Thứ Ba, 24/9/2024
Đời sống
Thứ Tư, 8/8/2012 17:6'(GMT+7)

Đạp xe 7.000km đòi công lý cho nạn nhân da cam

 Hai năm sau đó, trên chiếc xe đạp cũ kỹ, dấu chân người cựu chiến binh ấy lại trải khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước, vượt hơn 7.000km để đòi công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam. Ông là Trần Ngọc Sơn, ở thôn 4, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Đi bộ 71 ngày về thăm chiến trường xưa


Dù đã ở tuổi xấp xỉ “lục tuần” nhưng ông Sơn vẫn giữ được sự nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông kể năm 16 tuổi, ông thuộc diện gia đình chính sách, con một, không phải ra mặt trận. Nhưng nhìn cảnh làng xóm bị đánh bom dữ dỗi, chàng trai Trần Ngọc Sơn khai “lận” lên 3 tuổi để được trúng tuyển đi lính.

Giữa lúc miền Bắc bị bom đạn dữ dội năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, người thanh niên trẻ xã Vũ Quý lên đường ra trận trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình và làng xóm.

Năm 1973-1974, ông tham gia lực lượng bổ sung cho tổng đội 67 thuộc Tổng cục Hậu cần, đóng quân tại tuyến lửa Quảng Trị, sau đó được điều ra công tác tại Quảng Ninh và xuất ngũ năm 1984.

Nhớ lại cuộc bộ hành gần 2.000km, ông Sơn cho biết ban đầu mọi người trong gia đình đều phản đối, hàng xóm láng giềng cũng căn ngăn ông. Nhưng để thỏa mãn ước nguyện của mình, gạt những trắc trở, dị nghị, ông đem tất cả tư trang chuẩn bị cho cuộc bộ hành gửi ở nhà bạn bè, chờ ngày lên đường.

Ngày 18/2/2008, cuộc hành trình về thăm lại chiến trường xưa, một thời “nếm mật nằm gai” chính thức được bắt đầu từ Hà Nội.

Dọc đường đi, ông nghỉ lại tại các Ủy ban Nhân dân xã, có khi tại hội cựu chiến binh hoặc thuê nhà trọ nghỉ. Có những lúc tưởng như bước chân người cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn không thể bước tiếp. Ông kể: “Đến Nghệ An, hai bàn chân tôi phồng rộp hết, phải bỏ dép thay bằng giầy. Vào đến Quảng Bình, bàn chân tôi đã nứt nẻ cả. Cả chặng đường đi, tôi chỉ có một tâm nguyện là cố gắng vào đến Dinh Độc lập cho đúng ngày hội thống nhất của đất nước 30/4.”

Sau gần 30 năm trở lại chiến trường Quảng Trị năm xưa, ông không khỏi xúc động trước sự thay da đổi thịt của mảnh đất này. Nơi chiến tranh tàn phá khốc liệt năm xưa, nay bừng dậy tràn đầy nhựa sống. Sau 71 ngày bộ hành gian nan, đến 29/4, ông đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh đúng như tâm nguyện.

Hành trình 7.000km đạp xe vì công lý

Sau chuyến đi 2.000km, về nhà, ông Sơn tiếp tục tập luyện và vẫn nung nấu ý định cho cuộc hành trình dài ngày hơn. Ông chia sẻ: “Thấy đồng đội của mình và con cái họ mang nỗi đau da cam từ thế hệ này sang thế hệ khác, nên tôi nghĩ cần phải làm điều gì đó cho họ.”

Ông đưa suy nghĩ của mình trình bày với Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình. Sự ủng hộ của Hội chính là động lực để ông bước tiếp trên con đường đòi công lý cho các nạn nhân da cam. Tháng 1/2010, cuộc hành trình được bắt đầu cùng chiếc xe đạp xuất phát từ Thái Bình, ngược các tỉnh phía Bắc, trở về quê sau đó tiếp tục “Nam tiến.”

Hành trang đi theo ông Sơn là chiếc balô, ba chiếc săm, lốp, vài mảnh vá. Cũng như lần đi trước, ông giản dị trong trang phục màu xanh áo lính. Qua các địa phương, ông tìm đến cơ quan như Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh, Tỉnh đội, Huyện đội, Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh... để lấy chữ ký và con dấu của đơn vị đó như một bức “tâm thư” của người dân Việt Nam đòi công lý cho đồng bào của mình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.

Chia sẻ về cuộc hành trình lần này, ông nói: “Đi như thế cũng nhiều vui buồn, lắm lúc cũng cực lắm. Không phải làm dâu trăm họ mà là nghìn họ. Đến nhiều địa phương, nhiều cơ sở họ không tiếp. Có nơi chưa kịp giới thiệu, họ đã nghĩ mình đi... bán sách cho Hội nên từ chối. Nhưng sau khi tôi giới thiệu và nói về nguyện vọng của mình chỉ muốn xin tiếng nói của đơn vị, tổ chức thì người ta mới vỡ lẽ và nhiệt tình giúp đỡ.”

Không kể mưa nắng, bóng dáng người cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn đổ dài khắp các tỉnh, thành. Tất cả những nơi ông Sơn qua đều có dấu xác nhận của chính quyền địa phương. Cuộc hành trình bằng xe đạp có dấu và chữ ký của gần 400 cơ quan, đơn vị, ghi nhận sự đồng tình ủng hộ của gần 21 triệu cán bộ, công viên chức cho cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Tất cả những tài liệu này đã được giao lại cho Trung ương hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Chiếc xe đạp đồng hành với ông trên chặng đường hơn 7.000km trong suốt 6 tháng ròng rã được ông trao tặng lại cho Hội nạn nhân chất độc da cam Thái Bình như một kỷ vật./.

Thu Hoài (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất