Thứ Tư, 4/12/2024
Lý Luận
Thứ Hai, 3/2/2020 10:40'(GMT+7)

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời làm thay đổi mang tính cách mạng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam

Cờ hoa, khẩu hiệu được trang trí tại Trung tâm Hội nghị quốc gia chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Cờ hoa, khẩu hiệu được trang trí tại Trung tâm Hội nghị quốc gia chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Đó là những giá trị lịch sử không thể phai mờ, được thể hiện ở những nội dung cốt lõi:

Thứ nhất, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, bước ngoặt vĩ đại, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối của phong trào yêu nước Việt Nam. Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tiếp tục truyền thống yêu nước, bất khuất kiên cường chống ngoại xâm, các phong trào chống thực dân Pháp theo ngọn cờ phong kiến, ngọn cờ dân chủ tư sản của nhân dân Việt Nam đã diễn ra quyết liệt, liên tục và rộng khắp. Dù với nhiều cách thức tiến hành khác nhau, song đều hướng tới mục tiêu đánh đổ chế độ thuộc địa, giành độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, “các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”(2). Phong trào yêu nước Việt Nam lâm vào khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước.

Nhiệm vụ lịch sử cấp thiết đặt ra cho thế hệ yêu nước đương thời là cần phải có một tổ chức cách mạng tiên phong, có đường lối cứu nước đúng đắn để giải phóng dân tộc. Trước yêu cầu lịch sử đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện. Với lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, với thiên tài trí tuệ, sự nhạy bén về chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường giải phóng dân tộc triệt để nhất - con đường cách mạng vô sản, theo Cách mạng Tháng Mười Nga. Từ đó, Người đã nỗ lực xúc tiến vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở ba Kỳ: Đông Dương Cộng sản Đảng;  An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) là  bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam: Chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước của các phong trào yêu nước Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược đến những năm 20 của thế kỷ XX. “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”(3)..

Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực sự trở thành người lãnh đạo, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, từng bước đi lên, làm nên những kỳ tích, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đáp ứng khát vọng của nhân dân Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Thứ hai, tổ chức vận động cách mạng giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Là một đảng hoạt động bí mật, bất hợp pháp dưới chính quyền thực dân tại một nước thuộc địa, trong 15 năm (1930-1945) bị khủng bố, đánh phá, hệ thống tổ chức Đảng hai lần phải xây dựng lại, với 4 Tổng bí thư của Đảng hy sinh. Nhưng với  việc xác định đường lối chiến lược cách mạng qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên (sau đó bổ sung thành Luận cương Tháng 10-1930)  đã đáp ứng khát vọng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, do vậy, chỉ 15 năm sau đi theo đường lối cách mạng của Đảng, dân tộc Việt Nam đã làm nên kỳ tích vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám 1945, xoá bỏ tận gốc chế độ thuộc địa nửa phong kiến, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc"(4).  Thắng lợi ấy đã mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giành độc lập cho đất nước, làm thay đổi cả vận mệnh dân tộc, thay đổi cả thân phận của người dân Việt Nam.

Thứ ba, tổ chức và lãnh đạo thắng lợi các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng chỉ sau 3 tuần độc lập, với mưu đồ trở lại thôn tính Việt Nam, thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược Nam Bộ. Trước bối cảnh chính quyền còn non trẻ, Đảng vừa ra hoạt động công khai, nắm chính quyền cách mạng thì phải đối phó với vô vàn khó khăn. Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tình thế cách mạng Việt Nam như “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam dựa trên nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, giữ vững chủ quyền của đất nước, vững vàng bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, với đường lối toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh là chính.

Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954) đã bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám 1945, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc, đưa cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục tiến hành cách mạng giải phóng ở miền Nam. “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới"(5)..

Sau khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, với mưu đồ nhằm biến miền Nam Việt Nam thành "con đê" ngăn chặn "làn sóng đỏ" - CNXH sang Đông Nam Á, đế quốc Mỹ từng bước can thiệp và tiến hành xâm lược miền Nam, chia cắt đất nước, phá hoại cách mạng XHCN miền Bắc bằng không quân và hải quân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân cả nước đã đồng tâm hiệp lực, hướng về mục tiêu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng là một điểm sáng tạo độc đáo của đường lối cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này.

Trải qua 21 năm chiến đấu, với đường lối chiến tranh nhân dân, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, cả nước đồng tâm, nhất trí đi theo một hướng của Đảng. Nhân dân Việt Nam đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc, thu giang sơn về một mối. Thắng lợi của cách mạng miền Nam, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân trên đất nước, hoàn thành về cơ bản cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước. Chiến công ấy là “một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc"(6). Từ đây, dân tộc Việt Nam tiến vào một kỉ nguyên mới - kỷ nguyên cả nước hòa bình, thống nhất, cùng quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư, tổ chức công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước đi lên CNXH trên tinh thần độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế trong sáng. Sau 30 năm chiến tranh, cả nước bước vào công cuộc xây dựng CNXH từ những buổi đầu mới mẻ, đối diện với những thách thức, khó khăn gay gắt cả trong nước, trong khu vực và trên trường quốc tế. Trong bước thăng trầm ấy, với bản lĩnh kiên cường của một chính Đảng cách mạng dám nhìn thẳng vào sự thật để cùng cả dân tộc khởi xướng sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong đó, Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đã xác định 4 nội dung cần đổi mới: ''Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác'' (7).

Đặc biệt vào thập niên 90 của thế kỷ XX, trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp và tình hình đất nước có muôn vàn khó khăn, các thế lực thù địch không ngừng chống phá, Đảng kiên định mục tiêu mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, giữ vững vai trò lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua sóng gió.

Công cuộc đổi mới đất nước đã đưa dân tộc vượt qua thử thách hiểm nghèo, phá thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế, tạo tiền đề vững chắc để đất nước ngày càng phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. “Thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam”(8).

Những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam 90 năm qua, đã minh chứng trong thực tế: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(9).

Những thắng lợi vĩ đại đó đều gắn liền với việc xác định cương lĩnh chính trị, đường lối chiến lược đúng đắn và quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, hiện thực hoá đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên (2-1930) đến Luận cương chính trị (10-1930), Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam (2-1951), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội  (6-1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).  Những cương lĩnh chính trị đó mang tính cách mạng, khoa học, được bổ sung, phát triển và sáng tạo theo tiến trình lịch sử, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và sự phát triển của lịch sử.

Từ quá trình hoạt động lãnh đạo vô cùng phong phú, sôi động, hào hùng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay, đã ghi những dấu ấn lịch sử quan trọng và để lại những bài học sâu sắc về lý luận của Đảng cầm quyền, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và những giá trị thực tiễn phong phú, sinh động, tạo tiền đề, nền tảng căn bản để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong hiện tại và tương lai./.

PGS. TS. Trần Thị Thu Hương

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

_____________________

(1), (3), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.12,  tr . 403 - 404, 406, 410.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2007, t. 5, tr. 14.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 25.

6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, 1977, tr. 5-6.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật,  H,1987, tr. 124.

(8), (9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H,2011, tr. 23, 70.

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất