Tam Bình (Cai Lậy) được tỉnh Tiền Giang chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Đây là địa phương có nhiều nỗ lực phát huy tốt các nguồn lực lao động, đất đai, ngành nghề, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương giàu đẹp và mạnh mẽ hội nhập.
Từ một vùng căn cứ kháng chiến nổi tiếng thời chống Mỹ cứu nước ác liệt, được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những năm đất nước đổi mới, Tam Bình trở thành lá cờ đầu trong phong trào xóa cầu khỉ, phát triển giao thông nông thôn, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản hiệu quả kinh tế cao của tỉnh Tiền Giang, vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì năm 2005. Nhiều bài học kinh nghiệm quí báu được địa phương đúc kết trong quá trình xây dựng một Tam Bình giàu đẹp, hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong tương lai.
Để có được thành tích trên, ông Trần Văn Bé Tư - Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình khẳng định: Công tác xây dựng Đảng bộ vững mạnh đóng vai trò quan trọng hàng đầu, không chỉ lãnh đạo đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào đời sống mà còn tạo được sự đồng thuận trong các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân cùng chung sức thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, kiện toàn kết cấu hạ tầng và đổi mới diện mạo nông thôn. Ban chấp hành Đảng bộ xã luôn xác định công tác xây dựng Đảng vững mạnh là then chốt, quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội qua từng năm, từng giai đoạn một cách cụ thể đến từng chi bộ, đảng bộ trực thuộc, từng đảng viên; trên cơ sở đó, triển khai thực hiện một cách rốt ráo với hiệu quả cao nhất.
Tam Bình nằm ven sông Tiền, phía nam huyện Cai Lậy có lợi thế đất đai màu mỡ, quanh năm trái ngọt, cây lành, thuận lợi phát triển các loại cây ăn quả đặc sản đặc biệt là sầu riêng. Các giống sầu riêng chất lượng cao như Ri6, Mong Thong... trồng tại đây chỉ sau 4 – 5 năm tuổi đã cho trái, năng suất bình quân 15 – 20 tấn/ha, mang lại giá trị 200 – 300 triệu đồng/ha/năm. Việc chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa bấp bênh do đặc thù thổ nhưỡng, thủy văn vùng đất ven sông Tiền như trường hợp Tam Bình sang trồng chuyên canh cây ăn trái đặc sản được tập thể Đảng bộ và chính quyền xã nhất trí cao, nhanh chóng triển khai đến người dân nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nông dân làm giàu và ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.
Xã Tam Bình có 11 ấp, 4.179 hộ với gần 17.000 nhân khẩu; qui mô sản xuất gồm trên 1.600 ha đất nông nghiệp trước đây trồng lúa nay chuyển sang trồng cây ăn trái đặc sản, trong đó chủ lực là sầu riêng chiếm 1.400 ha, còn lại là sa pô chê, vú sữa lò rèn... Với giá trị mang lại từ 200 – 300 triệu đồng/ha đối với sầu riêng, hàng trăm triệu đồng/ha đối với vú sữa lò rèn, sa pô chê, các cây trồng đặc sản trên trở thành cây làm đầu cơ nghiệp cho nông hộ Tam Bình. Nhiều nông dân giàu lên, số hộ nghèo giảm hẳn sau những mùa vụ bội thu, trúng giá qua từng năm. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người nâng lên mức gần 18 triệu đồng/năm, tăng 4,3 triệu đồng so với cách đây 5 năm.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho biết: Kinh tế - xã hội phát triển tiếp thêm lực cho xã vận động nhân dân đồng tình ủng hộ, chung sức đầu tư tiền của, công sức xóa cầu khỉ nông thôn, phát triển giao thông đến tận các xóm ấp hẻo lánh; từ đó mở mang giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa của bà con một cách thuận lợi. Công tác tuyên truyền, vận động trên quan điểm “lấy dân làm gốc”, “phát huy dân chủ cơ sở” và "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được địa phương chú trọng, đi vào đời sống, tạo được đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân. Thông qua các phong trào xóa cầu khỉ, đá đỏ hóa rồi bê tông hóa, nhựa hóa đường giao thông nông thôn được tiến hành mạnh mẽ, sâu rộng, hiệu quả cao trong suốt hơn hai mươi năm qua, Tam Bình sớm hoàn thiện mạng giao thông chằng chịt với 69 tuyến liên xã, liên ấp và xóm ấp, tổng chiều dài trên 50 km, làm mới 144 cầu bê tông thay thế các cầu tre, cầu khỉ tạm bợ, thiếu an toàn trước đây. Ngay trong dịp Tết, Tam Bình đã đưa vào sử dụng 7 tuyến đường giao thông nông thôn mới có tổng chiều dài gần 4.500 m, kinh phí trên 3,33 tỉ đồng; trong đó có 2 tuyến đường trọng điểm là Kiểm Thưởng và Miễu Bà với tổng chiều dài trên 2.660 m, kinh phí đầu tư 3,2 tỉ đồng.
Hiện nay, 100% tuyến đường chính trong xã, 95% tuyến đường liên xóm ấp được bê tông hóa, thuận lợi để bà con đi lại, giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Các công trình tiện ích hạ tầng khác: điện, nước sạch nông thôn, bưu điện, y tế... cũng được kiện toàn, góp phần phục vụ đời sống mọi mặt của người dân, tạo diện mạo nông thôn mới tươi vui, thị tứ hóa những địa bàn vùng sâu vùng xa được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Mối quan hệ gắn bó Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân ngày càng bền chặt.
Những ngày này, thật vui khi về thăm Tam Bình - vùng đất đang đổi mới từng ngày. Đầu xuân Nhâm Thìn, các con đường bê tông khang trang đưa chân khách đến với các xóm ấp trước đây xa xôi hẻo lánh mà giặc thù Mỹ Ngụy khiếp sợ gọi là “đi dễ khó về”. Ven đường, trước sân nhà dân, hoa cúc, hoa hồng, hoa mai, hoa vạn thọ nở vàng rực cả đất trời, các vườn cây ăn trái lúc lỉu hứa hẹn bội thu. Vui được mùa, vui với một cái Tết tiết kiệm nhưng đầy ý nghĩa mừng Đảng, mừng xuân hết sức ấm áp, nghĩa tình – những niềm vui ngời sáng trên gương mặt bà con, cô bác nông dân một thời lam lũ đang mơ một giấc mơ rất hiện thực: đổi đời, cất cánh trong năm con Rồng 2012.
Theo anh Nguyễn Văn Chiến, đối chiếu với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới do Trung ương đưa ra, Tam Bình đã đạt được 5 tiêu chí là thủy lợi, văn hóa, y tế, bưu điện, an ninh trật tự. Các tiêu chí còn lại, xã đang tập trung rà soát, xác định các trọng tâm cần thực hiện trước, thực hiện ngay, các nội dung công việc tiếp tục thực hiện thời gian tới. Tam Bình phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành và được công nhận đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Bé Tư cho biết thêm, giai đoạn 2006 – 2010, Đảng bộ Tam Bình liên tục được công nhận đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Hai năm 2010 và 2011, xã được công nhận xã văn hóa. Năm qua, 100% chi bộ trực thuộc Đảng bộ Tam Bình được công nhận trong sạch, vững mạnh trong đó có 3 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Đó chính là những hạt giống đỏ giúp Tam Bình vững bước đi lên trong năm 2012 và các năm tiếp theo đảm bảo kinh tế - xã hội phát triển bền vững và công cuộc xây dựng nông thôn mới sớm đạt được mục tiêu như kỳ vọng của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân./.
Theo TTXVN