Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 2234/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Mục đích của Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung của
Công ước số 105 phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt
Nam, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam trong
từng giai đoạn; hoàn thiện và tăng cường năng lực của các thiết chế
thực thi, cơ chế phối hợp; cơ chế giám sát và xác định rõ trách nhiệm
của các bộ, ngành, địa phương. Kế hoạch nêu rõ những công việc cụ thể,
lộ trình thực hiện và phân công trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện
Công ước số 105.
Theo đó, hằng năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối
hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội
dung Công ước số 105 và các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam
tới người lao động, người sử dụng lao động, người dân và các cơ quan,
tổ chức có liên quan; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm
hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các yêu
cầu của Công ước số 105; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người
lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan,
tổ chức có liên quan để phòng, chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Từ năm 2021-2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp
với các bộ, ngành liên quan xây dựng tài liệu hướng dẫn cụ thể các nội
dung cần thực hiện của Công ước số 105 phù hợp với điều kiện của Việt
Nam cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác
xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ công tác phòng, chống,
xóa bỏ lao động cưỡng bức; xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám
sát và xử lý vi phạm triển khai trong việc thực hiện các quy định của
pháp luật liên quan theo đúng quy định của Công ước số 105 sẽ được thực
hiện từ năm 2021-2025.
Đồng thời, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tăng
cường hợp tác với các quốc gia, nhất là các quốc gia có điều kiện chính
trị, kinh tế, xã hội tương đồng, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính
phủ nhằm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến việc thực
hiện Công ước số 105, đến năm 2025 sẽ đánh giá toàn diện việc triển khai
thực hiện Công ước số 105 trong giai đoạn 5 năm đầu sau khi gia nhập
Công ước, rút kinh nghiệm và bổ sung giải pháp để triển khai có hiệu quả
Công ước 105 tại Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo./.
TTXVN