Nhiều đại biểu đã chia sẻ thẳng thắn về các báo cáo công tác nhiệm kỳ
khóa XIII của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tại phiên
họp ngày 22/3, kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII; cũng như bảy tỏ
những kỳ vọng đối với nhiệm kỳ sắp tới.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình): Bỏ phiếu tín nhiệm là “đột phá”
Tôi đánh giá rất cao nội dung ba bản báo cáo [Báo cáo công tác nhiệm kỳ
khóa XIII của Quốc hội; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ-pv].
Trong đó, báo cáo của Quốc hội đã nêu bật vấn đề nhiệm kỳ 2011-2016.
Nhiệm kỳ qua, ngoài việc thảo luận thông qua trên 100 dự án luật, nghị
quyết… Quốc hội có những đột phá mà khóa trước chưa làm, đó là lấy tín
nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm rất thành công, để lại ấn tượng sâu sắc trong
lòng dân. Nhiều thành viên tín nhiệm thấp được đại biểu chấm điểm có
tiến bộ vượt bậc, được dân đánh giá cao.
Ngoài ra, nhiệm kỳ này, Quốc hội cũng quyết định nhiều lĩnh vực quan
trọng của đất nước như đối nội, đối ngoại, cho ý kiến về hội nhập kinh
tế quốc tế…
Báo cáo của Chủ tịch nước đã nêu bật được và để lại nhiều dấu ấn về đối
nội, đối ngoại. Bên cạnh đó, các dấu ấn còn thể hiện ở việc cải tiến
công tác pháp luật, cải tiến tư pháp cũng như các vấn đề quan trọng
khác.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ soạn thảo và trình hàng trăm dự án
luật để các Đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến thông qua. Chính phủ
đã có các biện pháp điều hành kịp thời, thúc đẩy kinh tế xã hội, bảo
đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã hết sức cố gắng, có kết quả tốt, ổn
định tình hình kinh tế vĩ mô, giảm lãi suất ngân hàng, kiểm soát chỉ số
giá tiêu dùng…
Đại
biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng, nhiệm kỳ này Quốc hội có những đột phá mà khóa
trước chưa làm, đó là lấy tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thành công.
(Ảnh: Vietnam+)
Nhìn chung, tôi đánh giá cao sự chuẩn bị đầy đủ của ba bản báo cáo, qua
đó rút ra bài học về thành công, chưa thành công. Trên cơ sở của khóa
13, các đại biểu sẽ kế thừa và làm tốt hơn trong khóa 14.
Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai): Chèo chống tốt trước khó khăn
Báo cáo của Chính phủ gắn với nhiệm kỳ 5 năm, tương ứng Quốc hội khóa
13, nhưng tôi muốn nhìn nhận trong vòng 10 năm. Điều này sẽ nhìn thấy
cái mạnh, yếu để rút ra bài học có ích cho những người kế tục.
Mười năm vừa qua là khoảng thời gian hết sức quan trọng, khởi đầu bằng
việc chúng ta gia nhập WTO, khởi động cho quá trình hội nhập sâu vào
kinh tế thế giới và nó cũng kéo theo tất cả những cơ chế chính trị, xã
hội, kể cả tập quán, nhận thức của đời sống kinh tế xã hội.
Nhiệm kỳ đầu tiên là thời kỳ đầy hứng khởi nhưng cũng nảy sinh ra khủng
hoảng kinh tế cho nên có những yếu tố vừa thuận vừa nghịch mà Thủ tướng
phải vượt qua.
Đại biểu Dương Trung Quốc. (Ảnh: Vietnam+)
Nhiệm kỳ sau gắn với Quốc hội 13, chúng ta khắc phục được rất nhiều điểm
yếu, đấy là chưa kể những yếu tố liên quan tới biển Đông nổi cộm, trở
thành mối quan tâm của cả xã hội. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ đã chèo
chống được. Tôi cho rằng, Chính phủ đã thể hiện năng lực ứng biến, đối
phó với tình hình nhưng vẫn cần xây dựng một sự vận hành bền vững hơn.
Đại biểu Vũ Xuân Hồng (đoàn Phú Thọ): Đột phá lớn
Theo dõi các khóa hoạt động của Quốc hội trong những năm qua, tôi thấy
có một sự đổi mới, cải cách và đột phá. Khóa XIII thể hiện được những
kết quả to lớn trong 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn
đề quan trọng của đất nước, tạo động lực cho đất nước vươn lên trong sự
nghiệp xây dựng và phát triển và đặc biệt là tạo nền móng lâu dài và
chiến lược cho đất nước trong những năm tới.
Cụ thể, về lĩnh vực lập pháp, Hiến pháp 2013 đã được thông qua. Đây là
một trong những hoạt động hết sức quan trọng để đảm bảo điều kiện cho
đất nước đi lên trong tình hình mới, đặc biệt là giai đoạn Việt Nam chủ
động hội nhập quốc tế và giải quyết những vấn đề nội tại thông thoáng
hơn.
Quốc hội cũng đã thay mặt nhân dân tiến hành hoạt động giám sát, từ đó
thay đổi rất cơ bản hoạt động của đất nước, tạo ra động lực mới và tình
huống mới cho sự phát triển của đất nước. Quốc hội cũng quyết định những
vấn quan trọng như liên quan tới tình hình thế giới, thái độ của Quốc
hội và nhân dân trong vấn đề Biển Đông, các chiến lược lớn liên quan đến
biến đổi khí hậu…
Không chỉ nói về thành tích, bản tổng kết cũng chỉ ra những mặt yếu kém,
tồn tại và chưa làm được của Quốc hội. Đây không chỉ là trách nhiệm của
Chủ tịch Quốc hội mà còn là của tất cả đại biểu trước nhân dân. Đại
biểu cũng thẳng thắn nhìn thấy những hạn chế liên quan đến năng lực của
đại biểu Quốc hội, liên quan đến công tác tổ chức để việc lập pháp được
hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, đáp ứng được tình hình cụ thể hơn.
Mỗi khóa Quốc hội có vai trò lịch sử riêng nhưng bao giờ cũng có sự nhất
quán và kế thừa về chính sách. Chúng tôi hy vọng những thành quả của
Quốc hội khóa XIII cũng là những kinh nghiệm tốt cho các khóa tới. Bên
cạnh đó, những gì còn yếu, chưa làm được cũng là bài học để khóa tới rút
kinh nghiệm phục vụ nhân dân và đất nước tốt hơn, đáp ứng yêu cầu và
nguyện vọng của nhân dân và giúp cho sự phát triển của đất nước./.
(Vietnam+)