môi trường lành mạnh dành cho con trẻ. Trẻ em không chỉ được ưu tiên chăm sóc về vật chất mà còn phải được chăm lo bồi dưỡng về tinh thần, xã hội cần dành những gì tốt đẹp nhất cho thế hệ tương lai của đất nước... Với tinh thần ấy, phải coi đây là một tháng “kiểu mẫu”, tạo ra dấu ấn “làm đà” để phấn đấu. Muốn được như vậy, các ngành, các cấp, các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân và các tổ chức đoàn thể chăm lo thế hệ trẻ.
Sẽ là vô nghĩa và thiếu trách nhiệm, nếu trong tháng Hành động vì trẻ em, chúng ta không giảm thiểu được những rủi ro cho con trẻ; không loại bỏ trong đời sống xã hội những hành động ngược đãi trẻ em; không dẹp bỏ được những ấn phẩm phi văn hóa đang làm xói mòn tâm hồn trẻ thơ trên các sạp, các cửa hàng bán văn hóa phẩm... Cùng với đó, phải xây dựng cho được những tiêu chí, những địa chỉ văn hóa, những sân chơi lành mạnh bổ ích. Cả xã hội phải hành động, phải biến thành tháng hành động thực sự vì con trẻ./.
(Đặng Trung/QĐND)