Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 13/7/2015 14:11'(GMT+7)

Hòa giải dân tộc theo tiếng gọi trái tim

Tiết mục hát múa "Việt Nam - ngôi nhà chung" khai mạc Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”. (Ảnh: QĐND)

Tiết mục hát múa "Việt Nam - ngôi nhà chung" khai mạc Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”. (Ảnh: QĐND)

1. Một cuộc tranh luận gần đây trên mạng xã hội với một người bạn Mỹ đã khiến chúng tôi phải đặt bút viết những dòng này.

Kyle Horst, một người Mỹ từng có nhiều năm sống ở Việt Nam, vẫn thường xuyên đi về giữa Việt Nam và Mỹ đã nói rằng anh không hiểu câu chuyện hòa giải, hòa hợp ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào. Lý do là vì anh vẫn thấy đâu đó những cá nhân đi ngược lại với dòng chảy chính hòa hợp, hòa giải dân tộc đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ ở Việt Nam.

Tất nhiên, là một người Mỹ, Kyle-cho dù rất có thiện cảm với Việt Nam, cũng sẽ không thể nào hiểu hết câu chuyện dài này. Ngay cả với người Việt Nam thì đó cũng là cả một quá trình đòi hỏi phải có sự chiêm nghiệm và thấm thía… 21 năm chiến tranh là một thời gian rất dài với biết bao đau thương, mất mát, đau khổ ở cả hai phía và trong nhiều gia đình Việt Nam. Có những vết thương lòng rất sâu nên sự hàn gắn không dễ dàng, đòi hỏi thời gian. Vì thế, hơn 40 năm sau chiến tranh, đây đó thỉnh thoảng vẫn còn lằn ranh giữa người Việt Nam từng ở 2 bờ chiến tuyến… Một bộ phận nhỏ người Việt Nam vẫn còn ngăn cách về tình cảm, suy nghĩ, thậm chí vẫn còn lưu giữ hận thù… Vấn đề hòa hợp dân tộc vẫn đang là nỗi niềm không chỉ của riêng những ai từng tham gia cuộc chiến ở mỗi phía mà thậm chí còn đến từ những người Việt Nam sinh ra khi đất nước đã hòa bình, thống nhất.

Chính vì thế, câu chuyện hòa hợp dân tộc cứ đeo đẳng trong tâm thức của không ít người. Là một vấn đề không mới, hòa hợp dân tộc đã được bàn đến rất nhiều kể từ sau năm 1975 tới nay, nhưng bước tiến của quá trình này vẫn còn gặp trở ngại từ một bộ phận nhỏ những người không vượt qua được quá khứ. Với nhiều lý do khác nhau, hiện có một bộ phận đông đảo kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Trong số họ vẫn còn những người chưa thực sự hiểu biết rõ về chính sách của Đảng, Nhà nước, phần vì thiếu thông tin, vì bị những kẻ có thù hận, dã tâm chính trị, các thế lực thù địch lợi dụng để chống Việt Nam… nên việc hòa hợp dân tộc đang bị ảnh hưởng. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể và hòa hợp, hòa giải dân tộc vẫn đang diễn ra. Tổ quốc Việt Nam thân yêu vẫn giang rộng vòng tay đón chào những người con đã xa quê lâu ngày trở về.

Và còn rất nhiều người nặng lòng với vấn đề này…

2. Ông Hồ Ngọc Thắng, Việt kiều Đức, là một người như vậy. Dù đang sinh sống và làm việc ở CHLB Đức, nhưng trong mấy năm qua, ông đã viết nhiều bài phản bác các luận điệu sai trái chống phá Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và được một số tờ báo cho đăng tải.

Đối với ông Thắng, vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc là một đề tài mà ông luôn trăn trở. Đồng ý rằng mọi người Việt Nam, dù sống ở trong nước hay nước ngoài, đều cùng chung sức xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh, nhưng ông Thắng cũng nói rằng vẫn còn một số ít mang tư tưởng thù hận hay định kiến trong lòng.

Tháng 4 vừa qua, ông Thắng đã cùng đoàn kiều bào tham gia Đoàn công tác số 6 ra thăm Trường Sa. Là một cựu chiến binh, ông đã rất vui mừng vì có mặt ở quê hương đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông vui vì mình đã góp phần nhỏ để có ngày đất nước hòa bình, độc lập ngày hôm nay. Sự thay đổi hằng ngày, hằng giờ của quê hương đã khiến ông Thắng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. "Cứ nhìn cũng thấy cuộc sống của người dân đang được cải thiện rõ rệt”, ông Thắng đã cảm khái thốt lên như vậy trong lần về nước vừa rồi.

Trở về quê hương vào dịp Việt Nam kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chứng kiến những đổi thay đáng mừng của đất nước, ông Thắng càng suy nghĩ và chiêm nghiệm nhiều hơn về giá trị của sự hy sinh. Biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống, hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng thống nhất, độc lập dân tộc. Máu của các anh đã đổ cho mỗi người Việt Nam có cuộc sống ngày hôm nay, trong đó có cả máu những đồng đội của ông. Vì vậy, ông Thắng đã tâm niệm phải luôn ghi nhớ rằng cuộc chiến đã qua không phải "vô ích" như một số người, vì những mưu đồ chính trị hay định kiến mà xuyên tạc những giá trị ấy. Bởi đó là cuộc chiến cho mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đối với những luận điệu xuyên tạc Việt Nam "bán đất, bán biển", ông Thắng hoàn toàn lên án. “Đây rõ ràng là luận điệu sai trái, thủ đoạn của những người thiếu thiện chí với Việt Nam, hòng gây mất lòng tin của dân với Đảng, Nhà nước, quân đội và gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Ra Trường Sa, tôi đã chứng kiến tận mắt biển, trời Trường Sa vẫn đang được bảo vệ vững chắc bởi những bàn tay vững vàng, tin cậy”, ông Thắng đã nói như vậy trong cuộc phỏng vấn với Báo Quân đội nhân dân. Theo ông Thắng, những người còn mang tư tưởng và ý nghĩ lệch lạc đó đang tự mâu thuẫn. Vì trong khi họ đang được tận hưởng giá trị của cuộc sống hôm nay, họ lại đi phủ nhận và quay lưng với những người đã góp phần tạo ra giá trị đó. Đó là điều phi đạo nghĩa.

Vẫn còn có những người Việt Nam mang nặng định kiến chưa trở về quê hương và chỉ trích trong nước vì những điều này điều khác. Không thể phủ nhận thực tế đất nước còn những điều bất cập, nhưng ông Thắng cho rằng cũng cần phải nhìn nhận những điều đó đang được khắc phục dần. Theo ông, việc khắc phục đó cần có sự tham gia, chung tay góp sức của mọi người Việt Nam. Ông Thắng đã từng viết trong một bài báo rằng: “Với đồng bào đang sống ở nước ngoài như tôi, không có sự trở về nào là quá muộn; điều đầu tiên quan trọng nhất để trở về với quê hương là đi theo tiếng gọi của trái tim”.

3. Sau nhiều năm bôn ba xứ người, ông Nguyễn Hữu Thái, Việt kiều Ca-na-đa đã trở về sống hẳn ở Việt Nam. Một người luôn đau đáu với vấn đề hòa giải dân tộc như ông Thái đã mất cả một quãng thời gian nửa đời người để chiêm nghiệm và đúc kết ra rằng hòa hợp, hòa giải chỉ thực sự có được khi cả hai phía cùng xác định mẫu số chung, đó là ước nguyện cho đất nước độc lập, thống nhất, dân tộc Việt Nam ngày càng phát triển và trở nên hùng cường. Được mời tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hồi tháng 4 vừa qua, ông Thái rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì Việt Nam có độc lập, thống nhất, nhưng ông cũng trăn trở phải làm sao đưa Việt Nam trở thành một nước giàu mạnh.

