Thứ Ba, 1/10/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 30/5/2010 14:29'(GMT+7)

Đào tạo 45 ngàn sinh viên y dược/năm vào 2015

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo

Thực trạng nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thiếu về số lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn đã được cảnh báo từ nhiều năm qua.

Tháng 12/2008, tại TP.Hồ Chí Minh, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực y dược theo nhu cầu xã hội nhằm tìm ra các giải pháp cho vấn đề này.

 Hội thảo quốc gia lần thứ 2 về đào tạo nguồn nhân lực y dược theo nhu cầu xã hội được tổ chức tại Hải Phòng ngày 29/5 với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và lãnh đạo 9 tỉnh thành phố trọng điểm cả nước.

Thêm trường nhưng vẫn chưa đủ

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế, sau 18 tháng thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội thảo lần thứ nhất, mạng lưới các trường đại học, cao đẳng về y dược đã được mở rộng với 6 trường được thành lập mới, nâng cấp 16 trường, 2 trường đại học được nâng cấp từ khoa thuộc các trường đại học.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế, bất cập. Đó là công tác xây dựng và ban hành chương trình khung giáo dục đại học khối ngành khoa học sức khoẻ còn chậm. Sự phối hợp giữa Bộ giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế chưa đồng bộ và thống nhất trong việc hướng dẫn các trường thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo .

Một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đào tạo nhân lực y tế theo phương thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Nhiều cơ sở vẫn chưa có chính sách thu hút các bác sỹ trẻ về công tác….

PGS.TS Phạm Văn Thức, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hải Phòng cho rằng, đào tạo theo nhu cầu xã hội là hướng  đúng đắn và phổ biến trên thế giới nhưng lại chưa được áp dụng nhiều ở Việt Nam.

Ông Thức cũng cho rằng hiện nay nhu cầu đào tạo của các địa phương nhiều nhưng chỉ tiêu đào tạo, nguồn kinh phí hỗ trợ còn ít.

Ông Nguyễn Đức Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Dược Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp ngành Dược rất thiếu dược sĩ có chuyên môn cao. Trong khi đó, có một thực tế, nhiều dược sĩ trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ giỏi, có kiến thức về quản trị doanh nghiệp  ra làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến năm 2015 với dân số 90 triệu người thì nước ta cần tới trên 180 nghìn điều dưỡng viên để đảm bảo tỷ lệ 20 điều dưỡng viên trên 10 nghìn dân. Hiện tại chúng ta mới chỉ có 65 nghìn điều dưỡng viên.

Ông Sơn cho rằng, cần phân biệt đối tượng đào tạo đối với dược sĩ chuyên cho khu vực nghiên cứu, sản xuất và quản trị.

“Mô hình trường đào tạo nằm trong doanh nghiệp sẽ tiết kiệm đầu tư cho Nhà nước và đảm bảo nhu cầu sử dụng cho xã hội, qua đó sẽ làm giảm đi thực tế thầy nhiều hơn thợ”, ông Sơn nói.

Tại Hội nghị, các địa phương cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo mở rộng quy mô đào tạo hàng năm, tăng khoảng 15% chỉ tiêu thì mới có thể đáp ứng được cơ bản nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế. Các địa phương cũng kiến nghị tăng mức kinh phí nhà nước cấp cho đầu sinh viên y dược bởi mức 6 triệu đồng/sinh viên hiện nay là thấp.

Đào tạo 45 ngàn sinh viên/năm vào 2015

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong đào tạo nhân lực ngành Y tế trong giai đoạn 2010-2012. Đó là:

Cụ thể, mỗi tỉnh phấn đấu có ít nhất một trường cao đẳng y tế để đào tạo đội ngũ cán bộ y tế cơ sở cho địa phương mình.

Tổ chức thẩm định để ban hành 13 chương trình khung giáo dục đại học khối ngành khoa học sức khoẻ, đồng thời rà soát, điều chỉnh và bổ sung những ngành chưa có chương trình khung.

Cân đối và tăng chỉ tiêu đào tạo của hệ thống các trường đại học và cao đẳng y dược đi liền với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nhằm đạt bình quân 45.000 sinh viên/năm vào năm 2015 và 50.000 sinh viên/năm vào năm 2020.

Triển khai phân cấp mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát của các trường, tăng cường công tác giám sát và kiểm tra của nhà nước, của xã hội và bản thân các cơ sở đào tạo.

Các cơ sở đào tạo y dược phải xây dựng và hoàn thiện chương trình hành động về đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; cam kết chất lượng và chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015, công bố công khai trên website của trường.

Tổ chức xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho các ngành nghề tương ứng với trình độ đào tạo của trường trước tháng 12/2010, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm học này, là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo./.

(Theo: Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất