Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 18/2/2011 15:27'(GMT+7)

Đất cằn nay đã nở hoa

Phát triển kinh tế bằng du lịch
Hà Giang, mảnh đất có địa hình phức tạp với thung lũng và sông suối bị chia cắt. Tuy nhiên, nói đến Hà Giang hôm nay, du khách đặc biệt quan tâm tới Cao nguyên đá Đồng Văn (hay Sơn nguyên Đồng Văn). Đây là địa danh được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.  Như vậy, tính đến nay, Hà Giang là địa phương duy nhất ở Việt Nam có được danh hiệu này, và là địa phương thứ 2 ở Đông Nam Á được thế giới công nhận.


Hiện tại, ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Giang đang nỗ lực phát huy tối đa các tiềm năng du lịch và các bản sắc văn hoá dân tộc ở trên cao nguyên đá; đồng thời giữ gìn các di sản thiên nhiên vốn có. Tỉnh coi đây là động lực, tiền đề tốt nhất cho việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng, du lịch trên cao nguyên đá.

Cũng hướng tới phát triển ngành công nghiệp không khói, nhưng thành phố trẻ Lạng Sơn lại có hướng đi khá riêng biệt. Thành phố đã, đang nỗ lực khôi phục, tổ chức thành công các lễ hội điểm hàng năm, đầu tư cho công tác bảo tồn, làm giàu và phát huy các di sản văn hoá quê hương; quan tâm sâu sắc tới vấn đề chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp để phát triển du lịch bền vững. Những nỗ lực đó đã giúp Lạng Sơn hôm nay có mức tăng trưởng kinh tế ổn định trên 14%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng, tăng trưởng của thương mại, dịch vụ luôn giữ ở mức trên 17%; ngành “công nghiệp không khói” phát triển nhanh chóng. Bộ mặt đô thị của thành phố Lạng Sơn ngày càng đổi mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.

Cùng với hai địa phương trên, Cao Bằng- mảnh đất địa đầu Tổ quốc vốn được nhà thơ Chế Lan Viên nói rằng “Lịch sử chọn nơi này làm đất chôn rau” cũng đang đưa ra nhiều giải pháp để đánh thức tiềm năng du lịch. Thiên nhiên đã ban tặng cho Cao Bằng những thế núi, dáng sông hùng vĩ, nhiều địa danh đã là danh thắng quốc gia như: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen... Tuy nhiên, do hạn chế về cơ sở hạ tầng, về khả năng tổ chức du lịch của các địa phương và nhân dân nên trước đây, tiềm năng du lịch của Cao Bằng chưa được phát huy mạnh mẽ. Ngày nay, Cao Bằng đã có chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, có cơ chế, chính sách huy động và quản lý các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, từ các doanh nhiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào các dự án phát triển du lịch. Cao Bằng phấn đấu đến năm 2020, kinh tế du lịch sẽ chiếm tỉ trọng hơn 12% GDP của tỉnh.

Hối hả xây dựng nông thôn mới
Vượt qua những khó khăn, phức tạp của địa hình, sự khắc nghiệt của thời tiết, các tỉnh biên giới phía Bắc đang cố gắng phát huy những thế mạnh của mình để phát triển. Trước khi nhà nước triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương cũng đã nỗ lực tìm những hướng đi mới góp phần xây dựng quê hương. Cùng với sự đầu tư của xã hội, các tỉnh biên giới phía Bắc đã có những bước tiến khá dài. Đầu năm 2011, cả nước hướng về Lai Châu khi công trình Thủy điện Lai Châu được khởi công. Theo kế hoạch, khi nhà máy Thủy điện Lai Châu hoàn thành vào năm 2017 sẽ cung cấp sản lượng điện lớn cho đất nước, bên cạnh đó cũng tham gia cấp nước cho đồng bằng sông Hồng, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lào Cai xác định Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 là chương trình lớn, mang tính tổng hợp và toàn diện, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Vì vậy, sau khi kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố rà soát theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đem đến cho Lào Cai những thành công không nhỏ. Giá trị sản xuất công nghiệp của Lào Cai năm 2010 đã đạt khoảng 2.169 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2009. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội trên địa bàn năm 2010 ước tính đạt 5.626 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2009. Hoạt động xuất nhập khẩu qua các Cửa khẩu quốc tế Lào Cai năm 2010 sôi động với tổng kim ngạch khoảng 800 triệu USD, tăng 23,3% so với năm 2009... Nhờ vậy, từ một tỉnh nghèo, Lào Cai đã vươn lên gia nhập “câu lạc bộ” các tỉnh có số thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên được chọn là 1 trong 11 xã điểm trên toàn quốc. Hưởng ứng tinh thần đó, dẫu còn khó khăn, nhưng người dân xã Thanh Chăn đã đóng góp hơn 400 ngày công giúp hộ nghèo xây dựng nhà ở; hiến 10.000m2 đất làm đường công vụ xây đập đầu mối công trình nước sinh hoạt; đóng góp 10%, tương đương 410 triệu đồng thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường... Việc làm của người dân xã Thanh Chăn đã khích lệ bà con các dân tộc trong tỉnh Điện Biên tiếp tục góp công, góp của, cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. Điện Biên hôm nay không còn là mảnh đất “vời vợi nghìn trùng” như thuở nào, mà đang phấn đấu sẽ xây dựng TP Điện Biên Phủ thành đô thị loại II vào năm 2015.

32 năm trôi qua, khép lại những chuỗi ngày gian khó, người dân các tỉnh vùng biên giới phía Bắc luôn nỗ lực hết mình để xây dựng quê hương giàu đẹp. Ý chí, nghị lực cùng niềm tin của bao người con nước Việt đã khiến những mảnh đất cằn khô nở nhiều hoa hy vọng.

Theo Dântri.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất