Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 3/2/2012 15:22'(GMT+7)

Xuất khẩu lao động năm 2012 - Những tín hiệu vui

Người lao động có nhu cầu đi XKLĐ dự kiểm tra tiếng Hàn tại TPHCM vào cuối tháng 12-2011.

Người lao động có nhu cầu đi XKLĐ dự kiểm tra tiếng Hàn tại TPHCM vào cuối tháng 12-2011.

  Nhiều cơ hội

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH), hoạt động XKLĐ năm 2012 có một số thuận lợi khi nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Malaysia… vẫn tăng trưởng và vẫn có nhu cầu cao trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Thị trường Nhật Bản, sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã thỏa thuận tiếp nhận y tá và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản, mở ra một cơ hội mới cho lao động Việt Nam được sang làm việc với ngành nghề có thu nhập cao và khá được coi trọng tại Nhật Bản.

Riêng thị trường Hàn Quốc, năm 2012 cũng dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi. Theo đó, năm 2012, chỉ tiêu lao động Việt Nam sang Hàn Quốc là 15.000 người. Trong đó, ngành sản xuất chế tạo là 11.700 người, xây dựng là 1.000 người, nông nghiệp là 1.000 người, ngư nghiệp là 1.300 người. Số lao động này đã hoàn tất kỳ kiểm tra tiếng Hàn và đang chờ ngày xuất cảnh. Năm nay, lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc trong ngành nông nghiệp sẽ được ưu tiên chọn trước.

Riêng thị trường Malaysia, hiện có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam được phép đưa lao động sang làm việc tại Malaysia và đã có khoảng 200.000 lượt lao động sang làm việc tại Malaysia. Các lao động tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ và giúp việc gia đình. Lao động Việt Nam được giới chủ người Malaysia đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó, tiếp thu công việc nhanh, muốn làm việc nhiều hơn, cố gắng hòa nhập với cộng đồng lao động nước sở tại. Đây là thị trường lao động cho thu nhập trung bình, không hạn chế số lượng, chi phí thấp phù hợp cho lao động nông thôn có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.

Với thị trường Lybia, sau một thời gian tạm ngưng, dự báo trong năm nay sẽ tiếp tục nhận lại các lao động Việt Nam. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Libya đang dần ổn định và bắt đầu giai đoạn tái thiết đất nước. Dự kiến đến tháng 6-2012, lao động Việt Nam tiếp tục trở lại làm việc tại Libya. “Đây là tin vui đầu năm mới bởi thị trường này đòi hỏi trình độ tay nghề phù hợp với lao động Việt Nam và có mức lương khá ổn định đồng thời đáp ứng với nguyện vọng của đa số lao động vừa từ Libya trở về nước trước thời hạn vào đầu năm 2011” - ông Quỳnh nói.

Xuất khẩu 90.000 lao động

Trước những tín hiệu khả quan của các thị trường, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2012. Nhưng để thực hiện được kế hoạch đưa lao động đi trong năm 2012, cần có các biện pháp đồng bộ. Đối với thị trường Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan phải triển khai các biện pháp ngăn ngừa lao động bỏ hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc bất hợp pháp. Đối với thị trường Malaysia, phải lựa chọn các hợp đồng tốt, tuyên truyền tư vấn để người lao động nắm được thông tin thị trường, từ đó sẵn sàng tham gia.

Tại thị trường Nhật Bản, cần tăng cường quảng bá để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp nhận thêm thực tập sinh Việt Nam, đồng thời chuẩn bị để triển khai chương trình đưa y tá và hộ lý sang làm việc theo thỏa thuận giữa 2 chính phủ… Ngoài ra, phải chuẩn bị tốt nguồn lao động để đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động thế giới. Tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Đề án hỗ trợ các huyện nghèo để đi XKLĐ. Mặt khác, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về XKLĐ.

Hiện nay, các thị trường lao động ở châu Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Malaysia vẫn là các thị trường truyền thống của Việt Nam. Tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại 4 thị trường này trên 200.000 người, chiếm 40% tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới… “Năm 2012, ngoài tập trung khai thác các thị trường truyền thống đang nhận lao động Việt Nam với số lượng lớn như các nước khu vực Trung Đông, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc... sẽ mở rộng các thị trường mới phù hợp với lao động Việt Nam như Australia, New Zealand, Canada và một số nước ở châu Âu như Phần Lan, Thụy Điển...” - TS Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết.

Theo Hồ Thu/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất