Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn tích cực trong các diễn đàn đa phương
năm 2013, qua đó khẳng định vai trò, vị thế đất nước đồng thời khẳng
định quyết tâm chung tay xây dựng một thế giới không còn đói nghèo,
không có chiến tranh.
Đối thoại Shangri-La: Thông điệp "Lòng tin chiến lược"
Phát biểu dẫn đề tại Đối thoại
Shangri-La, một diễn đàn an ninh uy tín của khu vực, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra thông điệp về xây dựng “Lòng tin chiến lược”.
Thông điệp này được báo
chí thế giới truyền đi nhanh chóng và nhận được những phản hồi tích cực
từ dư luận thế giới, chuyên gia, học giả trong và ngoài nước.
Nhận xét về bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam,
ông David Brown, nhà ngoại giao kỳ cựu của Hoa Kỳ, cho rằng bài phát
biểu đã đề cập một cách hùng hồn tới một câu hỏi mang tính
nền tảng là làm thế nào để thúc đẩy tất cả các quốc gia, đặc biệt
là các cường quốc, hành động phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chính thức thông báo tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ
Ngày 27/9/2013 đã trở thành dấu mốc đặc
biệt khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chính thức thông báo với các nhà lãnh
đạo trên toàn thế giới về sự sẵn sàng của Việt Nam tham gia các hoạt
động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Từ quá khứ phải hứng chịu chiến tranh,
bom đạn, phân ly, với máu lửa và nước mắt, Việt Nam giờ đây muốn chia
sẻ sứ mệnh chung của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hòa bình, hợp tác,
phát triển là xu thế chủ đạo nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn chưa được
loại bỏ.
"Hòa bình
chỉ có thể được gìn giữ khi các quốc gia tôn trọng độc lập chủ quyền và
truyền thống văn hóa của nhau, không áp đặt tiêu chuẩn đạo đức lên nhau;
khi vai trò của LHQ, của Hội đồng Bảo an LHQ được phát huy... Và trên
hết là lòng tin chiến lược giữa các quốc gia phải không ngừng được vun
đắp bằng thái độ chân thành và những hành động thiết thực, cụ thể, như
việc dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba hay công nhận quyền tự quyết của
Palestine" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh và kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy giành cho hòa bình mọi cơ hội, tìm mọi giải pháp hòa bình.
Việt Nam được bầu là thành viên của Hội đồng nhân quyền
Ngày 12/11, Đại hội đồng LHQ khóa 68 đã
tiến hành bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền
nhiệm kỳ 2014-2016.
Với kết quả 184/192 phiếu, Việt Nam đã
trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước và lần đầu tiên
trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, cơ quan chịu trách nhiệm
chính và quan trọng nhất của LHQ trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân
quyền trên thế giới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Phạm Bình Minh khẳng định, trong 3 năm tới, với tư cách là thành viên
Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ tham gia tích cực và chủ động đóng góp
vào công việc chung của Hội đồng, đồng thời thực hiện tốt các nghĩa
vụ và cam kết của một quốc gia thành viên.
Lần đầu tiên là Chủ tịch Hội đồng thống đốc IAEA
Ngày 23/9, 35 nước thành viên đã nhất
trí bầu Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng
nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2013-2014.
Việc lần đầu đảm nhận chức vụ Chủ tịch
Hội đồng Thống đốc IAEA đánh dấu sự trưởng thành của Việt Nam tại IAEA
và các diễn đàn đa phương, đồng thời là một bước tiến mới để thực hiện
chủ trương hội nhập quốc tế chủ động và tích cực.
Hội đồng Thống đốc, gồm nhiều nước có
công nghệ hạt nhân tiên tiến, là cơ quan hoạch định chính sách của IAEA
thông qua các cuộc họp thường kỳ trong năm, đồng thời xem xét các
hoạt động của IAEA dưới sự điều hành của Tổng Giám đốc IAEA.
Việt Nam tham gia IAEA từ năm 1978,
trong đó đã 3 lần được bầu làm thành viên Hội đồng Thống đốc trong các
nhiệm kỳ 1991-1993, 1997-1999 và 2003-2005.
Sự tham gia của Việt Nam đã góp phần
thúc đẩy hợp tác giữa IAEA và Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu,
phát triển cũng như sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình
ở Việt Nam.
Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam-Trung Đông, Bắc Phi
Diễn đàn Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam
với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi lần đầu tiên được tổ chức tại Việt
Nam sau khi nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc
gia trong khu vực.
Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại
hai chiều tăng 878%, từ 889 triệu USD (năm 2002) lên 7,4 tỷ USD (năm
2012), trong đó kim ngạch với một số đối tác đã vượt ngưỡng 1
tỷ USD/năm. Nhiều DN khu vực này đang tích cực tham gia đầu tư tại Việt
Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, cảng biển, công nghiệp
và bất động sản.
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng Diễn đàn sẽ là khởi đầu của giai
đoạn hợp tác ở tầm cao mới trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các
đối tác Trung Đông-Bắc Phi./.
(Theo: VGP)