Thứ Ba, 1/10/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 21/5/2010 21:21'(GMT+7)

Tẩy chay thịt lợn không phải là cách phòng tránh

Thịt lợn là thực phẩm rất tốt, không nên “tẩy chay”

Thịt lợn là thực phẩm rất tốt, không nên “tẩy chay”

Theo Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 22 ca nhiễm liên cầu khuẩn ở lợn, trong đó đã có một số trường hợp viêm não, nhiễm trùng huyết nặng.

Theo các bác sỹ, đây là bệnh nguy hiểm, song người dân vẫn có thể chủ động phòng tránh, và việc “tẩy chay” thịt lợn không phải là biện pháp tốt để tránh được bệnh này. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia về vấn đề này.

PV: Xin Bác sỹ cho biết về sự ảnh hưởng của căn bệnh liên cầu khuẩn ở lợn tới sức khoẻ người dân?

BS Nguyễn Hồng Hà: Chúng tôi xếp bệnh liên cầu lợn vào loại bệnh mới nổi trong thời gian gần đây. Trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, năm 2005 có hơn 200 ca mắc, tỷ lệ tử vong 18%.

Ở nước ta bệnh xuất hiện nhiều năm nhưng vài năm gần đây bệnh nhân xuất hiện rất nhiều. Ở Viện chúng tôi hàng năm tiếp nhận hàng chục ca. Trong số này, đáng chú ý là bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương màng não. Nhóm bệnh này bệnh nhân nhiễm trùng, sốt cao, rét run, đau khắp người, tụt huyết áp, rối loạn chức năng các cơ quan. Ngoài ra, còn một thể viêm màng não.        

PV: Xin Bác sỹ cho biết thêm thông tin về cơ chế lây nhiễm và các triệu chứng để nhận biết triệu chứng bệnh liên cầu lợn?

BS Nguyễn Hồng Hà: Liên cầu gây bệnh tồn tại trong miệng của lợn, có thể xâm nhập vào máu, gây bệnh cho lợn. Đôi khi con người chỉ tình cờ tiếp xúc với lợn bệnh, đặc biệt là người giết mổ, tay chân bị xây xước, tiếp xúc với máu, thịt lợn, phủ tạng lợn, vi khuẩn có thể xâm nhập qua da vào cơ thể.

Ngoài ra, một số người ăn tiết canh lợn, trong tiết canh có thể chứa lượng virus rất lớn, khi ăn vào có thể lây qua đường tiêu hoá. Triệu trứng xuất hiện nổi xuất huyết ngoài da trên chân tay, trên người. Khi có triệu chứng cần đến bệnh viện ngay để điều trị.

Bệnh tai xanh do virus gây hội chứng sinh sản hô hấp, làm lợn suy hô hấp và chết. Lợn tai xanh không lây qua người. Liên cầu gây bệnh cho lợn có thể lây qua người.

PV: Trong quá trình điều trị bệnh liên cầu lợn hiện nay có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

BS Nguyễn Hồng Hà: Đối với thể bệnh này đòi hỏi phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chính xác, vừa kết hợp điều trị kháng sinh, điều trị hồi sức. Rất may, bệnh liên cầu lợn còn rất nhạy cảm với kháng sinh, nên thuận lợi cho công tác điều trị.

Các bệnh viện tuyến dưới, điều kiện xét nghiệm rất khó, không thể chẩn đoán cụ thể, chính xác là viêm màng não hay liên cầu lợn. Đối với Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, tất cả các ca bệnh đều được chẩn đoán căn nguyên.

Hiện nay bệnh viện đang điều trị cho 3 trường hợp viêm màng não và 2 bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, hoại tử chân do liên cầu khuẩn, có bệnh nhân bị suy thận, đang phải lọc máu. Đây là những ca nặng, bệnh viện đang tập trung chữa trị cho bệnh nhân này.

PV: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người dân đã “tẩy chay” thịt lợn. Ý kiến của ông như thế nào?

BS Nguyễn Hồng Hà: Chúng ta cần chú ý, khi có lợn ốm cần khai báo, xác định căn nguyên và tiêu huỷ. Những người tiêu huỷ lợn cần đeo gang tay, khẩu trang. Những người có vết thương không nên giết mổ lợn. Trong trường hợp buộc phải làm thì cần đeo gang tay để bảo vệ, làm xong phải rửa tay sạch sẽ.

Với người dân đi mua thịt lợn cần chú ý mua thịt lợn tươi ngon, khi chế biến đeo gang tay thì tốt, đặc biệt là phải nấu chín.

Theo tôi, Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm ăn tiết canh lợn là cần thiết.

Thịt lợn là thực phẩm rất tốt, không nên “tẩy chay”. Vì tẩy chay thịt lợn sẽ có hại chung cho toàn xã hội, cả về mặt kinh tế lẫn sức khỏe. Vấn đề là không được giết mổ và ăn lợn ốm, bệnh. Tẩy chay thịt lợn thực sự không phải là biện pháp để phòng tránh dịch bệnh./.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất