Thứ Hai, 23/9/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 15/12/2013 16:43'(GMT+7)

Đắp xây tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Các khách mời tham gia giao lưu trong chương trình

Các khách mời tham gia giao lưu trong chương trình

Ông Vũ Mão, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia; Trung tướng GS,TS Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y; Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đồng chủ trì.

Tham dự chương trình giao lưu, về phía Campuchia có Đại Sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Hun-Pha-Ni; Thiếu tướng Say-Sô-Vin, Tùy viên quân sự phụ trách Hải lục không quân bên cạnh Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam; các cán bộ ngoại giao Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam.  Cơ quan Bộ Quốc phòng có các đồng chí: Thiếu tướng Phạm Đình Vi, Phó cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu; Thiếu tướng Vũ Công Toàn, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị; cùng nhiều đại biện Bộ, ban ngành. Tham dự giao lưu còn có hơn 150 lưu học sinh Campuchia; các cựu quân tình nguyện Việt Nam là bố mẹ nuôi của lưu học sinh Campuchia; các lưu học sinh nước bạn Lào.

Đây là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm học tập rèn luyện, giao lưu về tình cảm thầy cô, gia đình đỡ đầu và bạn bè sinh viên Việt Nam với lưu học sinh Campuchia, qua đó động viên lưu học sinh Campuchia phấn đấu trong học tập, rèn luyện và hoạt động xã hội; giúp lưu học sinh Campuchia hòa nhập môi trường văn hóa Việt Nam, góp phần củng cố và tăng cường tình hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia.

Đại Sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Hun-Pha-Ni bảy tỏ lòng cảm ơn sâu sắc sự giúp đỡ của Việt Nam với Campuchia. Ông đánh giá cao kết quả đào tạo của Việt Nam với lưu học sinh Campuchia. Khi về nước, những lưu học sinh này đang góp phần tích cực vào xây dựng đất nước Campuchia. Thực tế này càng khẳng định sâu sắc hơn tình cảm tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc.

Ươm vườn tri thức, nhân tình hữu nghị:

Đào tạo là một trong những lĩnh vực quan trọng để vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục Đào tạo, từ năm 1981 đến nay, gần 4.000 lưu học sinh Campuchia đã được học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Điều đó đã nói lên tình cảm và quan hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước.

Theo GS, TS, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y, điều kiện nhà trường còn nhiều khó khăn, không thể đáp ứng hết những yêu cầu của lưu học sinh, nhưng nhà trường, đội ngũ thầy cô luôn dành tình cảm yêu quý, thân thương, trân trọng nhất với lưu học sinh. Đây là tình cảm xuất phát từ trái tim của mỗi cán bộ, giảng viên của học viện. Do vậy, phương pháp giảng dạy luôn được chuẩn bị cẩn thận, phù hợp với lưu học sinh Campuchia. “Với đặc điểm nghề y, học viện tạo mọi điều kiện để trang bị cho các em lòng nhân hậu, tình yêu con người trước khi truyền đạt khối lượng kiến thức khổng lồ cho các em để trang bị cho các em tình cảm, tránh nhiệm cao nhất trước khi tiếp nhận bệnh nhân của mình”. Trung tướng Nguyễn Tiến Bình bày tỏ mong muốn có nhiều lưu học sinh Campuchia hơn nữa sang học tập để có thể đóng góp một phần sức lực của mình cho Campuchia. Đồng chí Nguyễn Tiến Bình nhấn mạnh, việc đào tạo được nhiều lưu học sinh Campuchia thành các bác sĩ giỏi ra trường trở về đất nước chăm sóc sức khỏe cho người dân giống như chính bản thân các cán bộ, giảng viên của học viện đã gián tiếp khám, chữa bệnh cho nhân dân Campuchia.

Hiện nay, có hơn 1.000 lưu học sinh Campuchia đang học tập, nghiên cứu tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội ở Việt Nam. Riêng tại miền Bắc có 606 lưu học sinh đang học tập, nghiên cứu tại các trường: Học viện Quân y, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa, Đại học Y Thái Bình... trong đó có nhiều ngành mũi nhọn như kinh tế, xã hội, y học đã góp phần không nhỏ giúp các lưu học sinh trở thành những người kế tục đầy khả năng và sáng tạo cùng Chính phủ phát triển Vương quốc Campuchia trở thành một đất nước vững mạnh.

Các thế hệ lưu học sinh đi trước,  ngày nay và mai sau luôn giữ mãi hình ảnh,  tấm lòng của người dân, đất nước Việt Nam trong trái tim mình và họ  chính là những người như nhịp cầu nối, nối tấm lòng, tình thân thiết giữa hai dân tộc với nhau.

"Bố Việt Nam, mẹ Việt Nam"-bệ đỡ của lưu học sinh

Một điểm sáng trong hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia trong công tác đào tạo đó là phát động phong trào "Ươm tình hữu nghị" với việc các cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.... nhận làm con nuôi, đỡ đầu lưu học sinh Campuchia đang học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Chính việc làm này đã tạo cho cho các lưu học sinh Campuchia bớt đi cảm giác xa nhà để tập trung học tập, nghiên cứu.

Lưu học sinh Chăm So Thia, sinh viên trường Đại học Kiến trúc, vừa vinh dự được Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam khen thưởng về thành tích học tập cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thành công trong học tập. Đó là việc cố gắng của bản thân cùng với sự quan tâm giúp đỡ hết mình của giảng viên và các  bạn sinh viên Việt Nam. Đặc biệt,  khi có chương trình  các cựu chuyên gia, quân tình nguyện từng công tác tại đất nước Campuchia nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia, coi các em như con em của mình đã giúp cho các em bớt nỗi lo khi xa gia đình, mà ngược lại, cảm thấy hạnh phúc vì đã có gia đình thứ hai tại Việt Nam. Không chỉ hỗ trợ về mặt tình cảm, bớt đi cảm giác xa nhà, việc đỡ đầu giúp cho lưu học sinh thêm hiểu và thuận tiện hơn khi giao lưu với truyền thống văn hóa, dân tộc Việt Nam, từ đó hỗ trợ tích cực hơn cho việc học tập, nghiên cứu.

Các gia đình nhận lưu học sinh Campuchia làm con đỡ đầu đã tổ các hoạt động giao lưu trong gia đình người nhận đỡ đầu, các hoạt động tham quan, tìm hiểu phong tục, tập quán của Việt Nam  đã giúp khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của sinh viên Campuchia được cải thiện rõ rệt. Đây là một việc làm thiết thực để ươm mầm tình hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia. Hoạt động này cần được nhân rộng nhờ sự quan tâm hơn nữa của các tổ chức xã hội, cơ quan đoàn thể, các doanh nghiệp có lòng hảo tâm và nhất là sự quan tâm của các bộ, ngành đồng hành cùng Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Tham gia chương trình giao lưu, ông Vũ Mão, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia bày tỏ sự vinh dự của mình khi được giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam –Campuchia. Ông chia sẻ với các lưu học sinh Campuchia rằng, hoàn cảnh đất nước Việt Nam vẫn còn khó khăn, nên đời sống, sinh hoạt của lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi gặp những khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước Việt Nam và các ban ngành, đoàn thể và nhân dân Việt Nam đều cố gắng để tạo điều kiện tốt nhất cho lưu sinh Campuchia. Chương trình nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam bước đầu đã tạo được những thành công tốt đẹp và được sự ủng hộ của cả hai nước. Ông bày tỏ tin tưởng lưu học sinh Campuchia hiểu và chia sẻ với Việt Nam, từ với đó cố gắng học tập, nghiên cứu, cùng thế hệ trẻ Việt Nam vun đắp tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

Lưu học sinh Campuchia Pisey bày tỏ sự biết ơn sự giúp đỡ của Việt Nam, đặc biệt là quân tình nguyện Việt Nam đã giúp Capuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Là thế hệ sinh sau, không trực tiếp sống trong chế độ Pôn Pốt, nhưng qua lịch sử, người thân, Pisey cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa của việc thoát khỏi chế độ diệt chủng. Đặc biệt, trong thời bình, việc giúp đỡ của Việt Nam càng làm mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước trở nên tốt đẹp hơn. Được học tập tại Việt Nam, Pisey càng cảm nhận được tình cảm tốt đẹp của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với nhân dân Campuchia. Các lưu học sinh khi học tập tại Việt Nam được tạo điều kiện tốt, các thày cô giảng dạy nhiệt tình, kịp thời giúp đỡ những lúc khó khăn do vậy việc học tập, nghiên cứu được thuận lợi, hiệu quả.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, gia đình đã nhận đỡ đầu 5 lưu học sinh Campuchia chia sẻ, việc nhận đỡ đầu không chỉ làm cho các lưu học sinh vơi đi nỗi nhớ nhà mà còn có ý nghĩa to lớn hơn. Khi các lưu học sinh Campuchia này hoàn thành nhiệm vụ về nước tham gia xây dựng đất nước Campuchia, chính họ sẽ là những người  tiếp tục vun đắp tình hữu nghị sẵn có giữa hai nước.

Ngồi bên mẹ đỡ đầu của mình, lưu học sinh Chey Vo Thy, sinh viên trường Đại học Nông nghiệp I nghẹn ngào trong nước mắt xin được nói một câu từ đáy lòng mình: “Em yêu người Việt Nam!”. Tình cảm sâu sắc của Chey Vo Thy có được chính là từ sự quan tâm, chăm sóc, gần gũi, giúp đỡ như người thân của người Việt Nam với Thy.

Chương trình giao lưu đã để lại những ấn tượng xúc động trong lòng những người tham dự, nhất là với các lưu học sinh nước bạn. Họ thêm một lần hiểu hơn, giá trị của cộc sống hôm nay bắt nguồn từ những năm tháng đất nước Campuchia phải trải qua thời kỳ đau khổ, vượt qua đau thương, đen tối để có thể "hồi sinh cả một dân tộc". Sự hồi sinh ấy bắt nguồn từ  những hy sinh, giúp đỡ vô tư và lớn lao của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân tình nguyện Việt Nam.  Mối quan hệ đó đang ngày càng được vun đắp tươi tốt hơn qua thế hệ trẻ của hai nước. Hai dân tộc Việt Nam-Campuchia sẽ mãi gắn bó, sẻ chia với nhau bằng tình cảm, trách nhiệm sâu nặng. Dự buổi giao lưu, ông Thái Thanh Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Long Đức đã xúc động đề nghị với Ban tổ chức chương trình và Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia nhận đỡ đầu 3 lưu học sinh đang học tập tại Học viện Quân y...Bởi, theo ông, để góp một phần tạo điều kiện, giúp đỡ các em học tập tốt hơn tại Việt Nam, trở về nước góp phần dựng xây đất nước, góp phần vun xới cho tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc, hai đất nước, hai quân quân đội.../.

Xuân Dũng - Việt Cường (QĐND)






Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất