Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Bảy, 19/3/2016 11:31'(GMT+7)

Tầm nhìn và phương pháp lãnh đạo, quản lý

 

Hiện nay, nước ta đang đứng trước một giai đoạn mới với những cơ hội hiếm có và những thách thức rất lớn đến từ những biến đổi sâu và rộng của thế giới, tập trung ở mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị. Những cơ  hội và thách thức còn đến từ những thay đổi trong nước ta sau 30 năm chuyển sang kinh tế thị trường (KTTT) đã và đang bộc lộ rõ dần những ưu thế của dân tộc, cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể theo kịp thời đại mới một khi những ưu thế đó được phát huy. Mặt khác, thực tiễn cho thấy những mặt yếu kém của điểm xuất phát và những tác động xấu của KTTT về kinh tế, xã hội và văn hóa, lối sống đối với con người, vì thế không thấy được những mặt tích cực, tiến bộ của kinh tế thị trường, của nền văn minh mới cùng những tiêu cực, hạn chế của nó.

Vì vậy, nắm bắt và khai thác những cơ hội lớn và vượt qua thách thức nhiều mặt đang đặt ra như một động lực, một trách nhiệm lớn của cán bộ các cấp, nhất là những người đứng đầu. Muốn vậy, cần sớm nhận thức đúng về một tầm nhìn mới và phương pháp mới trong giải quyết các vấn đề thực tiễn, hoàn toàn khác với nhận thức, tư duy và phương pháp cũ đã đưa đất nước tụt hậu dần, kể cả trong khu vực.

Do thực tiễn kinh tế chính trị đang biến đổi cả về tích cực và tiêu cực, tiến bộ và lạc hậu nên tầm nhìn mới là tầm nhìn biện chứng, cho thấy rõ xu hướng thay đổi của thực tiễn, còn phương pháp mới là phương pháp hệ thống đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, quản lý do cấu trúc của KTTT và xã hội đặt ra, hoàn toàn khác với phương pháp cơ giới, làm theo kiểu cũ.

1. Tầm nhìn biện chứng từ thực tiễn hiện nay.

Nhận rõ thực tiễn biến đổi sâu rộng và nhanh chóng nhất là kinh tế và chính trị thế giới thì mới phát hiện ra xu hướng vận động phát triển sắp tới, mới nhận ra cơ hội và thách thức đối với nước ta.

Trước hết, cần có tầm nhìn biện chứng về thực tiễn biến đổi của thế giới hiện nay, trong đó phải nhận rõ những vấn đề mà lịch sử đặt ra và những khả năng giải quyết những vấn đề đó từ thực tiễn. Chỉ có như vậy mới tránh được tư duy theo kiểu “chủ quan duy ý chí cá nhân và tập thể” dù với mong muốn và mục tiêu tốt đẹp. Đây là bài học rút ra từ sự thất bại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, mặc dù nước Nga ngày nay được coi là giàu có về tài nguyên và lực lượng khoa học và công nghệ (KH-CN).

Những vấn đề mà lịch sử đặt ra hiện nay cho thấy, tầm nhìn biện chứng đặc biệt quan trọng đối với thực tiễn biến đổi kinh tế của thế giới từ cuối thế  kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI. Đây là bước chuyển đổi về mô hình kinh tế: từ mô hình kinh tế công nghiệp là chủ yếu, sang mô hình kinh tế tri thức nhờ những thành tựu của cuộc cách mạng KH-CN thứ ba vào cuối thế kỷ XX. Sự chuyển đổi mô hình kinh tế công nghiệp là tất yếu, vì những nhược điểm không khắc phục được của nó:

Một là, mô hình cũ với động lực chạy theo lợi  nhuận của chủ đầu tư, nên tạo ra sự phân hóa xã hội, giàu và nghèo ngày càng sâu rộng. Với những số liệu của tổ chức phi lợi nhuận Oxfam International (Anh) công bố: Tổng tài sản của 62 người giàu nhất thế giới hiện nay bằng tổng tài sản của một nửa dân số thế giới (3,5 tỷ người). Trong mấy năm qua, tài sản của 62 người giàu nhất tăng 44% kể từ 2010, còn tài sản của 3,5 tỷ người nghèo nhất giảm 41%. Phân hóa giàu nghèo đến mức 1% dân số thế giới có nhiều tài sản hơn 99% dân số còn lại của thế giới.

Sự phân hóa giàu nghèo nghiêm trọng đã dẫn tới khủng hoảng xã hội ở các nước giàu thời gian khá dài, đi đôi với khủng hoảng kinh tế. Tác động của khoảng cách giàu nghèo và những vấn đề xã hội, môi trường là nguyên nhân của số đông người Trung Đông di cư ồ ạt sang các nước châu Âu, gây ra nhiều vấn đề xã hội, văn hóa ở đó, gây ra phản ứng về các quy định của châu Âu trong mỗi nước và quan hệ giữa các nước ấy.

Hiện nay, khủng hoảng kinh tế và xã hội kéo dài ở một số nước, khu vực trên thế giới sẽ còn phát sinh nhiều hậu quả về cấp độ kinh tế, xã hội và chính trị. Một câu hỏi lớn mà nhiều người đặt ra: Tại sao chủ nghĩa tư bản giàu có, với nền văn minh công nghiệp đã phát triển từ thấp lên cao mấy thế kỷ qua mà hiện nay lại phát sinh các tổ chức khủng bố đang uy hiếp nền an ninh ở các nước giàu? Khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị an ninh ở các nước giàu có nguồn gốc từ mô hình kinh tế của chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến giới hạn, đang đứng trước sức ép phải thay đổi, trước hết về mô hình kinh tế và thể chế chính trị tương ứng. Cũng theo thời gian, sức ép này ngày càng sâu rộng.

Hai là, mô hình kinh tế phát triển công nghiệp chạy theo khai thác tài nguyên và sức lao động đang gây ra sự tàn phá môi trường, làm biến đổi khí hậu, tác động ngày càng tăng đến tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội ở khắp các nước. Hiện nay, tác động của môi trường không chỉ ở lĩnh vực kinh tế và xã hội mà trở thành một vấn đề chính trị quốc tế mà các nước đã bàn đến và đặt ra mức độ giảm thải chất tàn phá môi trường từ trong các doanh nghiệp ở các nước.

Tác động của biến đổi khí hậu, tàn phá môi trường có nguồn gốc là định hướng phát triển kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy sức ép này đòi hỏi giải quyết trước hết từ mục tiêu, định hướng tăng trưởng kinh tế.

Từ đó, cho thấy rõ những khả năng giải quyết các vấn đề đặt ra, đó là: Sự ra đời và lớn mạnh của kinh tế tri thức từ cuộc cách mạng KH-CN cuối thế kỷ XX. Hiện nay, kinh tế tri thức đang lớn mạnh sẽ thành dòng chủ lưu của một thời đại mới. Nhiều nhà khoa học ở phương Tây đã đưa ra nhiều vấn đề mới. Khả năng giải quyết vấn đề xã hội và khắc phục tàn phá môi trường thể hiện ở những ưu việt của kinh tế tri thức và định hướng mới về phát triển kinh tế.

Những ưu việt của kinh tế tri thức đã thấy được là: Lực lượng sản xuất dựa trên tri thức liên ngành nên đem lại năng suất lao động rất cao, rút ngắn thời gian lao động. Lao động tri thức thay thế dần lao động chân tay, máy móc, đưa đến thay đổi cơ cấu xã hội - dân cư khác với cơ cấu xã hội trong kinh tế công nghiệp. Số dân cư có đời sống vật chất và văn hóa ngày càng tăng, tạo ra trình độ dân trí cao hơn trước, thúc đẩy sự phát triển đầy đủ của mỗi người. Đội ngũ doanh nhân trở thành lao động tri thức có tầm nhìn mới và phương pháp mới trong tổ chức, quản lý và trong quan hệ cạnh tranh. Đây là đầu mối kết hợp trực tiếp giữa khoa học với sản xuất kinh doanh.

Do xu hướng mới của phát triển khoa học (là sự thâm nhập vào nhau về tư duy và phương pháp giữa khoa học tự nhiên với khoa học xã hội, nên đã hình thành nền khoa học mới mà C.Mác (thế  kỷ IX) và Albert Einstein (thế kỷ XX) đã dự báo là “Khoa học về người”. Từ xu hướng này của khoa học đã hình thành khả năng bảo vệ môi trường. Nhìn tổng quát, với sự  hình thành, lớn mạnh của kinh tế tri thức nên lần đầu tiên mới khắc phục được mâu thuẫn giữa cá nhân với xã hội, giữa con người với tự nhiên, tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa con người với con người và giữa con người với môi trường tự nhiên. Đây là giai đoạn hình thành xã hội mang đậm tính nhân văn.

Bên cạnh đó, do sức ép của khủng hoảng xã hội và biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, nên đã hình thành định hướng phát triển mới. Đó là định hướng phát triển bền vững mà tổ chức Liên hiệp quốc đã đề ra vào những năm 90 thế kỷ trước. Phát triển bền vững là hướng phát triển hài hòa, đồng thuận giữa tăng trưởng kinh tế với an sinh tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Đó là định hướng thẳng vào mục tiêu cao nhất là sự tồn tại và phát triển của xã hội và cá nhân mỗi người.

Cần lưu ý rằng, “phát triển bền vững” hoàn toàn khác với quan niệm “phát triển nhanh và bền vững” là sự tăng trưởng kinh tế nhanh, sau đó có điều kiện giải quyết vấn đề xã hội và môi trường. Thực tiễn nhiều nước cho thấy: tuy tăng trưởng GDP cao hơn, nhanh hơn nhưng đã để lại hậu quả khó giải quyết về xã hội và môi trường. Những vấn đề văn hóa, lối sống trong xã hội tiêu thụ cùng với tác hại của biến đổi khí hậu đang làm mất ổn định nhiều nước và đã kìm hãm phát triển kinh tế.

2. Phương pháp hệ thống trong nhận thức và hoạt động thực tiễn:

Phương pháp hệ thống phát sinh từ cấu trúc của KTTT và sự vận động cơ cấu  kinh tế. Vì vậy, hình thành các mối quan hệ giữa cung với cầu, giữa sản xuất với thương mại, dịch vụ, v.v.. Khi các mối quan hệ này ở thế cân bằng động thì kinh tế phát triển ổn định. Còn khi các mối quan hệ ấy thiếu gắn bó với nhau thì kinh tế suy thoái, thậm chí khủng hoảng. Nguồn gốc của tình trạng này là vấn đề lợi ích giữa các bên cạnh tranh với nhau trong nước, với các nước trong khu vực và toàn cầu. Vấn đề lợi ích và năng lực cạnh tranh là yếu tố quyết định đối với doanh nghiệp và quốc gia trong hội nhập.

Sự vận động phát triển của KTTT đòi hỏi một thể chế chính trị phù hợp ở từng giai đoạn phát triển để điều chỉnh các lợi ích, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế phát triển. Vì vậy, hình thành mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị. Cấu trúc của thể chế chính trị bao gồm: các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức nhà nước. Thể chế chính trị chỉ có hiệu quả khi các bộ phận cấu trúc có quan hệ tương tác thường xuyên, được quy định bằng pháp luật, nhờ đó giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh về  kinh tế và xã hội.

Khi Nhà nước nằm trong mối quan hệ gắn bó của cấu trúc như vậy mới là Nhà nước pháp quyền. Chất lượng, tổ chức hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền thể hiện trình độ phát triển nền dân chủ - cơ sở để phát triển kinh tế thị trường, phát triển xã hội và văn hóa, tránh được hay giảm dần tình trạng quan liêu, tham nhũng và lợi ích nhóm trong kinh tế và trong chính trị.

Vì vậy, phương pháp hệ thống đặc biệt quan trọng trong nhận thức và điều chỉnh mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị, nhất là đối với cấp vĩ mô, đối với người đứng đầu các cấp.

