Chủ Nhật, 6/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 6/5/2009 16:45'(GMT+7)

Đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm

Thường trực Chính phủ cho ý kiến về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” - Ảnh Chinhphu.vn

Thường trực Chính phủ cho ý kiến về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” - Ảnh Chinhphu.vn

Theo tờ trình của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tình trạng chất lượng lao động nông thôn nước ta còn quá thấp là do công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong một thời gian dài chưa được coi trọng đúng mức. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đến nay mới đạt 18,7%, còn rất thấp so với bình quân chung của cả nước là 25%; lao động nông thôn qua đào tạo nghề có sự chênh lệch lớn giữa các vùng kinh tế (đồng bằng sông Hồng: 19,4%; đồng bằng sông Cửu Long 17,9%; trong khi đó vùng Tây Bắc chỉ có 8,3%).

Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, còn ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa số lượng cơ sở dạy nghề rất ít, quy mô dạy nghề nhỏ và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cơ chế, chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn còn thiếu, bất cập và chậm được bổ sung, sửa đổi.

Ngân sách Nhà nước bố trí cho dạy nghề nói chung và dạy nghề cho lao động nông thôn nói riêng chưa tương xứng với yêu cầu tăng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề. Kinh phí Dự án "Tăng cường năng lực dạy nghề” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục - đào tạo đến năm 2010 trong những năm qua tăng nhanh nhưng số lượng trường và trung tâm dạy nghề được hỗ trợ đầu tư của Dự án còn ít (mới chỉ hỗ trợ cho 3 trường tiếp cận trình độ khu vực; 60 trường trọng điểm; 50 trường trung cấp nghề khó khăn; 219 trung tâm dạy nghề cấp huyện). Mức kinh phí hỗ trợ cho các trung tâm dạy nghề huyện thấp (mỗi trung tâm dạy nghề mới được hỗ trợ với mức 500-800 triệu đồng/năm); nhiều trung tâm dạy nghề mới được đầu tư trong 1-2 năm gần đây; Dự án mới chỉ bố trí kinh phí để xây dựng các chương trình khung dạy nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề, chưa bố trí kinh phí để xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên; kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn trong Dự án mới chỉ hỗ trợ cho khoảng 300.000 người/năm, mức hỗ trợ thấp so với yêu cầu thực tế.

Hoàn thiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”

Khắc phục thực trạng nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể liên quan xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Đề án được xác định cho 3 giai đoạn: Giai đoạn 2009-2010: Trong giai đoạn này một mặt tiếp tục thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn theo Dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục - đào tạo đến năm 2010 (khoảng 800.000 người trong 2 năm 2009-2010), mặt khác thực hiện các công việc cần thiết để chuẩn bị triển khai đại trà cho các giai đoạn tiếp. Giai đoạn 2011-2015: Đào tạo nghề cho 5.200.000 lao động nông thôn. Giai đoạn 2016-2020: Đào tạo nghề cho 6.000.000 lao động nông thôn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội, đào tạo chuyên sâu cho 500.000 lượt cán bộ, công chức xã.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn Ngân sách Nhà nước dự kiến là 32.679 tỷ đồng, gồm:

Kinh phí dạy nghề lao động nông thôn: 31.153 tỷ đồng (trong đó 25.551 tỷ đồng để chi hỗ trợ nông dân học nghề; 5.105 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trường, trung tâm dạy nghề huyện). Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã: 1.526 tỷ đồng.

Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2009, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là cuộc cách mạng về đổi mới tư duy, hợp lòng dân. Đây là con đường có hiệu quả cao nhất, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp nông thôn. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, có 179 nghề cần phải đào tạo cho nông dân, đồng thời cần phải thay đổi cung cách đào tạo, để người nông dân được chọn trường, chọn nghề cần học. Trường đào tạo nghề cho nông dân không nhất thiết là trường của nhà nước, do vậy cần đẩy mạnh xã hội hóa và đào tạo nghề cho nông dân phải gắn với thực tiễn. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên bổ sung, cần ưu tiên đào tạo nghề cho những người nông dân phải thu hồi đất nông nghiệp để chuyển sang đất công nghiệp, đô thị, mở rộng đối tượng đào tạo trực tuyến.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm hoàn thiện đề án hết sức quan trọng và thiết thực này để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong tháng 7/2009.

Theo Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất