Hiện tại, dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam đang được kiểm soát. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội nhu cầu của người dân đi lại tăng cao, vì vậy mỗi cá nhân cần có ý thức phòng bệnh để hạn chế lây lan COVID-19.
PHÒNG BỆNH LINH HOẠT
Ngày 8/1, Trung Quốc đã chính thức thực hiện hạ mức quản lý dịch
COVID-19 từ loại A xuống loại B. Theo đó một loạt biện pháp ứng phó dịch
bệnh bắt đầu có hiệu lực trong tình hình mới, đánh dấu việc thận trọng
“mở cửa” đất nước trở lại sau 3 năm chống dịch.
Như vậy sẽ không còn áp dụng biện pháp cách ly bắt buộc đối với những
người nhập cảnh vào Trung Quốc đồng thời người dân Trung Quốc sẽ được
tự do ra nước ngoài.
PGS.Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y
tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng
Việt Nam cho hay với tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đang được kiểm
soát hiện nay sẽ khó bùng dịch trở lại khi Trung Quốc mở cửa. Việc này
cũng không ảnh hưởng đến công tác chống dịch ở trong nước dù khả năng sẽ có nhiều ca nhiễm nhập cảnh.
Hiện Việt Nam đã tiêm hơn 265,5 triệu liều vaccine COVID-19, phủ mũi 3
gần 80% đối với người trên 18 tuổi. Ngoài việc giám sát thường xuyên để
đánh giá tình hình dịch cần dựa vào tỷ lệ ca mắc mới hàng ngày, tỷ lệ
bệnh nhân tăng nặng và tử vong, sự xuất hiện của biến thể mới.
Thực tế, Việt Nam cũng đã bãi bỏ việc xét nghiệm ở cửa khẩu từ rất
lâu và hiện đang kiểm soát dịch tốt. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch
tại các nước vẫn căng thẳng và nhiều biến chủng phức tạp.
Tổ chức Y tế thế giới chưa công bố bỏ tình trạng y tế công cộng khẩn
cấp do dịch COVID-19, thậm chí nhiều nước vẫn cảnh giác với các biến
chủng mới COVID-19.
“Chúng ta cần theo dõi sát các chỉ số đó để cân nhắc kích hoạt lại hệ
thống chống dịch. Do vậy, việc làm quan trọng nhất lúc này là đánh giá
nguy cơ dịch bệnh cho đúng. Nguy cơ đến đâu thì đánh giá đến đó, tránh
hiện tượng đánh giá nguy cơ không đúng thì không kiểm soát được dịch
bệnh, còn đánh giá nguy cơ cao quá thì biện pháp phòng dịch thái quá,
cái gì cũng cấm sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, an sinh xã hội của
người dân”, PGS. Trần Đắc Phu chỉ rõ.
CHÚ Ý CÁC VẤN ĐỀ DỰ PHÒNG
Đánh giá về tình hình dịch COVID-19, TS. Angela Pratt, Trưởng
đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam cho hay Việt Nam đã chuyển
sang giai đoạn "quản lý bền vững" dịch COVID-19 và đã thực hiện rất tốt
việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội với bảo vệ sức khỏe
người dân và bảo vệ hệ thống y tế. Mặc dù COVID-19 vẫn đang lưu hành ở
Việt Nam nhưng không có dấu hiệu cho thấy các bệnh viện và dịch vụ y tế
bị quá tải do các ca mắc COVID-19.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và mọi người vẫn đang
mắc bệnh, nhập viện và tử vong ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Trong khi virus đang tiếp tục lây lan, tất cả các quốc gia vẫn phải đối
mặt với một số nguy cơ.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng
cường giám sát tại các cửa khẩu nhập cảnh, tại các cơ sở y tế và trong
cộng đồng đồng thời tăng cường giải trình tự gene nhằm xác định biến thể
và những biến thể phụ nào đang lưu hành.
PGS. Trần Đắc Phu khuyến cáo để hạn chế nguy cơ dịch bùng phát
và gia tăng tình trạng nặng nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ
hội, người dân phải chú ý các vấn đề dự phòng. Đó là đeo khẩu trang ở
nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên; không tiếp xúc với
người có biểu hiện nghi ngờ. Những người có triệu chứng nghi ngờ cũng
cần chủ động phòng bệnh cho người khác.
Đến thời điểm này, tiêm vaccine COVID-19 vẫn là biện pháp quan trọng
trong phòng, chống dịch; Ngành y tế cần chủ động xây dựng và triển khai
các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối
không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thả lỏng, vẫn dự phòng, vừa kiểm
soát tốt dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Người dân, đặc biệt người đi qua cửa khẩu, các doanh nghiệp, công ty
có hoạt động với nước bạn tại khu vực biên giới cần tiêm đầy đủ các mũi
vaccine, thực hiện tốt 2K (khẩu trang, khử khuẩn) để phòng chống dịch.
Trong mùa lễ Tết Nguyên Đán 2023, WHO Việt Nam kêu gọi mọi người đề
cao cảnh giác để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của bản thân, cần đảm bảo
rằng cả người lớn và trẻ em đều được bảo vệ, hệ thống y tế hoạt động
thông suốt. Mỗi người dân cần tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, bao
gồm cả liều tiêm nhắc lại./.
VIETNAM+