Thứ Tư, 9/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 12/9/2008 16:29'(GMT+7)

Đến 2020, chi ngân sách cho giáo dục đại học từ 0,8-1% tổng GDP

Trả lời câu hỏi của báo giới xung quanh vấn đề tăng học phí đối với học sinh, sinh viên (HS, SV), ông Trần Quang Quý (Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT) cho biết: Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang trình lên Bộ Chính trị về đề án “Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo Việt Nam giai đoạn 2008-2012”. Nếu được Bộ Chính trị thông qua thì có thể là học kỳ II năm học 2008-2009 hoặc bước sang năm học 2009-2010, Bộ sẽ tiến hành tăng học phí đối với HS, SV. Theo đó, mức tăng học phí sẽ tính theo mức từ 4-8% thu nhập của gia đình HS, SV.

Trong năm học mới 2008-2009, ngân sách chi cho giáo dục đại học là khoảng 13% tổng chi ngân sách các cấp học giai đoạn 2008-2012 (khoảng 0,64% GDP). Phấn đấu đến năm 2020, chi ngân sách cho giáo dục đại học chiếm từ 0,8-1% GDP.

Năm học này, Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đại học theo hướng thúc đẩy nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô, từng bước hình thành môi trường cạnh tranh trong đào tạo đại học. Đồng thời khuyến khích các trường đại học tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ, chuyển giao công nghệ cho khu vực tư nhân.

Bộ dự kiến thay đổi phương thức thực hiện chính sách miễn học phí đối SV ngành Sư phạm và HS bậc phổ thông. Theo đó, sẽ thực hiện chính sách tín dụng sinh viên, nếu sinh viên sư phạm ra trường đi dạy học ít nhất 5 năm thì Nhà nước sẽ xoá nợ phần chi trả cho học phí.

Đối với các chương trình đào tạo đại trà, mức học phí cũng được quy định hợp lý để phần lớn HS, SV có thể theo học, đối tượng nghèo có thể vay tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đủ để đóng học phí và sinh hoạt phí.

Đáng lưu ý, học phí mới bậc phổ thông sẽ có lợi cho người đi học; học phí giáo dục nghề nghiệp sẽ tăng nhưng tăng theo nguồn vốn cho vay và mức cho vay đối với HS, SV để không gây khó khăn cho người học.

Đối với HS, SV thuộc diện gia đình chính sách, con thương binh liệt sĩ, diện nghèo theo chương trình 135 thì sẽ được miễn hoàn toàn đóng học phí khi đi học ở các trường công lập. Còn khi học tại các trường dân lập, tuỳ theo HS, SV đó thuộc đối tượng nào sẽ được miễn giảm học phí ở mức độ đó.

Sẽ tiến hành trưng cầu ý kiến về đổi mới chương trình SGK lớp 12
Theo ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ THPT (Bộ GD-ĐT), năm học 2008-2009, việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội (khó X) đã được Bộ GD-ĐT phối hợp với một số cơ quan liên quan và nhiều trường học thực hiện tương đối chặt chẽ.

Cho đến nay, Bộ GD-ĐT đã nhận được ý kiến của hơn 20.000 trường phổ thông và nhiều ý kiến của các trường học, giáo viên, nhà khoa học đối với vấn đề chỉnh sửa SGK của chương trình giáo dục Tiểu học, THCS, THPT. Qua khảo sát và nghiên cứu thực tiễn, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Nhà xuất bản GD và nhiều đơn vị khác phát hiện chương trình SGK từ lớp 1-5 có 15 chỗ cần chỉnh sửa; chương trình SGK cấp THCS có 47 chỗ cần chỉnh sửa; SGK lớp 10 có 35 chỗ cần chỉnh sửa; SGK lớp 11 có 25 chỗ cần chỉnh sửa.

Với những chỗ cần chỉnh sửa, cần bổ sung, Bộ GD-ĐT đã giao cho Nhà xuất bản GD in 111.000 tờ với nội dung cần chỉnh sửa để cấp phát miễn phí tới các Sở GD-ĐT để sao in phát cho các trường học trước khi học sinh bước vào năm học mới 2008-2009.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về vấn đề chỉnh sửa SGK lớp 12, ông Lê Quán Tần cho biết: Năm học 2008-2009, ngành GD chưa đặt vấn đề chỉnh sửa SGK lớp 12 mới vì vừa được đưa vào giảng dạy năm đầu tiên. Để công tác chỉnh sửa được đảm bảo chính xác, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các giáo viên, nhà nghiên cứu, khoa học và đông đảo tầng lớp nhân dân cho vấn đề này.

Về vấn đề mà báo chí nêu là tỉnh Quảng Ngãi và một số địa phương vùng sâu, vùng xa phản ánh thiếu SGK phục vụ học sinh khi bước vào năm học mới, ông Lê Quán Tần nêu rõ: Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản GD, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi và một số tỉnh, thành trình văn bản nêu rõ vấn đề thiếu sách ở khâu, đoạn nào, lý do thiếu. Để giải quyết những thắc mắc về tình trạng thiếu SGK ở các địa phương có ý kiến phản hồi, Bộ GD-ĐT đã nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân và yêu cầu các Nhà xuất bản GD kết hợp với các địa phương kịp thời phân phát SGK tới cho giáo viên và học sinh trước khi vào năm học mới.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2008 tăng hơn 6% so với 2007
Trong các ngày từ 18-20/8, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008 lần 2 đã được tiến hành trên phạm vi toàn quốc. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tính đến ngày 3/9, tỷ lệ tốt nghiệp lần 2 của giáo dục THPT đạt 48,61% (tăng hơn kỳ thi lần 2 năm 2007 là 4,45%). Tính chung cả lần 1 và lần 2, kết quả tốt nghiệp giáo dục THPT đạt 86,57% (tăng 6,13% so với năm 2007).

Theo ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT): Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của năm nay tăng là kết quả của việc ngành GD đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện nghiêm thúc Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Mặt khắc, quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành năm 2008 có sự thống nhất giữa giáo dục THPT và giáo dục từ xa về công nhận tốt nghiệp đã khiến cho tỷ lệ tốt nghiệp giáo dục từ xa ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn – nơi có nhiều thí sinh thuộc diện 2 và 3 tăng hơn so với kỳ thi tốt nghiệp năm 2007 và các kỳ thi trước đó.

Về chủ trương chấm phúc khảo cho HS thi tốt nghiệp THPT lần 2, ông Phùng Khắc Bình nhấn mạnh: Việc xét chấm điểm phúc khảo cho HS vẫn sẽ được Bộ GD-ĐT thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo quyền lợi cho HS.

Trong khuôn khổ cuộc họp báo, Bộ GD-ĐT còn trả lời một số câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề: Kiên cố hoá trường-lớp học. Theo đó, tính đến nay đã có 49/59 tỉnh thành đã được phân bổ vốn để nâng cấp, xây dựng trường học và mua sắm trang thiết bị giáo dục với tổng số tiến là 3,059 tỷ đồng. Về vấn đề tiến hành thực hiện chương trình đào tạo 20.000 Tiến sĩ của Việt Nam đến năm 2020, Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2008 sẽ là năm đầu tiên ngành GD triển khai chương trình đào tạo 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài./.

VOV


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất