Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 18/5/2015 15:32'(GMT+7)

Dấu hiệu “tan băng” trong quan hệ Mỹ-Nga

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (bên trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (bên phải) trong một cuộc gặp gỡ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (bên trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (bên phải) trong một cuộc gặp gỡ.

Sau những nỗ lực của Mỹ và một số nước phương Tây ráo riết bao vây cấm vận Nga mà đỉnh điểm là hành động của họ tẩy chay Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến Thắng của Liên Xô/Nga trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại vừa diễn ra ở Quảng Trường Đỏ ngày 9-5-2015, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Giôn Ke-ri lại chủ động sang thăm Nga để hội đàm với người đồng cấp Nga Xec-gây La-vơ-rôp. Đáng chú ý là ông Giôn Ke-ri đã được đích thân Tổng thống Nga V.Pu-tin tiếp kiến tại dinh thự ở Sochi-nơi ông chủ Điện Crem-li chỉ dành để tiếp những vị khách đặc biệt. Theo lời của ông Giôn Ke-ri, thì Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma “rất muốn được nhìn thấy Tổng thống Nga V.Pu-tin tiếp kiến người đứng đầu ngành ngoại giao của nước Mỹ.

Thất bại của Mỹ trong chiến dịch bao vây cấm vận Nga

Theo nhiều chuyên gia phân tích và báo giới ở Mỹ và một số nước phương Tây, chuyến thăm Nga lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Giôn Ke-ri chứng tỏ Oa-sinh-tơn đã thất bại trong chiến dịch bao vây cấm vận Mat-xcơ-va, trong đó có mục đích cô lập Nga trên thế giới và chia rẽ sự đoàn kết người dân Nga. Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến Thắng của Nga trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại vừa qua là thêm một lẫn nữa minh chứng rõ ràng nhất về thất bại này của Mỹ.  

Để tẩy chay lễ kỷ niệm này, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma, Thủ tướng Anh Đa-vit Cơ-mơ-run, Thủ tướng Đức An-ge-la Mec-ken và Tổng thống Pháp Phơ-răng-xoa Ô-lăng đều không tới tham dự sự kiện này. Trong khi đó, nhận lời mời của Chính phủ Nga, tới tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Chiến Thắng năm nay có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Muôn cùng lãnh đạo của hơn 30 nước trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và phu nhân, Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô, Tổng thống  Vê-nê-du-e-la Ni-cô-lat Ma-đu-rô, Tổng thống Ai Cập Pha-ta An-xi-xi, Tổng thống Hy Lạp Ni-cô-lat A-nat-ta-xi-đet, Tổng thống Kiêc-gi-xtăng An-mat-bêch A-tam-be-ep, Tổng thống Ca-dăc-xtăng Nu-xun-tan Na-da-bai-ep v.v.

Cựu Thủ tướng I-ta-li-a Be-lu-xcô-ni nhận định: “Việc các nhà lãnh đạo phương Tây không tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Phát xít tại Mat-xcơ-va hôm 9/5 chứng tỏ tính thiển cận và là một thất bại chính trị của họ. Trên khán đài trung tâm tại Quảng trường Đỏ, lãnh đạo các nước Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác ngồi cạnh Tổng thống Nga V.Pu-tin là bằng chứng cho thấy nước Nga không bị cô lập, mà ngược lại nó cho thấy đó là sự thất bại chính trị của phương Tây”.

Giáo sư chuyên nghiên cứu về lịch sử Liên Xô và lịch sử Nga, thuộc Đại học Ca-li-pho-ni-a (Mỹ) Giôn A-sơ Ge-ti (John Arch Getti) trong bài bài trả lời phỏng vấn báo “Russia Today” nhận xét: “Sau khi thất bại trong chính sách cấm vận Nga, hành động của phương Tây tẩy chay cuộc Duyệt Binh Chiến Thắng ở Mat-xcơ-va trông thật thảm hại”.

Báo Pháp “Figaro” nhận xét: “Tổng thống Nga V.Pu-tin đã từng nhận lời mời của Chính phủ Pháp và tới tham dự lễ kỷ niệm Chiến dịch Noc-man-di. Do đó, quyết định của Tổng thống Pháp Phơ-răng-xoa Ô-lăng không tới Mat-xcơ-va vào ngày 9/5 không chỉ là một sai lầm lịch sử mà còn là hành động coi thường người Nga”.

Tham gia Lễ duyệt binh ở Quảng trường Đỏ có sự góp mặt của đại diện quân đội của 10 nước, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Bê-la-rut, Ac-mê-ni-a, A-dec-bai-dăng, Ca-da-xtăng, Kiêc-gi-xtăng, Ta-gi-ki-xtăng, Mông Cổ và Xec-bi. Sau Lễ duyệt binh, các vị khách tham gia lễ đặt hoa tưởng niệm tại Mộ các chiến sĩ vô danh và sau đó cả khách và chủ nhà dự buổi tiếp đón trọng thể của Tổng thống V.Pu-tin và Chính phủ Nga tại Điện Crem-li.

Lễ kỷ niệm cũng là một trong những biểu hiện sinh động nhất chứng tỏ người dân Nga đoàn kết hơn bao giờ hết và chủ nghĩa yêu nước Nga được phát triển mạnh mẽ. Đó là cuộc diễu hành của “Trung đoàn bất tử” với khoảng 12 triệu người Nga tham gia trên toàn lãnh thổ hòa cùng sự kiện kỷ niệm Ngày Chiến thắng. Hàng triệu người dân Nga tham gia sự kiện này mang theo chân dung người thân của mình đã từng tham gia Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Đây là một trong những phong trào xã hội khơi dậy lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong nhiều thế hệ người Nga. Cuộc diễu hành của “Trung đoàn bất tử” lần đầu tiên được tổ chức ở thành phố Tôm-xcơ ở Xi-bê-ri năm 2012, đến này được lan tỏa trên toàn lãnh thổ Nga và nhiều nước trên thế giới.

Tổng thống Nga V.Pu-tin đích thân mang theo bức chân dung người cha của mình hồi còn trẻ và gia nhập dòng người diễu hành của “Trung đoàn bất tử”. Phát biểu về sự kiện này, Tổng thống Nga V.Pu-tin nhấn mạnh: “Phong trào này khẳng định cam kết của chúng ta trong việc tiếp tục bảo vệ Tổ quốc mà cha ông ta đã bảo vệ. Nó cũng thể hiện sự tự tin của chính chúng ta, tin vào sức mạnh của chúng ta và tương lai tươi sáng của con em chúng ta”.  

Tín hiệu về sự “xuống thang” của Mỹ trong cuộc đối đầu với  Nga

Chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri tới Nga trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” của cuộc chiến bao vây cấm vận do Oa-sinh-tơn khởi xướng chống lại Mat-xcơ-va liên quan tới cuộc khủng hoảng U-crai-na thu hút sự chú ý của sư luận Nga và phương Tây.

Báo Anh “The Financial Time” đăng bài viết nhận định: “Chuyến thăm này là tín hiệu chứng tỏ Nga đã giành được một thắng lợi ngoại giao quan trọng trong quan hệ với Mỹ, rằng Oa-sinh-tơn đã thất bại ngay từ đầu trong cuộc Chiến tranh lạnh mới chống lại Mat-xcơ-va, được phát động từ cuộc khủng hoảng U-crai-na từ cuối năm 2013 tới nay, buộc Mỹ phải “xuống thang” trong quan hệ cuộc đối đầu với Nga.

Vậy, do đâu Mỹ phải “xuống thang”?

Mỹ phải “xuống thang” là do những mục đích mà Mỹ theo đuổi khi bao vây cấm vận Nga là sẽ làm sụp đổ nền kinh tế Nga, gây ra tình trạng “hoảng loạn” trong xã hội Nga, kích động người dân nổi dậy lật đổ Tổng thống Nga V.Pu-tin và cô lập Nga đến mức tối đa trên trường quốc tế, đều đã không đạt được. Tổng thống Nga V.Pu-tin không nhưng không bị người dân phản đối mà số người ủng hộ ông đạt tới 86%-một con số tín nhiệm mà không một nguyên thủ quốc gia nào có được. Thậm chí, Tổng thống Nga V.Pu-tin còn khẳng định, sự bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga trở thành một động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh kinh tế trong nước, mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của Nga.

Ngoài ra, sự cấm cận của Oa-sinh-tơn nhằm vào Nga đã gây tác động tiêu cực đối với Mỹ. Đó là, Mỹ không chỉ đánh mất một đối tác rất quan trọng trong việc hóa giải nhiều “điểm nóng” trên thế giới, mà còn đẩy Nga liên kết chặt chẽ Trung Quốc khiến chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma gặp khó khăn, gây chia rẽ quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Oa-sinh-tơn  và Bruc-xen. Ngoài ra, Mỹ có thể đánh mất sự ủng hộ của Nga trong việc hóa giải nhiều “điểm nóng” trên thế giới.

Những nội dung được hai bên đưa ra bàn thảo

Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xec-gây La-vơ-rôp đề cập tới hai nhóm vấn đề: quan hệ song phương Mỹ-Nga và các “điểm nóng” trên thế giới.  

Trong quan hệ song phương Mỹ-Nga, hai bên vừa đề cập tới những vấn đề mang tính hệ thống như tôn trọng lợi ích địa-chính trị của nhau, hợp tác cùng có lợi, vừa đề cập những vấn đề cụ thể. Đó là, từ năm 2014, Oa-sinh-tơn đơn phương chấm dứt nhiều mối quan hệ hợp tác và đối tác Mỹ-Nga; Mỹ đơn phương ngừng hoạt động của Ủy ban trực thuộc tổng thống của hai nước, gồm 21 tiểu ban công tác; Oa-sinh-tơn vi phạm luật quốc tế khi đơn phương cấm vận các cá nhân và doanh nghiệp của Nga; NATO do Mỹ đứng đầu đưa hạ tầng cơ sở và căn cứ quân sự sát biên giới Nga; Mỹ xúc tiến xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu; Mỹ và NATO đưa tàu chiến tới Biển Đen; NATO tiến hành nhiều cuộc diễn tập quân sự sát biên giới Nga, trong đó có cuộc diễn tập trên lãnh thổ U-crai-na; Mỹ đưa cố vấn quân sự tới U-crai-na và viện trợ vũ khí cho quân đội nước này v.v.   

Trong các chủ đề quốc tế, hai bên bàn thảo về nhiều “nóng”, trước hết là tình hình U-crai-na và Y-ê-men, vấn đề hạt nhân của I-ran và tình hình Xy-ri. Đây là những vấn đề mà Mỹ và Nga còn có nhiều mâu thuẫn và bất đồng cần đối thoại để đi đến thống nhất vì nếu không thì không một bên nào có thể đơn phương hóa giải được. Ngoài ra, còn đề cập tới tình hình Ap-ga-ni-xtăng và tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

U-crai-na, từ trước tới nay Mỹ và Nga luôn cáo buộc lẫn nhau đã gây ra cuộc khủng hoảng  này. Ở Y-ê-men, Nga chủ trương đối thoại giữa các bên để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, còn Mỹ lại ủng hộ liên minh do A-rập Xê-ut đứng đầu mở chiến dịch can thiệp quân sự. Trong vấn đề I-ran, Tổng thống Nga V.Pu-tin vừa quyết định chuyển giao tên lửa S-300 cho Tê-hê-ran, còn Mỹ đề nghị Nga chưa nên thực hiện quyết định này trước cuộc đàm phán lần cuối của Nhóm P5+1 với I-ran vào ngày 30-6-2015. Trong vấn đề Xy-ri, Nga chủ trương các bên xung đột cùng ngồi vào bàn đàm phán để đối thoại để tìm giải pháp mà không đưa ra điều kiện tiên quyết, còn Mỹ vẫn coi điều kiện tiên quyết là Tổng thống Ba-sa An At-xat phải “ra đi”.

Kết quả cuộc gặp là tìn hiệu lạc quan

Khi được hỏi về kết quả cuộc đàm phán giữa hai người đứng đầu ngành ngoại giao của Mỹ và Nga cũng như cuộc tiếp kiến của Tổng thống Nga V.Pu-tin với Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xec-gây La-vơ-rôp cho biết, có thể mô tả cuộc gặp này bằng một từ ngắn gọn là “tuyệt vời”. Nhận định này của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xec-gây La-vơ-rôp không phải là không có cơ sở, bởi hai bên đã có sự hiểu biết nhau hơn trong việc hóa giải hai “điểm nóng” nhức nhối nhất hiện nay là cuộc khủng hoảng U-crai-na và Xy-ri.  

Trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xec-gây La-vơ-rôp, khi đề cập tới chủ đề U-crai-na, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri cho biết: “Không cần bàn tới chuyện ai đã gây ra cuộc khủng hoảng này nhưng để nó rơi vào tình trạng kéo dài bế tắc như hiện nay là không thể chấp nhận được và cần tìm cách hóa giải nó”. Thậm chí, ông Giôn Ke-ri còn cho biết ông sẽ đề nghị Tổng thống U-crai-na Pô-rô-sen-cô “cần cân nhắc thận trọng trước khi sử dụng biện pháp quân sự để tái chiếm sân bay Đô-nhe-xcơ”.

Từ trước tới nay, do Mỹ không tham gia các cuộc đàm phán ở Min-xcơ nên các thỏa thuận đạt được đã không được thực thi đầy đủ. Hiện nay, trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga ở Xô-chi, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri tuyên bố Thỏa thuận Min-xcơ là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng và do đó Mỹ và Nga cần gây áp lực đối với các bên thực hiện nghiêm thỏa thuận này. Sự thay đổi quan điểm này của Mỹ chứng tỏ, Mỹ cần phải hóa giải một mâu thuẫn: đã đến lúc Oa-sinh-tơn cần phải giỡ bỏ cấm vận đối với Nga nhưng để làm được điều đó Mỹ cũng phải có trách nhiệm sử dụng ảnh hưởng của mình thuyết phục chính quyền Ki-ep thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận Min-xcơ-2. Đây là lý do khiến chính quyền Ki-ep công khai bày tỏ thất vọng về cuộc gặp ở Xô-chi giữa Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xec-gây La-vrôp.

Để hóa giải cuộc khủng hoảng Xy-ri, hai bên thống nhất quan điểm cho rằng cần thực hiện nghiêm chỉnh Thông cáo chung Giơ-ne-vơ ngày 23-6-2012 mà không đưa ra điều kiện tiên quyết là buộc Tổng thống Ba-sa An At-xat phải “ra đi”. Để hóa giải các “điểm nóng”, hai bên cam kết sẽ không áp dụng “tiêu chuẩn kép”- điều mà xưa nay Mỹ vẫn làm.

Nhận định về kết quả chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri, dư luận quốc tế cho rằng cuộc gặp Xô-chi tuy chưa thể tạo ra sự đột phá nhưng là tín hiệu về sự “tan băng” trong quan hệ Mỹ-Nga. Đã đến lúc, Mỹ phải thay đổi tư duy cho rằng họ là “người chiến thắng” trong Chiến tranh lạnh, còn Nga là “kẻ chiến bại” nên họ đã từng phớt lờ quan điểm và lợi ích của Nga. Sau khi bước vào Điện Crem-li từ năm 2000, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã khẳng định, không có ai là “người chiến thắng” hay “kẻ chiến bại” trong Chiến tranh lạnh vì nước Nga đã tự nguyện lựa chọn con đường phát triển nền kinh tế thị trường và do đó Mỹ cần tôn trọng lợi ích của Nga trong một thế giới đã thay đổi. Rõ ràng, đã đến lúc, Mỹ cần tôn trọng và hợp tác với Nga xuất phát từ chính lợi ích của Mỹ./.

 

PGS.TS. Đại tá Đồng Xuân Thọ
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất