NỘI DUNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO BÁM SÁT YÊU CẦU CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC
Trong gần 40 năm sự nghiệp đổi mới, đội ngũ những người làm báo chí, xuất bản đã thực hiện tốt sứ mệnh nghề nghiệp của mình, phát huy vai trò xung kích, tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Góp phần vào sự phát triển, trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí, xuất bản cả nước, phải kể tới những “cái nôi” đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nguồn nhân lực báo chí, xuất bản, truyền thông cho đất nước ta. Từ trước năm 1990, đào tạo ngành báo chí chỉ có trường Tuyên huấn Trung ương. Năm 1990, có trường Đại học Tuyên giáo (trước là trường Tuyên huấn Trung ương) và trường Đại học Tổng hợp (Hà Nội). Hiện cả nước có 9 trường đại học, học viện đào tạo ngành báo chí, đều là trường công lập, gồm: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội); Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Văn hóa, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Văn học nghệ thuật Quân đội và Trường ĐH Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Đại học Vinh. Bên cạnh đó, còn rất nhiều trường cơ sở dân lập, trường liên kết quốc tế đào tạo ngành truyền thông, quan hệ công chúng…
Về đào tạo chính quy, ngành báo chí, truyền thông có 4 cấp học: cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ; có các lớp đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo nghiệp vụ. Công tác tuyển sinh ở cơ sở đào tạo công lập cho thấy, nhóm ngành báo chí, truyền thông luôn là nhóm tuyển sinh tiềm năng và có sức thu hút nhất tại trường, mức độ tuyển sinh tăng đều cho các năm. Năm học 2021 - 2022, tại trường Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội), hơn 52 thí sinh đăng ký mới có 1 thí sinh trúng tuyển vào ngành này. Năm học 2023 - 2024, ở thang điểm 30, điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện Học viện Báo chí Tuyên truyền là 28,68 điểm; điểm chuẩn ngành Báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Thành phố Hồ Chí Minh) là 28 điểm.
Nhìn chung, các nhà trường đều chú trọng đổi mới nội dung và chương trình đào tạo để bám sát nhu cầu của thực tiễn xã hội và yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được sắp xếp khoa học, hợp lý đáp ứng yêu cầu cụ thể của các chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo, xuất bản và truyền thông. Các chương trình khung, chương trình chi tiết các ngành đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên được bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng hiện đại, hệ thống, bảo đảm tính cân đối giữa tri thức khoa học lý luận với tri thức thực tiễn; giữa kỹ năng, nghiệm vụ chuyên môn với phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp. Nhà trường đã kết hợp chặt chẽ, đồng bộ các hình thức đào tạo, bồi dưỡng góp phần đáp ứng nhu cầu đào tạo chuyên sâu gắn với yêu cầu bổ sung cập nhật kiến thức mới, kỹ năng thực hành báo chí, xuất bản, truyền thông hiện đại. Công tác tổ chức và quản lý quá trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng chặt chẽ; tăng cường tính tích cực, chủ động của người học. Công tác kiểm định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng dần được khách quan hóa thông qua các cơ quan đánh giá độc lập. Công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng được chuyên nghiệp hóa, tin học hóa, quản lý thông qua hệ thống quy chế, quy định rõ ràng, minh bạch. Việc kết hợp giữa học tập và nghiên cứu khoa học, sinh hoạt ngoại khóa nhằm rèn luyện kỹ năng, phẩm chất cho sinh viên được chú trọng đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khi xây dựng và thiết kế nội dung học, ngoài việc thực hiện đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về khối lượng kiến thức tối thiểu của một chương trình học, nhà trường rất chú trọng tới hai nội dung: xây dựng các môn học bảo đảm nền tảng học thuật về lý luận chính trị, tư tưởng và kỹ năng nghề nghiệp mỗi ngành học. Học viện cũng tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về các vấn đề mang tính thời sự cao trong nước và thế giới, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị vào các bài học. Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội) luôn quan tâm phát triển chương trình đào tạo nhằm tăng cường khả năng phân tích, lý luận và tăng khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế. Trường Đại học Khoa học Huế chú trọng nội dung đào tạo vừa hiện đại, vừa đáp ứng được nhu cầu người học, gắn với bối cảnh số hóa, vừa mang đặc trưng của môi trường học thuật chuyên sâu.
Về chất lượng nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp, các nhóm sinh viên học nhóm ngành báo chí, xuất bản, truyền thông đều có tỷ lệ việc làm cao. Hằng năm, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội) đều triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thông tin việc làm cho người học, phối hợp với các cơ quan báo chí và truyền thông tổ chức mô hình “Vườn ươm” để phối hợp công tác đào tạo và thực hành nghề. Trường cũng ký kết hợp tác với nhiều cơ quan báo chí truyền thông để tăng cường cơ sở thực hành, thực tế cho sinh viên. Tỷ lệ sinh viên của Viện Báo chí và Truyền thông được tuyển dụng cao hơn tỷ lệ chung của toàn trường. Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tỷ lệ sinh viên nhóm ngành này có việc làm đúng lĩnh vực được đào tạo đạt 70%, tỷ lệ có việc làm liên ngành báo chí truyền thông đạt trên 80%. Về mức độ hài lòng của cơ quan sử dụng nguồn nhân lực do Học viện Báo chí và Tuyên truyền đào tạo đều đánh giá ở mức cao, đặc biệt là trên các khía cạnh chuyên môn, nhận thức, thái độ chính trị, tư tưởng. Tại trường Đại học Khoa học (Huế), tỷ lệ sinh viên có việc làm từ năm 2019 đến 2021, đều đạt trên 80%.
Về đội ngũ cán bộ, giảng viên, ngày càng được củng cố, bổ sung, phát triển cả về số lượng và chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm tốt; có phẩm chất đạo đức trong sáng, uy tín cao. Nhiều thầy cô giáo tại các trường được đào tạo ở các nước tiên tiến trên thế giới, nhiệt tình, say mê với công việc nghiên cứu, đào tạo. Các khoa, viện đều có đội ngũ cộng tác viên, các thầy cô giáo thỉnh giảng là các nhà khoa học đầu ngành, các nhà báo và chuyên gia có uy tín từ các cơ quan quản lý báo chí, truyền thông, tuyên giáo,… đáp ứng được yêu cầu đào tạo đội ngũ người làm báo, truyền thông có bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn.
Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được đầu tư, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo chí, xuất bản, truyền thông trong cả nước trong bối cảnh mới.
Có thể khẳng định, trong nhiều năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực báo chí, truyền thông đã cung cấp cho Đảng, Nhà nước và xã hội nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng và chất lượng trong lĩnh vực này. Các thế hệ sinh viên ra trường đều thấm nhuần lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức nền tảng về khoa học xã hội và nhân văn, có năng lực chuyên môn và thích ứng với công việc, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới. Chương trình đào tạo ngành báo chí truyền thông được xây dựng trên cơ sở kết nối mạnh mẽ giữa lý thuyết và thực hành, giúp sinh viên có khả năng tổng hợp các kiến thức phục vụ công việc chuyên môn sau khi ra trường và tạo tiền đề cho những nghiên cứu sâu hơn hoặc bậc học cao hơn.
CẦN TẬP TRUNG XÂY DỰNG MỘT KHUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG BÁO CHÍ PHÙ HỢP VỚI YÊU CẦU, NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Tại các cuộc làm việc của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Khoa học Huế trong năm 2023, các trường và học viện đều đưa ra những hạn chế, những vướng mắc trong công tác đào tạo đội ngũ báo chí truyền thông hiện nay ở mỗi nơi. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo đều có chung kiến nghị, báo chí, xuất bản, truyền thông là lĩnh vực đặc thù nhưng đến nay chưa có chính sách riêng để đầu tư phát triển. Việc đào tạo các ngành này cũng giống như các ngành học bình thường khác. Vì vậy, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho trường trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực lĩnh vực này của xã hội. Một thực tế đáng chú ý là sau khi tốt nghiệp các trường đào tạo ngành báo chí và truyền thông, phần lớn sinh viên ngành báo chí không làm báo mà làm công việc khác, chủ yếu liên quan tới truyền thông. Trong khi đó, rất nhiều sinh viên các ngành khác (lịch sử, văn hóa học, nhân học, văn học…) ra trường lại làm trong lĩnh vực báo chí.
Hiện nay, chỉ có các trường đại học công lập mới được đào tạo ngành báo chí, và các trường dân lập chỉ được đào tạo ngành truyền thông. Tuy nhiên, do nhu cầu đào tạo ngành báo chí truyền thông tăng mạnh dẫn tới xuất hiện ồ ạt việc đào tạo ngành truyền thông ở hệ thống các cơ sở đào tạo dân lập. Từ đó, dẫn tới hiện tượng “nóng” ảo, dư thừa về đầu ra của chuyên ngành đào tạo, chất lượng đào tạo không đảm bảo. Điều này làm ảnh hưởng tới vị thế, uy tín ngành nghề và các cơ sở đào tạo nghiêm túc, bài bản, có truyền thống và chất lượng.
Việc sử dụng giảng viên cơ hữu giữa các cơ sở đào tạo công lập và dân lập hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Hệ thống các trường tư thục đã thu hút một số lượng đông đảo các giảng viên ở cơ sở công lập. Vì vậy, đội ngũ cán bộ giảng dạy ngành báo chí và truyền thông ở các cơ sở công lập có sự biến động, ảnh hưởng tới các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Việc đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực khác cho ngành đào tạo đặc thù báo chí và truyền thông còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của ngành cũng như đơn vị đào tạo. Chưa kể, việc đầu tư cơ sở vật chất trong lĩnh vực báo chí và truyền thông rất nhanh lạc hậu so với sự thay đổi, sự phát triển nhanh chóng của trong khoa học và công nghệ.
Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại của các trường, học viện đào tạo báo chí, truyền thông trong cả nước cũng như góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá”, một trong những yêu cầu đặt ra là tạo điều kiện hỗ trợ hệ thống cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông và đào tạo nguồn nhân lực làm công tác báo chí, truyền thông. Tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc mở ngành đào tạo báo chí, xuất bản, truyền thông, nâng chuẩn đào tạo ngành này theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và xã hội.
Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, một trong những nhiệm vụ mà đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu là cần tập trung xây dựng một khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng báo chí phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ báo chí trong tình hình mới. Cần đào tạo cho được đội ngũ cán bộ báo chí có tư duy nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn sâu, khả năng thích ứng, nắm bắt và làm chủ công nghệ; có phẩm chất đạo đức trong sáng, biết trọng danh dự, tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trước hết và trên hết.
Các phóng viên trẻ Báo Lao Động tác nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Tạ Quang
Để xây dựng một khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng báo chí phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ báo chí trong tình hình mới, cần có sự tham gia, phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản vào việc xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo chí, xuất bản, truyền thông của các cơ sở đào tạo báo chí, xuất bản trên cả nước. Chỉ có khung chương trình chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi thực tiễn, phù hợp với xu thế hiện đại thì mới có được nguồn nhân lực tốt, ngang tầm nhiệm vụ. Các chuyên gia, các nhà báo, nhà quản lý ở các cơ quan quản lý báo chí xuất bản, cơ quan báo chí, nhà xuất bản… cần có trách nhiệm tham gia giảng dạy chương trình đào tạo tại các trường, học viện. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, máy móc có thể làm thay thế con người trong một số công việc càng thúc đẩy yêu cầu đào tạo đội ngũ nhân lực báo chí truyền thông chuyên sâu, đáp ứng nhanh chóng và chính xác đối với những thách thức của chuyển đổi số. Đó cũng là yêu cầu cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hiện đại trong đào tạo báo chí truyền thông.
Việc đào tạo phải phục vụ mục tiêu sinh viên sau khi ra trường đáp ứng yêu cầu công việc và khả năng tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo. Chú trọng hơn việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực; khuyến khích giảng viên sử dụng các thiết bị, phương tiện giảng dạy hiện đại góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Đa dạng hóa các loại hình kiểm tra, đánh giá theo hướng bảo đảm tính chính xác, khách quan, tiếp cận với phương thức kiểm tra, đánh giá của các nước tiên tiến, tạo điều kiện cho sinh viên học tập, trao đổi với chuyên gia nước ngoài.
Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông cũng cần có nhiều hoạt động kỷ niệm, truyền cảm hứng, niềm tự hào về mốc son chói lọi trong lịch sử báo chí cách mạng nước nhà đối với thế hệ sinh viên, học viên của Nhà trường./.
Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực báo chí, truyền thông đã cung cấp cho Đảng, Nhà nước và xã hội nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng và chất lượng trong lĩnh vực này. Các thế hệ sinh viên ra trường đều thấm nhuần lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức nền tảng về khoa học xã hội và nhân văn, có năng lực chuyên môn và thích ứng với công việc, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới. Chương trình đào tạo ngành báo chí truyền thông được xây dựng trên cơ sở kết nối mạnh mẽ giữa lý thuyết và thực hành, giúp sinh viên có khả năng tổng hợp các kiến thức phục vụ công việc chuyên môn sau khi ra trường và tạo tiền đề cho những nghiên cứu sâu hơn hoặc bậc học cao hơn. |
TS. Lê Phạm Tuấn Vinh
TS. Hoàng Thu Hằng