Năm 2021 đánh dấu nhiều sự kiện chính trị rất quan trọng của đất nước, được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm, như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Năm đầu tiên các cấp ủy đảng trong Khối triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III và Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tình hình kinh tế thế giới khởi sắc trong năm 2021 khi các quốc gia triển khai mạnh mẽ chiến lược tiêm củng vắc-xin phòng Covid-19 đã giúp giảm nhanh số lượng ca lây nhiễm và tử vong, tuy nhiên, tăng trưởng của các nền kinh tế có sự khác biệt do tốc độ triển khai vắc-xin và chính sách hỗ trợ khác nhau ở mỗi quốc gia.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối đã kịp thời tham mưu Thường trực Đảng ủy Khối ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các đảng ủy trực thuộc, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch; thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa kiểm soát, không để dịch lây lan, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội(1).
Các đảng ủy trực thuộc Khối đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp ứng phó với tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp trong tháng 1-2/2021; các phương án chuẩn bị đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm và dịch vụ phục vụ cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân đón Tết Nguyên đán 2021(2). Đồng thời thực hiện tốt chế độ chính sách, quan tâm chăm lo người lao động như bảo đảm tiền lương, tiền thưởng, các chế độ phụ cấp, chế độ nghỉ Tết theo quy định; trích quỹ phúc lợi hỗ trợ cho những đơn vị cơ sở gặp nhiều khó khăn; thăm hỏi, động viên, tặng quà cán bộ, công nhân, lao động; các tổ chức chính trị - xã hội trong đơn vị cũng có kế hoạch chăm lo Tết, động viên hỗ trợ công nhân viên, bảo đảm để mọi người, mọi nhà đều có Tết và yên tâm sản xuất kinh doanh.
Tiêu biểu như: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam công bố kế hoạch phục vụ Tết 2021 trên toàn hệ thống để tạo sự chủ động và thuận tiện trong việc thực hiện các dịch vụ bưu chính dịp Tết Nguyên đán. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã triển khai một loạt giải pháp kỹ thuật trên toàn mạng; trong đó mở rộng nâng cao năng lực mạng lõi, thực hiện tối ưu mạng lưới để bảo đảm an toàn cho việc dịch chuyển thuê bao từ tại các khu vực dự kiến tập trung đông người và tại một số địa phương trong dịp Tết. Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, củng cố lưới điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục trong dịp Tết Nguyên đán, các đơn vị tăng cường lực lượng ứng trực 24/24h; chủ động, chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, hệ thống thông tin liên lạc và phương tiện đi lại, sẵn sàng xử lý nhanh các tình huống phát sinh; phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh, an toàn đối với các công trình điện. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đưa 10 toa xe cứu thương vào hoạt động xuống đường lò, nhằm sẵn sàng tham gia cấp cứu trước mọi sự cố xảy ra, bảo vệ tối đa tính mạng, sức khoẻ cho người lao động.… Các ngân hàng thương mại trong Khối triển khai chương trình hoạt động trước, trong và sau Tết tới tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch, trực hoạt động phục vụ nhân dân dịp Tết, triển khai và miễn phí dịch vụ khi khách hàng thanh toán vé tàu, xe thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động; Tổng công ty hàng không Việt Nam tham gia vào công tác phục vụ Đại hội Đảng XIII với gần 200 chuyến bay vận chuyển hơn 1.500 lượt đại biểu được hỗ trợ kiểm tra an ninh, phục vụ đi lại trước và sau Đại hội, hơn 10.000 khẩu trang kháng khuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế được cung cấp các các đại biểu tham dự Đại hội và hành khách trong quý I.
Tập đoàn và Công đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam đã chi thăm hỏi, hỗ trợ 1.300 suất quà Tết cho công nhân lao động với trị giá trên 2 tỷ 600 triệu đồng, hỗ trợ 6 người chết và 1 người bị thương tại khu hầm lò khai thác than của công ty than Đồng Vông mỗi nạn nhân 20 triệu đồng cho mỗi người chết và 10 triệu đồng cho người bị thương; tổ chức bàn giao 93 nhà ở cho công nhân từ nguồn quỹ Mái ấm công đoàn; bố trí 192 chuyến xe ô tô đưa đón 8.028 công nhân về quê ăn tết với tổng số tiền hơn 3.4 tỷ đồng, hỗ trợ trực tiếp hơn 4 tỷ đồng cho công nhân mua vé dịp Tết. Tập đoàn Dệt May tổ chức tại 6 địa điểm trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam chương trình “Tết sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình Xuân 2021”; hỗ trợ 2.000 xuất quà Tết, hỗ trợ các chuyến xe đưa công nhân về quê ăn tết; mức thưởng tết bình quân trong hệ thống cho người lao động khoảng 1,5 tháng lương, mức thấp nhất là 1 tháng lương. Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đã thưởng tết cho người lao động 1 tháng lương, tổ chức Chương trình tết sum vầy tại Hà Tĩnh, trao 54 suất quà cho người lao động gặp khó khăn tại các tỉnh Miền Trung. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam thưởng tết bình quân trên 11 triệu đồng/người và quà tặng hiện vật bình quân 1,65 triệu đồng/người, một số đơn vị hỗ trợ tiền tàu xe cho người lao động về quê ăn tết.
Hành trình "Mùa xuân từ những giếng dầu" của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đi qua 13 điểm dọc chiều dài đất nước, các đơn vị trong Tập đoàn đã cùng chung tay với Công đoàn chăm lo cho người lao động khó khăn với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng (PV GAS: 1 tỷ đồng; PV Power: 300 triệu đồng; PVI: 100 triệu đồng). Tại chương trình, Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao biển tặng quà Tết hơn 3,3 tỷ đồng cho đại diện các Công đoàn trực thuộc có người lao động khó khăn; trao biển hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí tổ chức "Xuân nghĩa tình Dầu khí" cho các đơn vị, dự án khó khăn. Xuân năm nay, các đoàn công tác của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đến thăm, kiểm tra công tác trên những công trình biển quan trọng và đặc biệt bậc nhất của ngành Dầu khí Việt Nam. Đó là giàn khai thác Hải Thạch - Mộc Tinh, giàn Đại Hùng 01, giàn Xử lý trung tâm Sao Vàng - CPP, Tàu FSO Golden Star và giàn Chim Sáo. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã trợ cấp cho công nhân lao động gặp khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trẻ em con cán bộ công nhân lao động bị khuyết tật, bị nhiễm chất độc da cam; hỗ trợ toàn bộ cán bộ công nhân viên chức lao động tại một số công ty đang gặp khó khăn, CNLĐ nghèo tại các địa phương có cơ sở của Tập đoàn đóng quân với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng nhằm giúp người lao động đón Tết thêm đầm ấm. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã chi hỗ trợ cho 3.400 người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền thưởng Tết là 3,4 tỷ đồng. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, chúc tết cho cán bộ, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết nguyên đán tại nhiều khu vực: đèo Khe Nét – Quảng Bình; đèo Hải Vân; khu ga Huế...
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, hệ thống tuyên giáo cấp ủy các cấp đã tích cực tham mưu với Thường trực Đảng ủy triển khai có hiệu quả các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch; các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối đã tích cực chung sức, đồng lòng hỗ trợ các địa phương chống dịch, nhất là hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ các doanh nghiệp, ngân hàng thuộc Khối đã hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương tổng số tiền đạt trên 5.796 tỷ đồng (trong đó ủng hộ Quỹ Vắc-xin với số tiền 2.799 tỷ đồng), hỗ trợ, miễn giảm các loại giá, thuế, phí dịch vụ, hàng hóa đạt 38.609 tỷ đồng.
Một số tập đoàn, tổng công ty đóng góp, ủng hộ số kinh phí lớn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu Chính viễn thông Việt Nam mỗi đơn vị ủng hộ 400 tỷ đồng; Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty viễn thông Mobifone, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mỗi đơn vị ủng hộ 200 tỷ đồng; Tổng công ty thuốc lá Việt Nam ủng hộ 100 tỷ đồng, Tổng công ty hàng hải Việt Nam ủng hộ 50 tỷ đồng... Các ngân hàng thương mại (Công thương, Ngoại thương, Đầu tư và Phát triển, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ủng hộ tổng số tiền 100 tỉ đồng mua vắc-xin phòng Covid-19 (mỗi đơn vị 25 tỉ đồng). Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và Bệnh viện K số tiền 5 tỉ đồng; các chi nhánh trong hệ thống Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã ủng hộ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch như: Hải Dương (5 tỉ đồng), Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bệnh viện K (mỗi đơn vị 2 tỉ đồng), Bệnh viện Bạch Mai (1 tỉ đồng); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam ủng hộ trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch số tiền 11 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam ủng hộ Bệnh viện K 5 tỉ đồng. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế triển khai Cổng thông tin điện tử về dịch Covid-19; cung cấp bản đồ số sử dụng VMAP.VN hỗ trợ người dân tìm kiếm các điểm tiếp nhận thông tin về dịch bệnh trên toàn quốc; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế các trang thiết bị y tế dùng cho việc phòng, chống dịch bệnh vì mục đích nhân đạo. Tổng công ty đã hỗ trợ toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động trên toàn mạng lưới chi phí mua khẩu trang, dung dịch sát khuẩn khoảng 5 tỉ đồng, ủng hộ các địa phương phòng, chống dịch 1 tỷ đồng…
Thực hiện Chỉ thị số 01-CT/ĐUK, ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về tăng cường công tác lãnh đạo phòng, chống đại dịch Covid-19 trong Khối Doanh nghiệp Trung ương, từ tháng 9/2021, Ban Tuyên giáo đã theo dõi, tổng hợp báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Đảng ủy Khối tình hình công tác phòng, chống dịch Covid-19 hằng tháng tại các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối.
Năm 2022, đại dịch Covid-19, nhất là ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam vẫn sẽ diễn biến rất phức tạp, khó kiểm soát và có thể kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước. Xu thế các nước lớn vừa tăng cường hợp tác, giải quyết các vấn đề toàn cầu, vừa cạnh tranh chiến lược tại nhiều khu vực. Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, nhưng chưa vững chắc; thương mại và đầu tư quốc tế suy giảm, thị trường tài chính – tiền tệ thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, vẫn còn nguy cơ lâm vào khủng hoảng. Tình hình biển Đông tiếp tục tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định.
Ở trong nước, các ngành, các cấp, địa phương tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Tăng trưởng kinh tế có nhiều dấu hiệu lạc quan; cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Bối cảnh đó dự báo tác động sâu sắc đến công tác tuyên giáo, cả mặt thuận và không thuận, đòi hỏi Ban Tuyên giáo cấp ủy các cấp phải không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả, tính thuyết phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2022./.
Nhật Minh
-------------------
(1) Các văn bản: Công văn số 95-CV/ĐUK, ngày 08/01/2021 về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 40-CV/BTGĐUK,ngày 08/02/2021 về tổ chức Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; Công văn số 246-CV/ĐUK, ngày 29/4/2021 về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 320-CV/ĐUK, ngày 17/6/2021 về thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 386-CV/ĐUK, ngày 23/7/2021 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19…