850 cặp đôi nam nữ thanh niên sẽ nắm tay nhau trên đường chạy “Sắc màu tuổi trẻ - Tôi yêu Tổ quốc” ngày Chủ nhật (27/3). Đây là sự kiện do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội tổ chức, nhằm vận động các gia đình thanh niên xung phong ra đảo lập nghiệp, thực hiện Đề án xây dựng Đảo thanh niên toàn quốc...
Được Chính phủ phê duyệt từ năm 2014, đề án đã thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm hộ gia đình thanh niên xung phong ra các đảo tiền tiêu của Tổ quốc; xây dựng 5 Đảo thanh niên (Đảo Trần - Quảng Ninh, Bạch Long Vĩ - Hải Phòng, Cồn Cỏ - Quảng Trị, Hòn Chuối - Cà Mau và Thổ Châu - Kiên Giang). Bên cạnh đó, đã có hàng nghìn thanh niên xung phong đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, họ không chỉ góp phần xây dựng để cuộc sống nơi đây trở nên giàu mạnh, mà còn trở thành biểu tượng truyền thống của thế hệ trẻ Việt Nam, thể hiện sức mạnh và vai trò xung kích cách mạng tham gia phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên các đảo của đoàn viên thanh niên.
Đây thực sự là bước đột phá trong các phong trào của thanh niên bởi trong suy nghĩ của nhiều người, lâu nay các phong trào thanh niên còn mang tính “bề nổi”, hiệu quả không cao.
Mặt khác, nếu nhìn lại thực trạng lối sống của không ít thanh thiếu niên hiện nay, chúng ta đã không khỏi lo ngại vì một thế hệ thanh niên Việt Nam sống thực dụng, thờ ơ với vận mệnh đất nước. Bởi lẽ đó, thật mừng vì thanh niên dù sống trong không khí thời đại hội nhập, nhưng vẫn biết đau khi đất nước còn nghèo, lạc hậu, để cùng nhau nuôi chí hướng và khát vọng xây dựng, làm giàu, bảo vệ đất nước. Sứ mệnh đó cũng không kém phần chông gai nếu so sánh với các thế hệ đi trước.
Có thể thấy, các hoạt động của thanh niên giờ đây ngày càng “trưởng thành” hơn, từ phong trào xuống đường vì an toàn giao thông, hiến máu tình nguyện, tiếp sức mùa thi, đến xung phong về nông thôn xây dựng kinh tế mới…, và nay là ra đảo lập nghiệp, phát huy vai trò của thanh niên xung phong tham gia xây dựng và bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những hành động đó ngày càng được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Nếu như trước kia, khi đất nước vừa giải phóng, đã có hàng vạn thanh niên xung phong lên đường và hăng hái lao động, góp phần tích cực trong phong trào quần chúng làm thủy lợi, khai hoang, xây dựng các vùng kinh tế mới, thì nay tinh thần ấy vẫn vẹn nguyên khi họ lên đường với niềm tin và suy nghĩ “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Vẫn biết “đâu khó có thanh niên”, nhưng để hoạt động đó ngày càng lan tỏa và mạnh mẽ hơn, thì ngoài việc kỳ vọng và vận động thanh niên cống hiến, các cơ quan chức năng cần song song triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; định hướng các ngành nghề sản xuất; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù… nhằm đảm bảo quyền lợi, tạo động lực và niềm tin để họ vượt qua khó khăn khi sinh sống trên đảo; giúp thanh niên tham gia khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển đảo, xây dựng kinh tế hộ gia đình bền vững, góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo.
Bên cạnh đó, sức mạnh của các phong trào thanh niên nằm ở tính hiệu triệu và dẫn dắt người trẻ. Họ vừa là những người tiên phong, vừa là nguồn cổ vũ và tạo niềm tin mạnh mẽ cho thanh niên khác tiếp bước nơi đảo xa lập nghiệp. Bởi vậy, mong rằng các phong trào không chỉ dừng lại ở “phong trào”, mà cần liên tục, ở mọi lúc, mọi nơi, mang lại những kết quả thiết thực. Đó mới chính là thông điệp có sức thuyết phục nhất của giới trẻ về lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong tương lai không xa nữa, những biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc sẽ không chỉ là nơi neo đậu của tàu, thuyền vào mỗi mùa mưa bão mà sẽ vươn mình trở thành một xã đảo với nhiều tiềm năng, lợi thế kinh tế. Chắc chắn, đây cũng sẽ là một trong những điểm sáng thể hiện ý chí, quyết tâm của tuổi trẻ cả nước hướng về quê hương./.
Thu Hà (QĐND)