(TG) - Ngày 24/4, Đoàn khảo sát liên ngành của Trung ương về 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” và Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” đã có buổi làm việc tại Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội.
Báo cáo tại buổi làm việc, TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội cho biết: "Thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao cho thành phố Hà Nội, từ năm 2010 đến 2018, Trường đã liên tục tuyển sinh vượt quy mô đề ra. Từ chỗ 820 sinh viên năm 2010, tới năm học này quy mô đào tạo của trường đã lên 6.000 sinh viên. Theo khảo sát của nhà trường, hiện 96% sinh viên tốt nghiệp đều có công việc ổn định. Hiện nay Trường đang tự xây dựng giáo trình chủ động, tạo điều kiện mở cho người học (tự học, nghỉ, học lại…); đồng thời đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệp sáng tạo cho học thử nghề để nâng cao số lượng tuyển sinh”.
|
Hệ thống phòng học của Trường bao gồm 60 phòng học lý thuyết và 80 phòng thực hành thí nghiệm. |
Hiện Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn 8 nghề trọng điểm trình độ cao đẳng cấp độ quốc tế như: Cơ điện tử, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp… để đào tạo nhằm cung ứng sang thị trường các nước.
Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Đào tạo và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương - Trưởng Đoàn làm việc đã đặt câu hỏi về quan điểm của nhà trường đối với đào tạo nghề công nghệ cao; tỷ lệ cơ cấu đào tạo các ngành nghề; nguồn tuyển sinh và quan điểm có hay không “đào tạo lại” những nghề mà sinh viên được cấp chứng chỉ tốt nghiệp...
Các thành viên trong Đoàn - đại diện một số vụ chuyên môn của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng trao đổi về việc đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp; việc thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW từ chủ trương đến chính sách của thành phố Hà Nội trong quá trình cụ thể hóa các nội dung, mục tiêu; những giải pháp về giáo viên khi chuyển đổi ngành nghề đào tạo đối với một số nhóm nghề mới; phương pháp, cách thức điều tra tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm...
Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường hướng mạnh đến việc nghiên cứu khoa học, xây dựng các giáo trình, mô hình dạy học mới theo yêu cầu thị trường. Song song với việc thay đổi giáo trình, xuất phát từ nhu cầu sử dụng người lao động của doanh nghiệp, nhà trường sẽ thiết kế chương trình đạo tạo; nhà trường đã cử đại diện tham dự nhiều cuộc thi trí tuệ như: thi Sáng tạo Việt, thi Robocon, thi thiết kế mạch vi điều khiển… đưa một số sản phẩm nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên vào thương mại hóa.
Nhà trường hướng đến hợp tác đào tạo với các trường quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia và đưa 100% sinh viên đi thực tập, đào tạo tại các doanh nghiệp. Mục tiêu của nhà trường khi sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp sẽ được doanh nghiệp trả lương nhờ chất lượng tay nghề.
Đối việc thực hiện Chỉ thị 37- CT/TW, Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội tiếp tục phát huy mô hình “đào tạo nghề chất lượng cao gắn với giải quyết việc làm trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động đào tạo đã đề ra, đào tạo nguồn chất lượng cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội.
Kết thúc buổi làm việc, Đoàn khảo sát đã đi tham quan một số mô hình đào tạo nghề của nhà trường./.
Tuấn Đạt