Thứ Tư, 9/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 23/9/2008 14:16'(GMT+7)

Đào tạo nguồn nhân lực: Đổi mới để tạo đột phá

 Sau hơn một năm rưỡi gia nhập WTO, Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu như năm 2007, đầu tư FDI vào Việt Nam khoảng 23 tỷ USD thì chỉ riêng 8 tháng năm 2008, con số này đã vượt qua 47 tỷ USD. Các dự án nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tạo cho người lao động nhiều cơ hội việc làm. Trong nước, các DN cũng không ngừng được mở rộng và thành lập mới. Hiện cả nước có 240.000 DN, thu hút 9 triệu lao động. Dự kiến năm 2010, Việt Nam sẽ có khoảng 500.000 DN, tạo thêm 2,7 triệu chỗ làm mới. Do đó, rất nhiều ngành nghề sẽ thiếu hụt lao động đã qua đào tạo như dệt may, thuộc da và làm giày, vận hành máy và thiết bị, cơ khí, lắp ráp máy móc, xây dựng, chế biến đồ gỗ, điện, điện tử, thủ công mỹ nghệ, xây dựng, thương mại và dịch vụ, công nghiệp chế biến - khai thác... Một số nghề khác hiện tại tuy nhu cầu chưa cao nhưng trong tương lai rất thiếu đó là lập trình viên, điện, điện tử, cơ-điện tử, chế biến nông sản, những ngành liên quan đến luật pháp quốc tế, quản lý doanh nghiệp...

Việt Nam hiện có 163 trường đại học, 206 trường cao đẳng, và 276 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), 284 trường dạy nghề. Trong những năm gần đây một số lĩnh vực: công nghệ thông tin, cơ khí, tài chính-ngân hàng… bước đầu được cải thiện nhưng chất lượng vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề còn thấp, khoảng 30%. Do đó, việc đổi mới đào tạo nhân lực để đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của ngành giáo dục hiện nay.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Việt Nam phải đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng thích nghi trong bối cảnh xã hội luôn có những thay đổi rất lớn về tiến bộ khoa học, công nghệ, kinh tế toàn cầu và khung luật pháp. Do đó, Chính phủ và Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đổi mới nhằm tạo ra bước đột phá trong đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu nhân lực của các ngành kinh tế”.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân:
Đào tạo 20.000 tiến sĩ làm giảng viên cho các trường
Bộ GD-ĐT xác định, đổi mới giáo dục phổ thông tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực nên Bộ sẽ sớm công bố chương trình chuẩn giáo dục phổ thông đến năm 2015 và chú trọng đào tạo ngoại ngữ, tin học trong học tập và làm việc. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ xây dựng nghị định quy định miễn giảm thuế cho DN tham gia đào tạo nhân lực trực tiếp hoặc đóng góp tài chính, trang thiết bị cho đào tạo nhân lực. Tập trung quản lý và điều phối nguồn lực tài chính đào tạo nhân lực căn cứ theo các dự án đào tạo nhân lực ưu tiên. Quy hoạch đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý đến năm 2015 và dự báo số lượng, cơ cấu trình độ, chuyên môn đến năm 2020.

Triển khai chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ làm giảng viên cho các trường đại học, cao đẳng từ năm 2007-2020, đảm bảo đủ giáo viên dạy nghề và TCCN vào năm 2015 với tổng số khoảng trên 20.000 giáo viên đạt chuẩn. Xây dựng chương trình mục tiêu để đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý DN, quản lý Nhà nước, các chuyên gia công nghệ cao. Triển khai đào tạo theo đơn đặt hàng của các ngành, công ty lớn qua liên kết 3 bên: các cơ sở đào tạo, DN có nhu cầu nhân lực và các cơ quan Nhà nước (Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH). Tại các địa phương có KCN lớn khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài thành lập các trung tâm đào tạo theo các chuẩn đào tạo quốc tế. Hình thành hệ thống giám sát và đánh giá chất lượng đào tạo; triển khai kiểm định chất lượng đào tạo (đến năm 2012 kiểm định được 50% các cơ sở đào tạo, năm 2015 là 80%); gắn kết quả kiểm định với mức phân bổ tài chính.
Bà Trần Thị Hà Vụ trưởng Vụ Đại học và sau đại học:
Xây dựng đề án đào tạo theo nhu cầu xã hội
Hiện đang có khoảng cách rất lớn giữa đào tạo và sử dụng lao động. Để xoá bỏ khoảng cách này, Bộ GD đang xây dựng đề án đào tạo theo nhu cầu xã hội. Chúng ta không chỉ chú trọng đào tạo đại học mà còn phải coi trọng cả việc dạy nghề. Hiện nay, các trường đại học, TCCN năng lực có gì dạy nấy nhưng trong tương lai nhà trường phải tìm hiểu xem xã hội đang cần ngành nghề gì để đào tạo. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu về các trường đại học, TCCN để các DN biết được trường nào có khả năng đào tạo ngành nghề gì mà chủ động đặt hàng. Bộ cũng khuyến khích các trường đại học, TCCN ký kết hợp đồng đào tạo với DN.

Thời gian qua, Bộ đã tổ chức 4 cuộc hội thảo lớn và mời các DN trong những lĩnh vực: tài chính-ngân hàng, đóng tàu, công nghệ thông tin và các trường ĐH, TCCN trong cả nước đến dự hội thảo để hai bên cùng trao đổi với nhau xem có vướng mắc gì cần tháo gỡ. Qua những cuộc hội thảo như vậy, DN nhận thấy mình phải có trách nhiệm sử dụng lao động đã qua đào tạo ở các trường và các trường cũng thấy mình phải thường xuyên đổi mới trong đào tạo, đáp ứng yêu cầu DN. Tôi thấy đây là bước đi đúng và thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc hội thảo như vậy.

Ông Pierre Dietrichsen, Trưởng chi nhánh Hà Nội, Đại học quốc tế RMit tại Việt Nam: Việt Nam nên trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học
RMit mở chi nhánh ở TP. HCM năm 2001, ở Hà Nội năm 2004. Chúng tôi đào tạo trong lĩnh vực kinh doanh, quản trị và công nghệ, ngôn ngữ đào tạo bằng tiếng Anh. RMit xây dựng chương trình đào tạo phát huy tính năng động của sinh viên. Trong giảng dạy, chúng tôi luôn khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi, tạo cơ hội cho họ được thuyết trình để họ có khả năng trình bày vấn đề. Bên cạnh đó, sinh viên thường xuyên được đi thực tập tại DN, để tăng kỹ năng thực hành.

Tôi thấy, Chính phủ Việt Nam nên trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học, THCN để ban lãnh đạo trường có thể tự quyết chương trình học của trường mình, chủ động cải tiến chương trình để năng cao chất lượng đào tạo. Các bạn có thể đào tạo theo hình thức cấp chứng chỉ. Điều này tạo cơ hội cho người lao động không có khả năng về tài chính theo học lâu dài. Những người này có thể đi học lấy một vài chứng chỉ rồi xin việc làm, có tiền lại tiếp tục theo học tiếp.

Tôi tin rằng, thời gian tới còn nhiều trường quốc tế đến Việt Nam mở chi nhánh, do vậy, Việt Nam phải cẩn thận để lựa chọn những đối tác có đủ năng lực. Trong tương lai Việt Nam hoàn toàn có thể trỏ thành nơi thu hút sinh viên các nước trong khu vực đến đây học tập.

Ông Tan Tech Yong Ricky, Chủ tịch Tập đoàn Kinder World: 5 giải pháp để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng
Mặc dù Việt Nam là quốc gia có hơn 85 triệu dân và tỉ lệ biết chữ đạt mức cao trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn không thể đáp ứng nhu cầu về nhân lực của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Để xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao, thứ nhất, Việt Nam cần chú ý đến chất lượng đào tạo hơn là số lượng; thứ hai, sớm hoàn thành phổ cấp giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; thứ ba, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, học tại nơi làm việc, tại nhà, qua các hoạt động vui chơi giải trí; thứ tư, phải huy động sự tham gia của cả cộng đồng cho giáo dục; thứ năm, đảm bảo quản lý hiệu quả và sử dụng nguồn nhân lực tốt hơn.

Tôi thấy, ở Việt Nam, DN thường bỏ qua việc hoạch định phát triển nguồn nhân lực dài hạn. Đa phần các DN rơi vào tình thế chỉ tuyển người khi cần. DN nên chủ động xây dựng một kế hoạch nhân sự dài hạn rõ ràng và có tính hệ thống, hài hòa với mục tiêu phát triển bền vững của tổ chức.

Ông Hoàng Ngọc Vinh Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp: Xây dựng trung tâm quốc gia thông tin về thị trường lao động
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang cùng Bộ LĐ-TB&XH lập đề án xây dựng trung tâm quốc gia thông tin về thị trường lao động. Hình thành mạng lưới các trung tâm thông tin thị trường lao động thuộc vùng và địa phương, tích hợp thông tin vào hệ thống thông tin quốc gia. Ngoài ra, Bộ còn xây dựng trung tâm dự báo nhu cầu đào tạo có nhiệm vụ nghiên cứu về thị trường lao động, bản chất và xu hướng việc làm, kỹ năng, đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế lao động và phân tích nhu cầu đào tạo theo ngành nghề khác nhau để cung cấp thông tin cho hệ thống đào tạo. Bộ cũng chú trọng đầu tư xây dựng một số trường đào tạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu các ngành nghề ưu./.

Thanh Vân - VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất