(TCTG) - Ban thường vụ Đảng ủy tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Nhìn thẳng vào hạn chế, kiên quyết khắc phục, thực hiện Nghị quyết không qua loa, hình thức là quyết tâm của Đảng bộ tỉnh kỳ này.
Trong 2 ngày tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XI, Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp đã tiếp nhận gần 180 ý kiến đóng góp của cán bộ đảng viên tham dự hội nghị và hơn 90 ý kiến của các cán bộ hưu trí ở các địa phương. Các ý kiến đều thống nhất cao với nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 và dự thảo Chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy. Trong đó, có rất nhiều ý kiến thật sự tâm huyết, quan tâm và mong muốn đóng góp xây dựng Đảng. Bởi “Đảng đã nhìn thấy được việc cần thiết phải chấn chỉnh để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lo lắng, việc còn lại chính là các nội dung đó có được triển khai và thực hiện nghiêm túc hay không.
Những vấn đề được đề cập trong nội dung nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 thật ra không phải mới mẻ, vẫn là ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Cái mới ở đây là việc các cấp ủy Đảng dám nhìn thẳng vào những hạn chế yếu kém của tổ chức mình và quyết tâm khắc phục. Chương trình hành động, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở đảng hiện nay, đi sâu phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó và đề ra nhiệm vụ giải pháp cụ thể để khắc phục. Vấn đề còn lại chỉ là việc đi vào thực hiện như thế nào và hiệu quả ra sao. Bên cạnh tinh thần ý thức tự giác của bản thân từng cán bộ đảng viên, theo các đại biểu, một yếu tố quan trọng khác là cần phải có quy chế thực hiện cụ thể, rõ ràng.
Ông Võ Hoàng Cương – Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đồng Tháp cho rằng để thực hiện được điều đó thì cần phải thường xuyên kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện. Còn theo ông Ngô Văn Hai – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp thì muốn giám sát tốt thì phải có cơ chế.
Trong các giải pháp thực hiện, phê bình và tự phê bình được xem là biện pháp gốc rễ, căn bản nhất. Biện pháp này cũng không mới. Trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM đã có phát động thực hiện. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại thật sự chưa cao. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra trong thực hiện Nghị quyết trung ương 4 là làm thế nào để phê và tự phê mang tính thực chất, mang lại hiệu quả thực sự. Tuy nhiên, “cán bộ đảng viên tự giác nói về khuyết điểm của mình rất khó”, ông Nguyễn Đắc Hiền – Cán bộ hưu trí ở TP.Cao Lãnh nhận xét. Cũng theo ông Hiền thì tính vị nể cấp trên vẫn còn tồn tại, nếu không khắc phục được vấn đề này thì “lại trở về chỗ cũ”.
Trong xử lý cán bộ đảng viên vi phạm, nhiều ý kiến nhấn mạnh yêu cầu công khai minh bạch. Bởi có công khai minh bạch từ trung ương đến cấp ủy cơ sở thì nhân dân mới có điều kiện đóng góp, xây dựng, lấy sức mạnh của toàn dân trị bệnh của Đảng hiện nay, ông Nguyễn Khắc Thành – Giám đốc Bưu điện tỉnh Đồng Tháp nêu tâm huyết.
Việc đánh giá chính xác, khách quan những nguyên nhân dẫn đến sai lầm, khuyết điểm của cán bộ đảng viên, nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng cũng được các đại biểu đề cập.
Khi lưu ý trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh quyết tâm thực hiện Nghị quyết nghiêm túc, đồng bộ, không nóng vội cũng không để rơi vào trì trệ, hình thức. Gắn thực hiện Nghị quyết trung ương 4 với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo an sinh xã hội... Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân cũng yêu cầu công tác triển khai cần phải được thực hiện khẩn trương, tích cực và phải có lộ trình cụ thể.
Trâm Anh