Theo ông Thái, một trong những việc phải làm là cần đẩy mạnh hơn nữa vấn đề hòa hợp, hòa giải để thu hút nhiều hơn những người Việt Nam yêu nước, có năng lực, trình độ trở về chung tay với đồng bào trong nước cống hiến xây dựng quê hương.

Con trai ông Thái, Nguyễn Hữu Thái Hòa-một trí thức Việt kiều trẻ, bỏ lại công việc có thu nhập cao ở Pháp, trở về Việt Nam theo tiếng gọi của quê hương, hiện đang làm Giám đốc Chiến lược của tập đoàn FPT, một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Không phủ nhận việc con trai đã chịu nhiều tác động của mình để trở về quê hương làm việc, ông Thái cho rằng những người lớn tuổi như ông phải về trước. “Chúng tôi cũng như cái neo, “con theo cha” là như vậy. Nếu người già không về quê hương thì những người trẻ sẽ càng ngày càng xa quê hương”, ông trầm ngâm.

Sống giữa cộng đồng người Việt ở hải ngoại, những người như ông Thắng hay ông Thái đều đã chứng kiến và được biết không ít những câu chuyện đẫm nước mắt của người Việt Nam ở cả hai bên chiến tuyến… Có người đã vượt qua được định kiến, nhưng cũng có người còn mang nặng tư tưởng hận thù mà nguyên nhân góp phần không nhỏ là do bị các phần tử, tổ chức cực đoan kích động. Bản thân các ông từng sống qua những năm tháng chiến tranh, qua những giai đoạn mất mát của đất nước và cũng không tránh khỏi những khủng hoảng, nên hơn ai hết, những cảm nhận và chia sẻ của họ về hòa hợp, hòa giải dân tộc là đáng để suy ngẫm.

4. Có lẽ cuộc tranh luận với Kyle Horst sẽ không có điểm dừng nếu như chính anh bạn người Mỹ không đưa ra lời kết cho câu chuyện hòa giải. Kyle đã nói: “Trong một xã hội còn có những ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Cần tôn trọng và sẵn sàng đối thoại để tìm ra tiếng nói chung trong việc xây dựng đất nước. Đó cũng chính là hòa giải”.

Về điểm này thì chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Kyle. Có lẽ anh cũng thấy chính vì thế mà song song với việc phát triển kinh tế, Việt Nam đang cải cách thể chế, xây dựng một xã hội dân chủ, chú trọng phát triển hài hòa giữa cuộc sống vật chất và tinh thần. Những thành tựu về kinh tế, về xóa đói giảm nghèo… đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đều có sự chung tay góp sức của người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân không những nói lên sự nỗ lực và gắn kết của cộng đồng dân tộc trong tiến trình khắc phục tàn tích nặng nề của chiến tranh, mà còn phản ánh khát vọng to lớn của nhân dân Việt Nam đối với công cuộc hòa bình, đoàn kết, hợp tác quốc tế. Hay cụ thể hơn một chút, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ là một minh chứng thực tế trong thực hiện phương châm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước và xu thế hội nhập quốc tế; đồng thời, góp phần thiết thực vào quá trình hòa hợp dân tộc, nhất là với một bộ phận người Việt Nam di cư sang Mỹ sau năm 1975.

Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, non sông thu về một mối. Bất luận ai thắng, ai thua trong cuộc chiến ấy thì cũng đều thấm thía nỗi đau, những mất mát hy sinh, sự chia rẽ dân tộc và sự tàn phá ghê gớm mà cuộc chiến tranh đã để lại trên dải đất hình chữ S. “Không ai lựa cửa để sinh ra!”, “Không để quá khứ ràng buộc tương lai”... là những câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khái quát về tinh thần đại đoàn kết và hòa hợp, hòa giải dân tộc. Câu nói ấy đã đánh động đến suy nghĩ của nhiều người, không chỉ đối với người dân trong nước mà cả kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, khép lại quá khứ, hướng đến tương lai là trách nhiệm của tất cả những ai mang trong mình dòng máu Việt Nam./.

Xuân Phong - Song Anh (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất