Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ truyền
thống, gắn bó từ lâu đời. Quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác
toàn diện giữa Việt Nam-Lào được cả hai nước đánh giá là quy luật tồn
tại và phát triển của sự nghiệp cách mạng của mỗi nước, mỗi dân tộc.
Nhân chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu
nhân tại Lào từ ngày 23-25/3, phóng viên TTXVN tại Lào đã có cuộc trao
đổi với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Nguyễn Mạnh Hùng, về quan hệ giữa
Việt Nam và Lào. Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn:
- Xin Đại sứ đánh giá một cách tổng quát về quan hệ giữa Việt Nam và Lào trong thời gian qua?
Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Quan hệ giữa Việt Nam và Lào
là mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn
diện, được bắt nguồn từ rất lâu đời và đặc biệt là có sự gắn kết giữa
hai dân tộc trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, đánh đổ đế quốc thực
dân để xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây, nay là Nhà
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cũng như Nhà nước Cộng hòa Dân
chủ Nhân dân Lào.
Cả hai dân tộc anh em đã chia ngọt sẻ bùi bên nhau trong suốt cuộc
trường chinh gian khổ, cùng nhau giành được những thắng lợi vĩ đại và
ngày nay cũng đang kề vai trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc của
mỗi nước.
Mối quan hệ này đích thân do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone
Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong là những người đặt nền móng và được
các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và biết bao thế hệ cán
bộ, chiến sỹ, đảng viên, nhân dân hai nước bằng mồ hôi và cả xương máu
của mình góp sức xây dựng lên. Ngày nay, mối quan hệ đó thực sự là nguồn
lực to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc của mỗi nước.
Mối quan hệ này được cả hai bên đánh giá là quy luật tồn tại và phát
triển của sự nghiệp cách mạng của mỗi nước, mỗi dân tộc. Trong tình hình
hiện nay, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp
tác toàn diện giữa Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam luôn được hai bên quan
tâm, không ngừng củng cố tăng cường và phát triển, đem lại lợi ích thiết
thực cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước của mỗi nước, đồng thời
đây cũng là nhân tố tích cực để củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và
phát triển trong khu vực và trên thế giới.
- Đại sứ đánh giá như thế nào về chuyến thăm và làm việc tại Cộng
hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân
từ 23-25/3; đặc biệt khi chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng,
toàn quân và toàn dân Lào đang sôi nổi kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập
Đảng nhân dân Cách mạng Lào?
Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Từ ngày 23-25/3 này, Chủ tịch
nước Trương Tấn Sang và phu nhân sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Lào
theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Chummaly
Sayasone và phu nhân, chuyến thăm này có ý nghĩa rất to lớn, góp phần
thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Lào lên một tầm cao mới.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Lào
đang phấn khởi kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
(22/3/1955-22/3/2015), và trong những ngày này, khi tôi có dịp gặp các
đồng chí lãnh đạo của Lào để chúc mừng bạn nhân kỷ niệm 60 năm ngày
thành lập Đảng thì các đồng chí lãnh đạo Lào đều khẳng định rằng rất tự
hào khi Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam có cùng
chung một cội nguồn, cùng chung một tổ chức tiền thân là Đảng Cộng sản
Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và trực tiếp rèn luyện.
Các bạn Lào cũng cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
và phu nhân lần này là nguồn cổ vũ động viên to lớn cho toàn Đảng, toàn
quân và toàn dân Lào trong bối cảnh bạn đang tích cực chuẩn bị để hoàn
thành Nghị quyết Đại hội IX của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và tiến hành
đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, cấp bộ ngành và trung ương, tiến tới Đại hội
lần thứ X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào vào đầu năm 2016.
Chuyến thăm này, theo chúng tôi là một động lực để hai bên thực hiện có
kết quả các thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng cũng như các Hiệp định hợp
tác giữa hai Chính phủ, nhất là kết quả của kỳ họp Ủy ban hợp tác song
phương giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào lần thứ 37 vừa mới diễn ra vào
đầu năm nay tại Hà Nội.
Tôi tin tưởng rằng chuyến thăm và làm việc lần này tại Lào của Chủ tịch
nước Trương Tấn Sang và phu nhân sẽ là một minh chứng sinh động cho mối
quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện
Việt Nam-Lào.
Theo chương trình của chuyến thăm, Chủ tịch nước và phu nhân sẽ có những
cuộc hội đàm, hội kiến với Chủ tịch nước Chummaly Sayasone, với Thủ
tướng Thongsing Thamavong, Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotu và nhiều đồng
chí lãnh đạo khác của Đảng, Chính phủ, Quốc hội Lào.
Trong tất cả các cuộc hội đàm, hội kiến đó hai bên sẽ tập trung trao đổi
ý kiến để thực hiện thành công, thực hiện thắng lợi những thỏa thuận
thắng lợi cấp cao đã có giữa hai Đảng, hai Nhà nước, thúc đẩy việc thực
hiện các Hiệp định hợp tác về kinh tế, thương mại, văn hóa, về khoa học
công nghệ, về quốc phòng và an ninh đã có giữa hai nước. Làm sao cho tất
cả các công việc đó đạt được kết quả tốt nhất và góp phần trực tiếp,
toàn diện vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của mỗi nước Việt
Nam và Lào.
Trong bối cảnh cả hai bên đang tích cực và chủ động hội nhập quốc tế,
đặc biệt tới đây hai nước cùng tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thì
chuyến thăm lần này cũng là một động lực để thúc đẩy tiến trình hội nhập
quốc tế của Lào cũng như của Việt Nam, để hai bên có thể phối hợp chặt
chẽ với nhau hơn tại các diễn đàn quốc tế và khu vực vì lợi ích hòa
bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
- Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng quan hệ Việt Nam và Lào trong tương lai?
Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu nói triển vọng quan hệ hợp
tác giữa Việt Nam-Lào thì tôi có niềm tin vững chắc là tương lai sẽ rất
là tươi sáng, tốt đẹp, bởi lẽ là sự phát triển của mối quan hệ song
phương trong những năm gần đây đã có những bước tiến thực chất.
Nếu nhìn về mặt chính trị thì hai bên thường xuyên có các cuộc tiếp xúc
cấp cao. Hầu như năm nào lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng thăm Lào, và
các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Lào cũng thăm Việt Nam, những cuộc
gặp cấp cao đó chính là nơi mà lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai
Nhà nước trao đối ý kiến, thống nhất với nhau về mối quan hệ song
phương, không ngừng phát triển các mối quan hệ song phương.
Nếu nhìn về mặt quốc phòng và an ninh, thì sự hợp tác của hai nước láng
giềng anh em, những người đã từng đồng cam cộng khổ, chung một chiến hào
trong cuộc kháng chiến đánh đuổi đế quốc thực dân ngày nay đã được thúc
đẩy trong sự nghiệp giữ vững nền quốc phòng của mỗi nước, bảo vệ vững
chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, củng cố an ninh
quốc gia, trật tự xã hội, phòng chống tội phạm.
Ở góc độ kinh tế thì chúng ta thấy trong những năm qua kim ngạch buôn
bán hai chiều giữa Việt Nam và Lào không ngừng tăng, và năm 2014 theo
đánh giá của cả hai bên thì kim ngạch buôn bán hai chiều đã đạt 1,4 tỷ
USD, và triển vọng thì còn tăng hơn nữa khi mà hai nước trong năm nay đã
phối hợp với nhau triển khai thí điểm cơ chế một của một lần dừng ở cặp
cửa khẩu Lao Bảo-Densavan.
Ngoài ra, hai bên cũng rất quan tâm thúc đẩy kết nối về giao thông giữa
hai nước, nếu giao thông thuận lợi hơn, thủ tục ở các cặp cửa khẩu được
đơn giản hóa và thời gian mất ít hơn thì chắc chắn việc trao đổi hàng
hóa giữa hai nước sẽ tăng mạnh và kim ngạch theo đó cũng sẽ tăng lên.
Về đầu tư thì hiện nay Việt Nam là một trong những nhà đầu tư nước ngoài
lớn nhất tại Lào với hơn 400 dự án và số vốn đăng ký hơn 5 tỷ USD.
Lĩnh vực hợp tác mang tính truyền thống giữa hai bên là hợp tác đào tạo
nguồn nhân lực thì đây cũng là điểm sáng. Số lượng học bổng Chính phủ
Việt Nam dành cho sinh viên Lào trong năm 2015 là 1.000 học bổng, chất
lượng lưu học sinh Lào học ở Việt Nam cũng được hai bên quan tâm nâng
cao. Hai Thủ tướng của Chính phủ hai nước trong năm 2014 đều có chỉ thị
liên quan đến chất lượng hợp tác về giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó, giữa Việt Nam và Lào có sự gắn kết liên thông sâu rộng về
mặt văn hóa. Điểm mà chúng ta ai cũng thấy rất đông cán bộ và nhân dân
Lào nói được tiếng Việt, họ thích thú khi xem các chương trình truyền
hình của Việt Nam, họ cũng say mê khi nghe dân ca của Việt Nam, ngược
lại người dân Việt Nam chúng ta cũng rất quan tâm gần gũi với văn hóa
Lào.
Chính vì vậy, nhìn trên tất cả các mặt thì mối quan hệ giữa Việt Nam và
Lào thực sự là mối quan hệ hết sức sâu sắc, toàn diện và với nỗ lực
chung của cả hai bên, tôi tin rằng quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn
kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-Lào, vốn có một nền tảng
vững chắc từ trong quá khứ, sẽ tiếp tục được các thế hệ nhân dân của
hai nước lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và tiếp tục phát huy
nhân tố đó như là một nguồn lực bất tận trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ tổ quốc của mỗi nước.
Sự hợp tác đó, mối quan hệ đó sẽ ngày càng được phát huy, trở thành nhân
tố tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực
cũng như trên thế giới.
- Xin cảm ơn Đại sứ!/.
(TTXVN)