Trước vụ việc gian lận điểm ở kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018, dư luận đòi hỏi phải xử lý nghiêm túc, triệt để nhằm bảo đảm tính công bằng. Tuy nhiên, một số ý kiến nôn nóng muốn công bố công khai danh tính tất cả thí sinh liên quan là chưa phù hợp. “Vấn đề không phải ở tính nhân văn mà phải thượng tôn pháp luật”, đó là nhìn nhận của TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong cuộc trao đổi với phóng viên.
- Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về việc xử lý sinh viên có liên
quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 mà một số trường đại
học đang làm?
TS. Lê Viết Khuyến: Tôi và hẳn là nhiều người không bất
ngờ khi các trường có quyết định cho thôi học đối với thí sinh có liên quan đến
vụ gian lận điểm thi ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã bị phát
hiện. Thời gian qua, dư luận xã hội quá bức xúc và có những hoài nghi về
hệ thống giáo dục hiện tại. Tuy nhiên, cần phải bình tĩnh để đánh giá
đúng hơn. Những năm trước đây có thể cũng có gian lận trong thi cử,
nhưng tại sao giờ chúng ta mới phát hiện? Ở khía cạnh nào đó, đây lại là
sự tích cực khi Bộ GD&ĐT chủ trương công khai hóa kết quả thi của
từng thí sinh, từng địa phương. Từ đó các chuyên gia, người dân mới có
cơ sở để giám sát và tìm ra những điểm bất hợp lý trong kết quả thi của
một số địa phương và các cơ quan chức năng lập tức điều tra và phát hiện
tiêu cực trong kỳ thi.
- Nhiều người cho rằng, cần phải công khai danh
tính và xử lý nghiêm các phụ huynh, sinh viên có liên quan đến vụ việc,
quan điểm của ông thế nào?
TS. Lê Viết Khuyến: Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức
năng đang từng bước làm rõ. Việc cơ quan điều tra vừa công bố bắt thêm
một số người liên quan cho thấy phạm vi điều tra chưa kết thúc.
Chúng ta có thể hiểu, việc tổ chức chấm phúc tra đã lộ ra các trường
hợp có chênh lệch điểm. Xét về mặt pháp lý thì việc nâng điểm khi phát
hiện ra dựa trên chấm phúc tra mới chỉ là kết quả ban đầu của quá trình
xác minh. Điều đó giúp đánh giá thiếu sót (có thể cố ý hoặc không) của
những người tổ chức thi và chấm thi. Khi chưa có đủ cơ sở pháp lý thì
chưa nên vội đánh giá có can thiệp từ phía người đi thi, mặc dù trong vụ
việc này, đối với nhiều trường hợp, đa số chúng ta đều nghĩ là có tiêu
cực từ cả phía người đi thi (ở đây là cả thí sinh và phụ huynh). Vì vậy,
dù chấm phúc tra có kết luận là chênh lệch điểm thì đó chưa được coi là
bằng chứng để kết luận thí sinh và người nhà có tội theo quy định của
pháp luật. Do đó, dù chúng ta thấy bức xúc song cần phải tôn trọng pháp
luật. Việc công khai ngay danh tính của cả phụ huynh và thí sinh liên
quan trong thời điểm này là chưa nên. Điều này không phải như nhiều
người nói là phải nhân văn với các em, mà quan trọng nhất là cần phải
thực hiện từng bước, tuần tự trên cơ sở chứng cứ pháp lý được củng cố
đầy đủ.
Đó cũng là cách nhìn để chúng ta có thể hiểu vì sao Bộ GD&ĐT đến
thời điểm này vẫn cho phép những thí sinh có liên quan mà chưa có cơ sở
buộc tội gian lận thi cử được tham gia thi tiếp trong kỳ thi THPT quốc
gia năm 2019.
- Vậy để giải quyết vụ việc sai phạm này bảo đảm công bằng, nghiêm túc, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
TS. Lê Viết Khuyến: Trên cơ sở những thông tin đã có,
các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ một cách triệt để.
Tôi tin là như vậy. Dựa vào kết quả điều tra những người có liên quan có
thể có lời khai về việc nhận tiền hối lộ để sửa bài thi và kết quả thi.
Khi đó, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ làm rõ có hay không hành vi và
người đưa hối lộ để xử lý theo quy định. Phải tìm chứng cứ thì mới có
thể luận tội. Nếu phụ huynh của các thí sinh liên quan mà có tham gia
đưa hối lộ để chạy điểm thì nghiễm nhiên cũng bị xử lý theo các quy định
của pháp luật. Lúc bấy giờ, danh tính của những phụ huynh và học sinh
phạm tội mới nên công khai.
- Để tránh những tiêu cực có thể phát sinh trong kỳ thi THPT quốc gia tới, theo ông, chúng ta cần phải chú ý điều gì?
TS. Lê Viết Khuyến: Đầu tiên, chúng ta cần xử lý triệt
để những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 để tạo sức răn đe và
bài học cho các kỳ thi sau. Điều thứ hai là quan điểm về giao quyền tổ
chức kỳ thi tại địa phương. Khi giao quyền cho các địa phương trực tiếp
tổ chức, nghĩa là địa phương sẽ bảo đảm cả về nhân sự, vật chất. Vì vậy,
địa phương đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với những vấn đề xảy
ra chứ không phải chỉ đơn giản là ngành giáo dục. Quy trách nhiệm khi
phân cấp cho địa phương thì người đứng đầu phải gắn trách nhiệm của mình
để bảo đảm cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Tuy nhiên, tiêu cực xảy ra
trong kỳ thi năm 2018 ở một số địa phương đã có kết luận rõ ràng mà vẫn
chưa có người đứng đầu của địa phương nào nhận trách nhiệm và chịu trách
nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bên cạnh việc phân cấp chức năng và quy trách nhiệm rõ ràng thì câu
chuyện giám sát kỳ thi cũng cần được coi trọng. Dù chúng ta có thể có
các biện pháp mang tính kỹ thuật thì vẫn có những đối phó nếu không được
công khai, minh bạch. Có thể coi tiêu cực phát sinh trong kỳ thi vừa
rồi là hậu quả của việc giám sát chỉ hạn chế trong khuôn khổ nội bộ.
Chúng ta cần thay giám sát nội bộ bằng giám sát xã hội, giám sát công
khai kỳ thi. Từ công khai hóa, người dân sẽ không nghi ngờ và những
người có ý định vi phạm sẽ e dè mà không dám hành động liều lĩnh.
- Hậu quả của tiêu cực trong kỳ thi năm 2018
được nhiều người cho là do bệnh thành tích, do kỳ vọng của nhiều phụ
huynh quá mức ở con mình, quan điểm của ông về vấn đề này?
TS. Lê Viết Khuyến: Mỗi phụ huynh phải xác định rõ năng
lực của con em mình để có những định hướng nghề nghiệp phù hợp. Phụ
huynh cũng phải xác định rõ việc lo lắng, bao bọc cho con em mình một
cách thái quá là không tốt, thậm chí hại chính con mình. Bên cạnh đó,
mỗi phụ huynh cần nêu gương và giáo dục cho con em mình đức tính trung
thực; giải thích cho các em hiểu rõ có nhiều con đường khác nhau để đi
vào đời và người thành đạt là người biết chọn cho mình con đường tương
lai phù hợp với năng lực thực sự của mình.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Duy Văn/qdnd.vn (thực hiện)