Thực tiễn kinh tế cho thấy, chỉ khi những người chủ chốt trong thể chế chính trị có tầm nhìn biện chứng với phương pháp hệ thống ở các cấp thì đất nước mới phát triển có chất lượng cao. Nếu không, sẽ rơi vào suy thoái dần trong một giai đoạn nhiều biến đổi sâu rộng như hiện nay.

3. Vận dụng tầm nhìn biện chứng và phương pháp hệ thống vào nhận thức thực tiễn đổi mới hiện nay.

Công cuộc đổi mới ở nước ta bắt đầu từ cuối thế  kỷ XX (1986) cho đến nay. Đây là thời  kỳ mà kinh tế và chính trị thế giới có nhiều biến động sâu sắc như: hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu tự sụp đổ; hệ thống KTTT thế giới tư bản chủ nghĩa phát triển đến giai đoạn cao và rơi vào khủng hoảng; cuộc cách mạng KH-CN lần thứ ba thúc đẩy quá trình chuyển đổi lên mô hình kinh tế tri thức; sự tàn phá của biến đổi khí hậu ngày càng tăng.

Những biến động sâu sắc nói trên đem lại cho công cuộc đổi mới nước ta nhiều cơ hội lớn và thách thức  lớn. Vì vậy, chỉ có tầm nhìn biện chứng với phương pháp hệ thống mới giúp chúng ta nhận rõ cơ hội và thách thức, làm căn cứ cho xây dựng đường lối, chính sách đổi mới nhằm khai thác tốt những cơ hội lớn, chỉ nhờ đó mới đủ sức vượt qua thách thức trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế. Nếu không, rơi vào vòng xoáy “chủ quan duy ý chí tập thể” thiếu sáng tạo, đưa đến đất nước tụt hậu dần khi nước ta hội nhập.

Thứ nhất, vận dụng tầm nhìn biện chứng vào thực tiễn nước ta để nhận rõ cơ hội và thách thức chủ yếu. Đại hội VI của Đảng (1986) đã mở đầu công cuộc đổi mới với tầm nhìn mới để lại sau này là “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” nhờ đó đã có đường lối chuyển sang kinh tế thị trường. Với quan điểm “đổi mới kinh tế là trọng tâm”, “đổi mới chính trị là then chốt”, chính là tầm nhìn biện chứng vào thực trạng xã hội lúc ấy. Nhờ đó tầm nhìn mới mở đầu trong lãnh đạo và quản lý, mới có những thành tựu của đổi mới hiện nay.

Tuy vậy, thực tiễn trong nước và thế giới không dừng lại ở những gì chúng ta biết vào cuối thế kỷ XX, mà biến đổi ngày càng sâu rộng về kinh tế xã hội; văn hóa và chính trị. Quan điểm đổi mới kinh tế và chính trị của Đại hội VI là sự mở đầu đúng đắn, rất cần vận dụng và phát triển cho phù hợp với thực tiễn kinh tế và chính trị hiện nay, nhất là sau khi nước ta đã hội nhập và sắp tới phải thực hiện các Hiệp định thương mại tự do.

Tầm nhìn biện chứng vào thực tiễn phát triển KTTT hiện nay là nhận rõ những cơ hội và điều kiện để nước ta vươn lên tầm thời đại. Cơ hội lớn nhất là nước ta hội nhập trong giai đoạn ra đời và phát triển nhanh của kinh tế tri thức với những ưu việt là có khả năng tăng trưởng kinh tế chất lượng cao và giải quyết sớm vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Việc cần làm trước hết là xây dựng lực lượng sản xuất của kinh tế tri thức sẽ đem lại năng suất lao động cao, chất lượng tốt, chi phí giảm và nhất là tạo thế chủ động trong hội nhập. Đây là khả năng thực tế giải quyết các mục tiêu mà chiến lược phát triển đề ra.

Một cơ hội lớn khác là kinh tế tri thức có khả năng thực tế giải quyết đồng thời về phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Khả  năng đó là thực hiện sớm định hướng phát triển bền vững. Một xu thế hiện nay của giai đoạn mới, khác với định hướng chạy theo tăng GDP gây ra tàn phá môi trường và giảm an sinh xã hội. Điều kiện để nắm bắt và thực hiện các cơ hội hiếm có là phải có một đội ngũ trí thức để thực hiện và phát  huy tiềm năng dân tộc, trước hết đổi mới thực sự về tổ chức và quản lý doanh nghiệp và các ngành kinh tế với những cán bộ có đầu óc sáng tạo và biết liên kết với các tổ chức, khoa học, các trường đại học.

Để có lực lượng lao động tri thức đáp ứng yêu cầu phát triển, cần coi trọng chất lượng đào tạo lực lượng lao động tri thức không chỉ về kiến thức mà cả phẩm chất nhân văn. Đây là một điều kiện quyết định nước ta mở đầu giai đoạn mới bằng kinh tế tri thức để nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và sức cạnh tranh.

Điều kiện này đã có sẵn từ tiềm năng dân tộc: người Việt Nam vốn có đầu óc sáng tạo, thông minh đi đôi với lòng yêu nước mà lâu nay chưa phát huy được. Nắm bắt cơ hội lớn và quyết tâm thực hiện các điều kiện nói trên thì các mục tiêu chiến lược mới thực hiện được, mới thực sự “nói đi đôi với làm”, mới vượt qua được thách thức lớn.

Thứ hai là, nhận rõ những thách thức cần vượt qua và điều kiện giải quyết. Những thách thức lớn đều thấy trong các lĩnh vực, nhưng ở đây chỉ xin nói về tầm nhìn và phương pháp cũ với những hậu quả không nhỏ khi nước ta đã chuyển sang KTTT và hội nhập thế giới vì chưa có môi trường mới, không gian mới của phát triển kinh tế và đổi mới chính trị, nên thực trạng đất nước sau 30 năm đổi mới cho thấy tầm nhìn cũ và phương pháp cũ không còn phù hợp với môi trường mới, thể hiện ở các điểm: năng suất lao động Việt Nam thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương (theo ILO), kinh tế đang tụt hậu khi so với ngay cả những nước trong khu vực. Sự phát triển nền kinh tế dựa trên sức mạnh của một hệ thống gồm nội lực với ngoại lực, nhưng hiện nay khu vực kinh tế trong nước và khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) tách biệt nhau. Kinh tế nước ta đang phụ thuộc vào FDI và đang bị lợi dụng để đưa công nghệ cũ, hàng hóa xấu vào nước ta. Theo báo chí: Việt Nam đã mất phần lớn thị trường  bán lẻ. Tiêu dùng cho đời sống hàng ngày của nhân dân đứng trước nguy cơ hàng giả, hàng độc từ ngoài đưa vào. Tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta ngày càng tăng vì Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn nhất. Những mặt tiêu cực về văn hóa trong nước và ngoài nước ảnh hưởng làm mất ổn định xã hội đang tăng dần.

Qua đó, cho thấy, điều kiện giải quyết những thách thức trên là đổi mới thể chế kinh tế và chính trị.

Thể chế kinh tế tiến bộ là định hướng thẳng vào xây dựng sớm kinh tế tri thức. Ngay bây giờ phải sớm bắt tay vào chuẩn bị những điều kiện, nhất là về nhân lực sản xuất và quản lý các cấp của kinh tế tri thức.

Đổi  mới thể chế chính trị nên vận dụng vào thực tế hai quan điểm giá trị thích hợp với hiện  nay: đó là quan điểm Lênin nói “chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”, “chính trị là kinh tế cô đọng lại” và quan điểm Hồ Chí Minh: “chính trị là văn hóa”, khi giao trách nhiệm cho các bộ trưởng.

Nước ta đủ tiềm năng để vượt lên ngang tầm thời đại khi tầm nhìn biện chứng và phương pháp hệ thống được các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu nhận thức được và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn./.

 

GS.TS. Trần Ngọc Hiên
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất