Chủ Nhật, 15/12/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 30/3/2010 18:49'(GMT+7)

Đầu ra cho nông sản - cần một cuộc cách mạng

Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam luôn gặp khó khăn (Ảnh minh hoạ)

Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam luôn gặp khó khăn (Ảnh minh hoạ)

Tình trạng giá thấp kéo dài chưa biết khi nào chạm đáy khiến bà con nông dân hoang mang, các bộ ngành, địa phương lo lắng. Nỗi khổ được mùa mất giá có lẽ sẽ tiếp tục đeo đẳng người nông dân nếu như không có một cuộc cách mạng, cả ở tầm quản lý, sản xuất kinh doanh và chiến lược phát triển nông nghiệp.

Hình ảnh cả dãy dài xe chở dưa hấu vượt xa hàng nghìn cây số mòn mỏi chờ ở cửa khẩu Lạng sơn để xuất sang Trung Quốc rồi bị ép cấp, ép giá đến mức chỉ còn… 1.000 đồng/kg làm nản lòng người nông dân thời hội nhập. Không chỉ có dưa hấu, lần lượt lúa, cà phê, muối…. đang chung số phận rớt giá thảm hại, nông dân khốn đốn.

Chỉ cách đây vài tuần, giá lúa gạo rớt thê thảm tới mức Chính phủ phải ra lệnh mua tạm trữ tránh thiệt hại cho nông dân. Thế rồi muối được mùa nhưng giá giảm một cách thảm hại, Bộ Công thương lại kiến nghị Chính phủ mua… tạm trữ cho diêm dân. Cà phê có chung số phận khi Hiệp hội ngành này đang kiến nghị khẩn cấp với Chính phủ để mua 200.000 tấn.

Cái đau của chúng ta chính là bà con nông dân khi làm chủ ruộng đồng, sản xuất ra nông sản hàng hoá với số lượng lớn nhưng lại không làm chủ được giá bán. Việt Nam đang đứng nhất nhì về xuất khẩu gạo, nhất nhì về xuất khẩu cà phê, nhưng lại bị động trong việc xuất khẩu và quản lý xuất khẩu các mặt hàng này nói riêng và nông sản nói chung…

Sự vô lý ở chỗ chúng ta đang trong cái vòng luẩn quẩn: đầu tư sản xuất ra sản phẩm để rồi lại phải chật vật tìm cách hỗ trợ, giải quyết hậu quả của những sản phẩm đó. Lẽ ra, những phương án giải quyết phòng trừ cần phải được đưa ra ngay từ khâu quy hoạch sản xuất ban đầu chứ không phải cứ chạy theo để khắc phục hậu quả như cách mà ta vẫn đang làm lâu nay.

Trong nước thì thế, còn thị trường nước ngoài thì sao? Rõ ràng đang có sự chủ động ép giá, ép cấp đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Không mấy khó khăn để nhận ra nhược điểm của các doanh nghiệp Việt Nam là thiếu vốn, hệ thống kho trữ thiếu thốn, nên các nhà nhập khẩu nước ngoài liên tục ép giá. Gạo là ví dụ điển hình. Lợi dụng giá gạo thế giới đang giảm, không ít nhà nhập khẩu trả giá thấp đến mức vô lý .

Nhìn thực tế phải thừa nhận rằng, nông nghiệp là ngành được sự quan tâm đặc biệt khi Chính phủ nỗ lực thực hiện chương trình liên kết vùng và liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp nhưng lại không hiệu quả. Thậm chí còn nảy sinh những bất hợp lý như: giá lúc cao cũng bị ép, lúc thấp cũng bị ép hay ngược lại, không ít doanh nghiệp vẫn tìm đủ cách tranh mua, tranh bán trong cùng địa bàn. Và cuối cùng nông dân vẫn thắc thỏm, mỗi khi được mùa… Hậu quả, đã nhiều năm qua, giá nông sản không thể ổn định và được mùa xuống giá vẫn là điệp khúc lặp đi lặp lại….

Câu chuyện hình thành một cơ chế để bảo đảm giá lúa, giá cà phê và nhiều nông sản khác để bảo vệ quyền lợi nông dân được nói tới từ lâu, những vẫn chưa thực hiện được. Đề xuất một cơ chế can thiệp khi giá nông sản xuống thấp hoặc đề xuất thành lập quỹ bình ổn thị trường cho từng ngành hàng đã không trở thành hiện thực vì nhiều lý do, kể cả chuyện chưa thống nhất được chủ trương và cách thức thực hiện giữa các bộ ngành liên quan.

Rõ ràng, tìm đầu ra cho nông sản đang cần có một định hướng chiến lược. Điều cốt tử không chỉ là các biện pháp tình thế như mua tạm trữ, thành lập quĩ bình ổn mà sâu xa hơn, lâu dài hơn phải là những chiến lược cụ thể hơn để đảm bảo nhà nông yên tâm với thu hoạch vụ mùa nông sản của mình, sớm khắc phục những nhược điểm hiện nay. Hệ thống kho bãi dự trữ, điểm yếu bấy lâu nay của các doanh nghiệp cần phải có sự cải tiến sớm và nhanh hơn.

Một kinh nghiệm hay của nước láng giềng Thái Lan mà chúng ta có thể tham khảo được. Ngoài việc thiết lập hệ thống kho hiện đại đủ sức chứa 10 triệu tấn gạo, đầu những năm 2.000, Chính phủ Thái Lan đầu tư gần 2 tỷ USD để thực hiện cơ chế bảo đảm giá lúa gạo, theo hình thức chưa có quốc gia nào làm. Theo cơ chế này, nông dân có thể bán lúa cho các đại lý của Chính phủ theo giá sàn bảo đảm và có thể mua lại tất cả số lúa đó trong vòng 90 ngày và chịu lãi suất 3%. Do giá sàn bảo đảm luôn cao hơn giá thị trường, nên Chính phủ đã trở thành người trực tiếp mua lúa gạo cho nông dân và phụ trách luôn việc xuất khẩu thông qua các hình thức hợp đồng Chính phủ, đấu thầu bán cho nhà xuất khẩu hoặc bán theo hợp đồng kỳ hạn trên sàn giao dịch nông sản./.

(Theo: Đức Thành/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất