Thứ Bảy, 21/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Năm, 9/7/2015 15:40'(GMT+7)

Về một "nhà khảo cứu" khoe khoang và dối trá

Tự nhận là nhà biên khảo, người nghiên cứu triết học, và có lẽ để khẳng định tư cách "khoa học" của mình, trong hai bài viết về cuộc đời, nhật ký của hai liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc, TDH đã mập mờ khoe rằng, vừa mới xuất bản cuốn sách Minh triết thật giả ở NXB Văn học năm 2015. Ông ta xưng xưng viết, trong cuốn sách, đã "huy động đến khoảng 300 nghi án văn học, nghệ thuật, cuộc đời để làm điểm tựa cho việc tranh biện triết học"! Nhưng TDH khoe khoang chưa được mấy ngày thì website của NXB Văn học đã có thông báo: "Hiện nay, trên internet xuất hiện thông tin về cuốn sách Minh triết thật giả - tác giả TDH, do NXB Văn học xuất bản năm 2015. Sau khi rà soát, kiểm tra NXB Văn học khẳng định NXB Văn học không hề xuất bản, không liên kết với bất cứ cá nhân, tổ chức nào xuất bản cuốn sách nói trên. Việc mạo danh này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của NXB Văn học. NXB Văn học sẽ có ý kiến với các cơ quan chức năng để xử lý sự việc này"! Như vậy, TDH đã bịa ra một cuốn sách chưa có mặt trên đời, và ông ta không chỉ khoe khoang mà còn tỏ ra dối trá.
Sau khi công bố, bài Những phù thủy của văn nô bị cư dân mạng phản ứng dữ dội, lẽ ra TDH nên xem xét lại mình để phân biệt đúng - sai nhưng ông ta vẫn "cố đấm ăn xôi", tiếp tục công bố bài Trả lời các cư dân mạng "bình loạn" về "Những phù thủy văn nô". Và cả hai bài đã bộc lộ trình độ học thuật, đạo đức nghề nghiệp của người viết. Sau khi tự cấp cho mình tư cách nhà biên khảo, người nghiên cứu triết học, ông ta đã công khai lăng mạ nhóm soạn giả tủ sách Mãi mãi tuổi 20 là "bọn phù thủy văn nô", xúc phạm thô bạo tấm gương chiến đấu và sự hy sinh cao cả của hai liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc. Không chỉ vậy, ông ta còn đánh tráo nhiều khái niệm để hạ thấp ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (như coi đó là "nội chiến" chẳng hạn!). Cần dứt khoát khẳng định hai bài viết của TDH chỉ là tập hợp tạp nham những điều sáo rỗng, được viết từ thái độ hằn học, nhai lại các luận điệu mà những kẻ chống đối Nhà nước Việt Nam truyền bá nhiều năm nay. Ở bài viết thứ hai, TDH lộ rõ chân tướng một kẻ "ăn theo nói leo", thiếu đạo đức nghề nghiệp. Bài viết dài dằng dặc và lủng củng này chỉ là sự lắp ghép cẩu thả những gì TDH lượm lặt được trên một số trang web, diễn đàn phi học thuật. Riêng việc sử dụng bài của tác giả Thiên Đức nào đó để "trả lời cư dân mạng" đã thể hiện sự yếu kém thảm hại của TDH. Bởi ông ta không biết Thiên Đức đã ăn cắp nhiều ý tưởng, xào xáo một số điều gọi là "phát hiện", và đòi hỏi một ấn bản nhật ký trung thành với nguyên tác vốn là ý kiến của NG, PHQ đã đăng trên một website của người Việt tại CHLB Đức cách đây khá lâu; không những thế, Thiên Đức còn không ngần ngại ăn cắp từ một số bài viết có mục đích xúc phạm liệt sĩ Đặng Thùy Trâm từng đăng trên một số website của thế lực thù địch ở hải ngoại.
Trên thực tế, yêu cầu một ấn bản nhật ký tuyệt đối trung thành với nguyên tác là điều bất khả. Như dịch giả Đinh Bá Anh đã bình luận trên facebook cá nhân ngày 5-5-2015: "Cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được gia đình bà chấp thuận xuất bản. Em gái bà là Đặng Kim Trâm và ông Vương Trí Nhàn, biên tập viên xuất bản, đã biên tập cuốn nhật ký theo cách mà họ cho là hợp lý, như họ tuyên bố: Tuyệt đối tôn trọng câu chữ của tác giả, chỉ sắp xếp lại đôi chỗ cho sáng sủa, cắt đi những chỗ họ cho là không nên công bố. Tôi cho rằng họ không những có quyền làm vậy, mà còn phải làm vậy... Tôi là người đọc không ít nhật ký, thư, di cảo của các nhân vật khác nhau. Nói chung, các thể loại này ở đâu cũng cần sự biên tập (theo nghĩa tích cực nhất của từ này)... Việc bản gốc cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm giờ được đưa lên mạng là dịp để giới nghiên cứu có thể phân tích những chỗ khác biệt giữa bản in và bản gốc. Thiết tưởng, những người làm văn bản nên có thái độ và cách làm việc nghiêm túc để đánh giá các đoạn được biên tập... thay vì hùa theo những phân tích ở trình độ kém cỏi, những lý thuyết âm mưu nhăng nhít, hay những bình tán nhảm nhí". Thật vậy, ngay bản thân ông NG - một trong mấy người "mở màn" cho việc "phân tích động trời" về Nhật ký Đặng Thùy Trâm cũng đã phải kết luận: "Ba mươi năm sau chiến tranh, lòng người còn phân tán. Nhưng Nhật ký Đặng Thùy Trâm dường như đã làm được phép lạ là nó đi tới được với mọi người mà nó vẫn là nó, không uốn éo lựa lời". Ấy thế mà mấy kẻ vô công rồi nghề như nhà biên khảo tự phong và vài ba kẻ ăn theo vẫn say sưa khai quật những "nghiên cứu" chỉ đáng vứt đi nhằm lòe bịp những độc giả ít đọc nhưng ngây thơ, cả tin.
Không có điều gì khác, những người như TDH chỉ nhân danh tự do học thuật để phủ nhận công lao của những người đã hy sinh xương máu đem lại hòa bình cho đất nước. Chỉ có thể sử dụng hai chữ "bẩn thỉu" để chỉ sự xuyên tạc của TDH khi ông ta coi Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc là người "mặc cả" với cách mạng, trong khi chính ông ta luôn tiếc nuối vì đã tham gia thanh niên xung phong!
Chưa dừng lại ở đó, TDH còn đang tâm xuyên tạc cả cuốn nhật ký của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, bất chấp việc tên tuổi của chị ghi sâu trong lòng bao người dân Đức Phổ đến những người lính, thương binh, y - bác sĩ có dịp gặp hoặc nghe kể về chị. Năm 2004, sau khi đọc "vài dòng lịch sử ngắn ngủi trong cuốn sách Phụ nữ Nam Trung Bộ trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước (1930-1975)", nhà văn Trầm Hương quyết định ra Hà Nội tìm gia đình liệt sĩ. Nhưng thời gian lưu lại ngắn ngủi không cho phép chị hoàn thành dự định, chị viết bài Ai biết liệt sĩ Đặng Thị Thùy Trâm đăng trên báo Phụ nữ Thủ đô từ ngày 22 đến ngày 29-12-2004 mong "độc giả của báo Phụ nữ Thủ đô biết được thông tin gì về chị Trâm không?". Vậy TDH đã "khảo cứu" như thế nào mà ông ta dẫn sai ngay cả tên bài viết của nhà văn Trầm Hương? Hết bôi xấu đời tư của chị Đặng Thùy Trâm, TDH chuyển sang bới móc việc chuyên môn khi coi chị là bác sĩ khoa mắt mà lại tham gia mổ cho thương binh, cho rằng chị không cứu thương binh qua khỏi. Đó là suy đoán bỉ ổi, TDH hoàn toàn không quan tâm tới những việc Đặng Thùy Trâm đã làm được trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Đặng Thùy Trâm và đồng đội làm nên bao điều phi thường mà những kẻ như TDH không thể hiểu được. Và khi cái ngày định mệnh ấy đến, chị đã cùng đồng đội kiên trì bám trụ với bệnh xá thay vì rút lên bệnh viện tuyến trên và đã hy sinh, mà lời kể của một số nhân chứng cũng như báo cáo quân đội Mỹ ghi lại là bằng chứng xác thực nhất.
Với tâm địa đen tối và sự lươn lẹo của ngòi bút, TDH và mấy người hùa theo ông ta đã đứng về phía đối lập với lương tri, và đáng buồn là lại có nhà báo chuyên về văn hóa, lịch sử còn té nước theo mưa, cổ vũ nhăng cuội trên facebook cá nhân. Lẽ nào họ không quan tâm đến các comment người đọc dành cho TDH tại các địa chỉ đã công bố bài viết của ông ta, thí dụ: "Hai bên chinh chiến, tôi không bênh bên nào cả, nhưng hai vị nêu trên xứng đáng được mọi người kính trọng, tôn thờ. TDH hãy mau mau tỉnh ngộ và cũng nên nghĩ đến điều quả báo", "Nghĩa tử nghĩa tận, tại sao TDH lại điên rồ moi móc để bêu xấu người đã khuất? TDH vừa thất đức vừa bất lương", "Qua việc này thấy rõ TDH là kẻ có tâm độc ác, người chết rồi mà chết anh hùng, vẫn bị hắn lôi ra bôi nhọ. Người như thế có xứng đáng cầm bút hay không? Ai có ở chiến trường mới thấy gian khổ, một sống mười chết. Hèn nhát không thể chịu nổi. TDH quá tàn nhẫn và bỉ ổi",...?

VIỆT QUANG/Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất