Chủ Nhật, 6/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 2/5/2009 11:51'(GMT+7)

Ngoại ngữ kém, mất cơ hội việc làm

Vừa qua, trong cuộc nói chuyện với lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ, cựu Thủ tướng Xin-ga-po Lý Quang Diệu cũng đưa ra lời khuyên từ kinh nghiệm thành công của nước ông: Việt Nam cần quan tâm trang bị tiếng Anh cho lực lượng lao động.

Mục tiêu và thực trạng

Vào năm 2020, mục tiêu mà các nhà hoạch định chiến lược giáo dục đã đặt ra với giáo dục ĐH là SV phải có khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu và làm việc sau khi tốt nghiệp, 80% số SV tốt nghiệp đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế. Cuối tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020", trong đó đặt mục tiêu sinh viên các trường không chuyên ngữ sau khi tốt nghiệp phải đạt trình độ bậc 3 theo 6 bậc của Hiệp hội Các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu. Đề án cũng cho rằng đây sẽ là một trong những thế mạnh của nguồn lao động trong tương lai. Còn hiện nay, những con số mới nhất mà Bộ GD-ĐT công bố đang cho thấy một thực tế cách rất xa mục tiêu trên: Có tới 51,7% SV tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng tiếng Anh. Con số này có thể vẫn còn khá lạc quan bởi theo tổng kết của các nhà cung ứng lao động thì có chưa đầy 50% đơn vị của Việt Nam có phỏng vấn người xin việc bằng tiếng Anh (với các đơn vị nước ngoài là 91%). Khả năng tiếng Anh hạn chế đã làm mất đi cơ hội du học và việc làm của rất nhiều SV.

Lý do trước tiên mà cả người dạy lẫn người học thường nêu ra để giải thích sự yếu kém về tiếng Anh của SV là thời lượng dành cho môn học này ở bậc ĐH quá ít, khoảng 230 tiết, chỉ đủ để "cưỡi ngựa xem hoa". Việc học tiếng ở hầu hết các trường đều kết thúc vào cuối năm thứ ba, thậm chí còn sớm hơn, để tập trung thời gian học chuyên ngành, nên SV không có điều kiện học ngoại ngữ liên tục. Bộ GD-ĐT cũng nhận định, cơ sở vật chất tại các trường còn kém, thiếu các phòng luyện tiếng. Đội ngũ giảng viên tiếng Anh thiếu, trung bình cứ 200 SV mới có một giảng viên, lại yếu về trình độ sự phạm. Ngoài ra, có tới 54% số trường không xếp lớp theo trình độ, làm ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo khi để cho những SV có trình độ chênh lệch nhau quá lớn ngồi chung lớp…

Dùng chuẩn đầu ra để định hướng đào tạo?

Khi tìm nguyên nhân cho tình trạng yếu kém trong việc dạy và học tiếng Anh ở các cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT đã chỉ ra một nguyên nhân quan trọng hàng đầu là không có một hệ thống chuẩn để đánh giá. Theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, Bộ khuyến khích các trường xây dựng hệ thống chuẩn có tính thống nhất và tính quốc tế về các cấp trình độ sử dụng mà SV phải đạt được sau mỗi khóa học. Hiện các trường ĐH đang sử dụng các chuẩn khác nhau làm điều kiện tốt nghiệp cho SV như TOEIC, TOEFL hay CEF, IELTS…

Có một xu hướng mà khá nhiều trường ĐH đang theo, đó là chọn TOEIC làm chuẩn để đánh giá trình độ tiếng Anh đầu vào và trình độ tốt nghiệp cho SV. TOEIC (Test of English for International Communication) là bài thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh trong môi trường giao tiếp. Theo Thạc sỹ Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch IIG Việt Nam, đại diện Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS): Ngày càng nhiều các trường ĐH và cơ sở đào tạo đưa chuẩn TOEIC vào chương trình giảng dạy: năm 2006 có 6 trường, năm 2007 có 8 trường, năm 2008 nhảy vọt lên 21 trường. Sở dĩ có sự phổ biến này là bởi vào năm 2005, Bộ GD-ĐT đã ký với ETS một văn bản thỏa thuận sử dụng chương trình TOEIC để làm tiêu chuẩn đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ GD ĐH, hiện mức chuẩn TOEIC các trường đặt ra cho SV tốt nghiệp còn rất khác nhau, chênh lệch khá lớn trong khoảng từ 350-670 điểm. Một số chuyên gia cũng lo ngại thang điểm của chuẩn TOEIC rất rộng, từ 10 - 990, ứng với nhiều trình độ khác nhau của người học sẽ đòi hỏi việc xây dựng lại khung chương trình, quy mô lớp học cùng với nhu cầu tương ứng về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.

Đó là hiện tại, còn trong tương lai, các trường sẽ phải xây dựng nhiều chương trình khác nhau, ứng với 2 đối tượng đầu vào là học sinh đã học chương trình ngoại ngữ 7 năm (hiện đang có) và học sinh đã học chương trình ngoại ngữ 10 năm (theo đề án học sinh phổ thông sẽ được học ngoại ngữ từ lớp 3), để làm sao sau khi ra trường họ đạt trình độ tối thiểu là bậc 3 trong 6 bậc do Hiệp hội Các tổ chức khảo thí châu Âu ban hành. Lại một lần nữa, việc dạy và học ngoại ngữ với SV sẽ tiếp tục được quan tâm, đầu tư nhưng hiệu quả đến đâu thì chưa biết, bởi theo nhiều chuyên gia, vấn đề không phải ở chỗ thiếu chuẩn đầu ra mà giáo viên, chương trình và cách quản lý đào tạo mới là quan trọng.

(Theo HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất