Thứ Ba, 8/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 1/11/2008 16:21'(GMT+7)

“Dân ta phải biết sử ta...”

 Những năm gần đây, có một thực trạng đáng buồn là học sinh, sinh viên “lơ mơ” với những kiến thức lịch sử, thể hiện ở điểm thi vào đại học môn này, điểm thấp chiếm tỷ lệ cao.

Nếu thử hỏi bất cứ một vị phụ huynh hoặc em học sinh nào, hoặc thậm chí ngay cả các thầy, cô giáo về tầm quan trọng của môn Sử, bạn sẽ nhận được câu trả lời rằng đây không phải là môn chính. Vì thế, học sinh không dành nhiều thời gian để học. Đó là chưa kể những bất hợp lý về sách giáo khoa, về phương pháp giảng dạy, khiến cho học sinh nhiều khi không hiểu cần học Lịch sử để làm gì, nên ngày càng xa rời môn học ý nghĩa này.

Giúp học sinh gần gũi hơn với môn học khó vào

Hàng tuần, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt cho một nhóm học sinh từ một trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Các em được tham quan bảo tàng, nghe giới thiệu, thuyết trình về các hiện vật trưng bày. Sau đó, các em tham gia vào một chương trình “học vui” rất sôi nổi, dưới hình thức các trò chơi tập thể, các bài đố thú vị.

Những kiến thức lịch sử không còn là những sự kiện, những con số khô khan, khó nhớ, những bài học dài dòng trong sách giáo khoa (từng bị phàn nàn nhiều trên các diễn đàn giáo dục); được trình bày thành những hình ảnh, những câu chuyện rất gây ấn tượng.

Các em chia thành từng đội, cùng nhau “tranh tài” hiểu biết về lịch sử. Ở phần thi “Nhận diện nhân vật lịch sử“, trên màn hình hiện lên một gương mặt nhân vật, rồi lời thuyết minh nhân vật ấy gắn liền với sự kiện lịch sử nào; và đưa ra các phương án để học sinh lựa chọn. Không phải khi nào các em cũng trả lời đúng; nhưng nếu có sai thì khi biết được đáp án, các em sẽ nhớ lâu hơn. Hay phần thi “Kể chuyện lịch sử“, các em được nghe những câu chuyện về một nhân vật, sự kiện lịch sử do chính bạn mình kể. Những cuộc tranh luận sôi nổi, những nụ cười, những tràng pháo tay khiến cho việc “học” ở câu lạc bộ trở nên rất hào hứng.

Hai đội thi kiến thức


Năm 2007, câu lạc bộ Em yêu lịch sử dành cho học sinh tiểu học đã được thành lập. Cuối tháng 9/2008, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tiếp tục thành lập câu lạc bộ Em yêu lịch sử cho đối tượng học sinh trung học cơ sở. “Dần dần chúng tôi tiếp tục phát triển CLB cho học sinh trung học phổ thông, rồi sinh viên đại học... Tất cả nhằm làm cho các em thêm yêu mến môn học lịch sử, bắt đầu từ khi các em còn ở bậc  tiểu học”- chị Kim Thành, cán bộ Bảo tàng Cách mạng, người phụ trách CLB cho biết.

Thông thường mỗi buổi sinh hoạt CLB có hai phần, phần đầu do trường học xây dựng chương trình, phần thứ hai do các cán bộ Bảo tàng Cách mạng chuẩn bị. Người soạn chương trình “học mà chơi, chơi mà học” rất sinh động hôm đó là cô giáo trẻ Nguyễn Thu Hương- giáo viên dạy sử ở Trường trung học cơ sở Amsterdam. Cô Thu Hương cho biết, theo quy định, 20% số tiết học được giảng bằng giáo án điện tử, nên nếu giáo viên chuẩn bị công phu, các giờ học sử có thể trở nên rất hấp dẫn. Cô Hương cũng cho rằng mình rất may mắn khi được làm việc trong môi trường tốt, có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Các em đều rất thích cách tiếp cận Lịch sử mới này


Các em học sinh đều cho biết rất thích được tham gia một buổi ngoại khóa tại CLB Em yêu lịch sử. Em Hà Việt Hoàng, một học sinh lớp 7 cho biết, em hơi ngại học môn Lịch sử vì khó nhớ được các mốc thời gian, sự kiện. Được tham quan bảo tàng, quan sát các hiện vật, em cảm thấy dễ nhớ hơn.

Học sử để làm gì?

Tại CLB, em Nguyễn Bích Diệp, một học trò thông minh, nhanh nhẹn cho biết: Em không gặp khó khăn gì với môn lịch sử, bởi cô chủ nhiệm lớp em (tên cô là Kim Dung) là tổ trưởng bộ môn sử của trường. “Cô giảng hay, có nhiều mẹo để giúp học sinh nhớ được bài. Cô kể nhiều câu chuyện rồi giảng giải về cách đối nhân xử thế qua lịch sử. Những câu chuyện của cô rất hay, rất ý nghĩa...”

Cô giáo của Bích Diệp đã thành công khi làm cho học sinh của mình không “ngại” môn sử, và còn xác định được (ít nhất) một mục đích học môn sử: học cách đối nhân xử thế từ kinh nghiệm của những người đi trước.

Học sử còn giúp khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi con người. Và lịch sử cũng là kho tàng kiến thức vô cùng quan trọng, hiểu lịch sử mới có thể hiểu văn hóa.

Lê Thu Uyên, một học sinh lớp 6 trường trung học cơ sở Thăng Long bày tỏ: “Em thích học sử để tìm hiểu xem con người đã tiến hóa như thế nào và cảm thấy rất thú vị khi học những bài về tổ tiên loài người”.

Uyên kể, cô giáo của em ở trường cũng có một phương pháp hay là hướng dẫn học sinh tự tìm thêm thông tin qua Internet rồi từng nhóm chuẩn bị các bài thuyết trình. “Tuy nhiên, em vẫn mong cô có cách nào đó giúp bọn em nhớ được sự kiện, trong sách giáo khoa nhiều sự kiện quá, rất khó nhớ!”.

Chưa được tham gia CLB Em yêu lịch sử, nhưng Thu Uyên đã nghe nói đến CLB và rất thích. “Em mong muốn CLB sẽ mở rộng hơn để thêm nhiều học sinh các trường được tham gia”.

Đấy cũng là mong muốn của những người phụ trách CLB. Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, việc tổ chức hoạt động này là một cố gắng lớn của anh chị em cán bộ, nhân viên Bảo tàng Cách mạng. Chị Kim Thành ước ao, giá có được nguồn kinh phí thì sẽ mời các chuyên gia sử học, các nhà tâm lý, giáo dục học cùng tham gia để xây dựng được chương trình đa dạng, hấp dẫn hơn. “Sau này, khi Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam đi vào hoạt động, hy vọng CLB sẽ phát triển lớn hơn, được nhiều trường học, thày cô và cha mẹ học sinh ủng hộ, sẽ tham gia tích cực vào việc thu hút học sinh yêu thích môn học lịch sử”- chị Kim Thành nói./.

(Theo VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất