Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Sáu, 17/7/2015 9:6'(GMT+7)

Thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, hay kích động bạo lực?

 

Như lời giới thiệu thì bài Quan chức nhân quyền Đức: Dân chủ - nhân quyền không nhất thiết gắn với dân trí công bố trên in-tơ-nét là ghi lại cuộc phỏng vấn tại Hà Nội vào ngày 5-6-2015, do một "nhà dân chủ" mới "đào tạo" ở nước ngoài về thực hiện với ông C. Strésser - Phái viên về chính sách nhân quyền và viện trợ nhân đạo của Chính phủ CHLB Đức, thông qua phiên dịch viên tiếng Đức.

Ngày 9-6-2015 ông C. Strésser đã kết thúc chuyến làm việc ở Việt Nam. Cho đến hôm nay vẫn không có bất kỳ tờ báo nào từ trung ương đến địa phương ở CHLB Đức đăng lại văn bản được gọi là "phỏng vấn" này. Trang mạng chính thức của ông C. Strésser với tư cách là dân biểu Quốc hội CHLB Đức và là Phái viên về chính sách nhân quyền và viện trợ nhân đạo của Chính phủ CHLB Đức cũng không nhắc đến cuộc phỏng vấn, càng không nhắc đến văn bản đã được một số người phát tán trên một số trang mạng tiếng Việt. Ngoài trang mạng chính thức, ông C. Strésser còn có trang facebook cá nhân, ở đó ông có nhắc đến chuyến làm việc ở Việt Nam nhưng không có câu chữ nào cho thấy đã có cuộc phỏng vấn do một "nhà dân chủ" - người đưa văn bản này lên in-tơ-nét, tiến hành. Vì thế, sự xuất hiện của văn bản bài phỏng vấn khiến người đọc không khỏi hồ nghi. Chẳng lẽ ông C. Strésser lại quên, hay tảng lờ một cuộc trò chuyện có nhiều nội dung phức tạp như vậy?

Về cơ bản, có sự khác biệt giữa một cuộc phỏng vấn với một cuộc trò chuyện giữa hai người. Phỏng vấn là đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi để sau đó phát tán bằng phương tiện truyền thông; còn trò chuyện, dù là thân mật thì vẫn có tính tâm sự, chỉ người tham gia biết nội dung. Ở một số nước, thí dụ ở Ba Lan, có quy định pháp lý bắt buộc khi phát tán một một bài phỏng vấn phải có sự xác nhận của người được phỏng vấn. Ở CHLB Đức, tuy không có quy định pháp lý, nhưng đã thành thông lệ là phải có xác nhận phỏng vấn, tiếng Đức gọi là "phỏng vấn - ủy quyền" (Interview - Autorisierung). Việc xác nhận phỏng vấn là để bảo vệ người đã được phỏng vấn, bảo đảm với bạn đọc thật sự đã có cuộc phỏng vấn như vậy. Là công dân CHLB, chẳng lẽ ông C. Strésser lại không biết thông lệ này? Bởi thế, bài phỏng vấn nêu trên phát tán nhưng không có xác nhận của ông C. Strésser thì liệu văn bản có đáng tin cậy? Còn nếu đó chỉ là cuộc trò chuyện riêng tư giữa ông và "nhà dân chủ" nọ thì việc công bố có được sự đồng ý của ông?

Nếu văn bản nói trên là cuộc phỏng vấn, là thông điệp ông C. Strésser muốn gửi nhân dân Việt Nam, thì đây quả là một lựa chọn tồi tệ. Không khó để nhận ra người đặt các câu hỏi chỉ nhằm đạt tới ý đồ duy nhất là "muốn có dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam thì phải loại bỏ thể chế hiện hành"! Và ông C. Strésser vừa đồng tình vừa đưa ra một ý kiến mà bất kỳ viên chức đại diện quốc gia nào cũng không thể phát biểu khi đến làm việc tại quốc gia khác, đó là: "Tôi nghĩ để có một phong trào đối lập trong một thể chế như ở Việt Nam, nếu không hung hãn hoặc không bất lịch sự thì sẽ chẳng đấu tranh được đâu. Nhiều lúc phải to tiếng, phải bất lịch sự chứ ở thể chế này mà lịch sự, hiền lành quá cũng chẳng được"! Nói một cách hàm hồ như vậy, phải chăng ông C. Strésser muốn kích động bạo lực ở Việt Nam? Liệu Chính phủ CHLB Đức và các cơ quan đã cử ông C. Strésser đến Việt Nam làm việc có biết về phát ngôn tùy tiện và nguy hiểm này? Phát ngôn như thế, ông C. Strésser đã không chỉ can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, làm ảnh hưởng tới uy tín của CHLB Đức, mà còn dung túng, cổ súy mấy "nhà dân chủ" có hành vi vi phạm luật pháp Việt Nam. Điều này là hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của ông đăng trên trang mạng của Đại sứ quán CHLB Đức ở Việt Nam, trong đó ông nói rõ: "Đức và Việt Nam năm nay kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Việt Nam là một đối tác ngày càng quan trọng hơn đối với chúng tôi tại khu vực Đông - Nam Á, là đối tác mà Đức tăng cường những mối trao đổi liên hệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau... Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong các lĩnh vực khác nhau của chủ đề nhân quyền. Chúng tôi tôn trọng và đánh giá cao những bước tiến thành công này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất lo lắng về một số thiếu hụt đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực các quyền của công dân và quyền chính trị". Chẳng lẽ chỉ có sau mấy ngày làm việc tại Việt Nam, mà ông C. Strésser đã đi từ "rất lo lắng" đến kích động bạo lực?

Nghiên cứu Hiến pháp và luật pháp nước CHXHCN Việt Nam tôi được biết, cũng như luật pháp ở mọi quốc gia, ở Việt Nam việc hô hào sử dụng bạo lực nhằm thay đổi chế độ là tội rất nặng. Việc một số người núp dưới chiêu bài "dân chủ, nhân quyền" để tiến hành các hoạt động chống đối, lật đổ chế độ thật sự là vi phạm pháp luật. Nhưng khi họ bị bắt giam, bị khởi tố thì lập tức một số người ở phương Tây lên tiếng vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đòi trả tự do cho họ! Và rồi ngay sau khi được trả tự do, họ đã tự bộc lộ họ là ai với các ý đồ đen tối như thế nào. Tháng 11-2014, vài ba cá nhân từ Việt Nam đến tận Berlin (Béc-lin) và tìm cách gõ cửa một, hai dân biểu Quốc hội Đức. Kết quả là họ có cơ hội để chụp ảnh chung với mấy dân biểu này, nhưng ngay sau đó họ lại tung tin: "Quốc hội Đức tiến hành điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam"! Một số báo đài cũng như các cá nhân và tổ chức thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam lại hùa vào, làm ầm ĩ một sự kiện bịa đặt, không xảy ra trong thực tế. Cho đến hôm nay, Quốc hội CHLB Đức vẫn không có bất kỳ hoạt động nào như mấy tổ chức, cá nhân đó mong đợi.

Về cơ cấu tổ chức ở CHLB Đức, Văn phòng Phái viên về chính sách nhân quyền và viện trợ nhân đạo đặt trong Bộ Ngoại giao, Phái viên là người tư vấn cho Chính phủ trong các vấn đề nhân quyền, viện trợ nhân đạo. Tuy hoạt động độc lập, được phép tuyên bố độc lập, cũng như không bị Chính phủ Đức điều khiển, nhưng không vì thế ông C. Strésser lại có thể tự cho mình quyền can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Từ nguyên tắc này, tôi không thể tin vào mắt mình khi đọc bài phỏng vấn, thấy ông C. Strésser đưa ra lời khuyên "nhà dân chủ" ở Việt Nam vi phạm pháp luật. Theo luật pháp ở CHLB Đức, đây là hành động bị nghiêm cấm. Ở CHLB Đức, nhiều người đã phải hầu tòa vì hành vi kích động khi khuyên người khác hung hãn và bất lịch sự với cảnh sát. Quy định của CHLB Đức về thái độ khi giao tiếp trực tiếp, và trên giấy tờ còn nghiêm khắc hơn nhiều. Gần đây, do biến chuyển của tình hình, năm 2015, Chính phủ CHLB Đức đã ban hành một số biện pháp cứng rắn hơn, thí dụ: quy định về việc tạm thời thu Chứng minh thư nhân dân trong thời hạn ba năm đối với những người bị nghi ngờ là thành phần hồi giáo quá khích, để họ không thể ra nước ngoài được. Vì thành phần quá khích ra nước ngoài và khi trở lại CHLB Đức có thể sẽ có hành động đi ngược lại các tiêu chí của Hiến pháp hiện hành, và đó là mối lo ngại về an ninh cho toàn thể cộng đồng xã hội.

Theo dõi qua báo chí, tôi biết trong những năm gần đây, nhiều nguyên thủ và chính khách trên thế giới đã đến thăm Việt Nam, họ đều có những ý kiến đánh giá tốt đẹp và thiện chí. Như ông Ban Ki Mun, Tổng Thư ký LHQ thăm Việt Nam hôm 22-5-2015 đã phát biểu: "Việt Nam đang cho cả thế giới thấy rằng một thảm họa trong quá khứ của chiến tranh tàn phá có thể trở thành một hiện tại và tương lai vô cùng cường thịnh, tôi rất tin tưởng rằng các bạn còn đạt được những phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai". Có lẽ rất hiếm hoi khi có người phát ngôn như ông C. Strésser, và đó là điều rất đáng tiếc!  


Ngọc Dung/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất