I. Mục đích của xuyên tạc
1. Từ sự thâm thù chủ nghĩa cộng sản.
Hồ Chí Minh là một nhân vật phản ánh một phần tất yếu của sự phát triển dân tộc Việt Nam. Đã có nhiều thế lực thâm thù chủ nghĩa cộng sản, thâm thù cách mạng Việt Nam tìm mọi cách xuyên tạc cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong nguyên nhân từ sự thâm thù chủ nghĩa cộng sản (hay viết theo thuật ngữ khoa học là “chủ nghĩa chống cộng anti-communisme”), có cả việc một số người ghét sự nghiệp cách mạng Việt Nam, ghét Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam rồi đi đến ghét luôn cá nhân Hồ Chí Minh. Điều này có lôgíc của nó. Bởi vì, sự nghiệp của Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng của ĐCS Việt Nam là một.
Chủ nghĩa cộng sản đã và đang là một tâm điểm để các thế lực thù địch đả kích. Đã có rất nhiều chiến dịch lớn có quy mô quốc tế chống phá, vu khống chủ nghĩa cộng sản. Có những người đặt chủ nghĩa cộng sản ngang hàng như là chủ nghĩa phát xít. Có thời, những người hận thù cộng sản ra sức xuyên tạc về “chân dung” của người cộng sản, khi cho rằng, đó là người không có tình cảm, không có tình nghĩa cha con, vợ chồng, anh em, v.v. Thậm chí, cực đoan hơn, họ còn vẽ tranh tuyên truyền người cộng sản với hình ảnh mồm ngậm con dao găm, máu từ mồm rỉ ra, mặt đằng đằng sát khí, cứ như một con ma cà rồng, một con ngáo ộp.
Đây thuộc về cái TÂM. Cái tâm không trong sáng, đầy thù hận với sự nghiệp cách mạng gắn với tên tuổi của con người Hồ Chí Minh, thì điểm nhìn và cách nhìn của những người đó chắc chắn bị lệch lạc. Ở đây, không phải là sự ngộ nhận mà là ý đồ cố tình xuyên tạc. Ngộ nhận thì khác. Có thể người ta có cái tâm trong sáng, nhưng những thông tin đến với người ta bị sai lệch cho nên rất dễ làm cho người ta đi đến nhận định không đúng. Một khi thông tin đã được điều chỉnh, được đính chính thì người ta có thể dễ dàng thay đổi lại nhận định. Hoặc, cũng đối với một số người vốn có cái tâm trong sáng, khi nghiên cứu, nhìn nhận về Hồ Chí Minh, nhưng với phương pháp không đúng thì cũng có thể đánh giá về Hồ Chí Minh bị sai lệch. Cũng như trường hợp trên đây, nếu được thay đổi phương pháp nghiên cứu cho phù hợp thì nhận định sẽ được điều chỉnh cho đúng đắn hơn.
Đằng này, không phải là từ các nguồn thông tin, từ mức độ và chất lượng thông tin, không phải là từ phương pháp nghiên cứu sai, mà là từ định kiến thâm thù. Đã như vậy thì một số người thuộc về trường hợp này sẵn sàng bóp méo thông tin, xuyên tạc, đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm. Có một số trường hợp, một số người thuộc dạng có cái tâm không trong sáng này thể hiện cách nói, thể hiện ra các bài viết một cách tinh vi, ngụ ý, ẩn dấu, nhưng có không ít trường hợp thật trắng trợn, cực đoan, thể hiện ra bằng những lời lẽ hằn học, chửi bới, mạt sát Hồ Chí Minh, v.v. Tất cả các dạng đó có thể không hợp với đối tượng người này nhưng lại hợp với đối tượng người nghe, người đọc loại khác. Nhưng, xem ra, loại bịa đặt nhân chứng, tài liệu, hoặc dựa trên một vài sự kiện có thật để xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh, cộng với cách trình bày lắt léo, với bút pháp có vẻ ly kỳ hấp dẫn là có tác động lớn hơn cả, lừa được không ít người.
Số người viết sách, viết báo, cả báo viết, cả báo mạng, để cố tình xuyên tạc Hồ Chí Minh cho đến nay không ít. Họ xuyên tạc đủ điều, “bôi đen” Hồ Chí Minh từ đời riêng, đến cả các mối quan hệ công tác và cố ý khái quát cả những hiện tượng nhất thời, không đúng với bản chất của sự việc.
2. Muốn “hạ bệ thần tượng”
Trong tiến trình cách mạng, Hồ Chí Minh đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Đảng ta đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(1); “Trong thực tế, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng ta và của cả dân tộc”(2). Đại hội X của Đảng (4-2006) nhận định: “Sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta 76 năm qua đã khẳng định rằng, tư tưởng vĩ đại của Người cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin mãi mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Tư tưởng đó đã dẫn dắt chúng ta trên mỗi chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, là ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là sức mạnh tập hợp và đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta hôm nay và mai sau”(3).
Hồ Chí Minh đã trở thành Anh hùng dân tộc vĩ đại, được UNESCO đánh giá là Anh hùng giải phóng dân tộc và là Nhà văn hoá kiệt xuất. Nhân dân Việt Nam nhiều thế hệ coi Hồ Chí Minh là lãnh tụ kính yêu. Như vậy, đứng về góc độ văn hoá mà nói thì thực sự Hồ Chí Minh đã trở thành “thần tượng” của nhân dân Việt Nam.
Trong nhiều “kênh” chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đã nhằm vào hai “kênh” chính yếu nhất: chống ĐCS Việt Nam và chống Hồ Chí Minh. Chống Hồ Chí Minh là chống nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và đánh vào giá trị tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc, hay nói như nhiều người là “hạ bệ thần tượng” Hồ Chí Minh. Làm sụp đổ thần tượng này, tức là làm mất giá trị văn hóa và làm cho Việt Nam đi theo một con đường khác. Đánh vào Hồ Chí Minh cũng tức là đánh vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Những người chống đối Hồ Chí Minh đã thẳng thừng tuyên bố rằng: “Trong khối “8406” bây giờ, có mục tiêu cương quyết đạp đổ thần tượng Hồ Chí Minh, phá bỏ huyền thoại, và vì thế tìm đủ mọi cách để có thể hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh bằng mọi giá”.
Trong nhiều biện pháp, thì biện pháp đánh vào cái gốc, đánh vào nền tảng tư tưởng, vào yếu tố tinh thần, vào giá trị văn hóa, vào lãnh tụ của sự nghiệp cách mạng Việt Nam… là biện pháp thâm hiểm nhất. Cho nên, những kẻ xấu không từ một thủ đoạn nào, một hành vi nào, tận dụng tất cả mọi diễn đàn có thể có được trong công nghệ thông tin hiện đại để bôi xấu, xuyên tạc về Hồ Chí Minh.
3. Từ sự bất mãn của một số cá nhân.
Một số cá nhân bất mãn đã cực đoan, xuyên tạc, hằn học, thâm thù Hồ Chí Minh. Họ làm ra vẻ họ là những người “trong cuộc”, là những người nằm trong lòng các sự kiện đó, thậm chí là những sự kiện cho đến hiện nay được nhiều người coi là bí ẩn, cho nên họ cho rằng, họ là những người nắm chắc được bản chất của sự kiện để đưa ra thông điệp cho người đọc, người nghe rằng, những điều họ viết, họ nói mới là sự thật. Họ tự phong cho mình là người “vén những tấm màn bí mật” ở chốn “thâm cung bí sử”. Họ thường là người bất mãn với chế độ chính trị, với cách mạng Việt Nam, bị nhiều người coi là “những phần tử phản động”, cho nên họ có thái độ cực kỳ cay cú, sẵn sàng bịa chuyện, hoặc dựa trên một vài sự kiện, tài liệu có thật để rồi thêm thắt, bình luận, hoặc viết rất ly kỳ, tinh vi để nói xấu Hồ Chí Minh, nói xấu cách mạng, tự bào chữa cho những sai lầm của họ hoặc gia đình họ trong quá khứ, hoặc nhấn mạnh, tô đậm những sai lầm, khuyết điểm của Đảng.
Thực ra, tác dụng của sự xuyên tạc từ những người bất mãn này không thực sự lớn, vì họ là những người phản bội. Người đọc, người nghe thấy rõ bản chất, thái độ, động cơ chính trị của họ. Số này, lúc đầu còn có vẻ e dè, nhưng càng về sau viết xuyên tạc về Hồ Chí Minh càng mạnh mẽ hơn, không ngại bất cứ khía cạnh nào, kể cả những khía cạnh về mặt đời tư của Hồ Chí Minh, cố tình bôi đen đời tư của Người.
II. Giải pháp đấu tranh
1. Đẩy mạnh việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh
Cho đến nay, thành quả nghiên cứu về Hồ Chí Minh ở trong nước, về những nét đại thể, đã đạt được một số điểm sau đây:
Một là: Đã nêu lên được những nét lớn, có tính cơ bản về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau khi Hồ Chí Minh qua đời, việc nghiên cứu Hồ Chí Minh ở trong nước và ngoài nước được đẩy mạnh hơn. Lần đầu tiên, đã có hẳn một Chương trình khoa học cấp nhà nước mã số KX.02 “Nghiên cứu Hồ Chí Minh” (giai đoạn 1991-1995). Sau đó, tuy không thành một chương trình với quy mô lớn, nhưng một số đề tài khoa học nghiên cứu Hồ Chí Minh các giai đoạn tiếp theo vẫn được tiếp tục tiến hành. Nhiều khoảng trống về Hồ Chí Minh đã được san lấp bằng những kết quả nghiên cứu khoa học xác đáng. Nhiều tài liệu về Hồ Chí Minh, của Hồ Chí Minh đã được đính chính cho chính xác và được bổ sung cho đầy đủ hơn. Nhiều nhận định, đánh giá về Hồ Chí Minh được đặt trên cơ sở khoa học, chắc chắn hơn. Có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã được công bố. Có rất nhiều giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh được xuất bản và đưa vào dạy và học trong các trường. Có thể nói, với việc mở đầu rất tích cực và có hiệu quả từ Chương trình khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu Hồ Chí Minh”, mã số KX.02, giai đoạn 1991-1995, việc nghiên cứu Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hai là: Đã bước đầu hình thành được lực lượng nghiên cứu Hồ Chí Minh tương đối đông đảo trong các viện nghiên cứu, trong các nhà trường, tạo thành một lực lượng chuyên nghiệp đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy và đã hình thành một chuyên ngành “Hồ Chí Minh học”. Cho đến nay, lực lượng đó đã có hầu khắp nước, trong tất cả hệ thống các trường chính trị, các trường quân đội, công an, các trường đại học và cao đẳng.
Ba là: Phương pháp nghiên cứu Hồ Chí Minh đã được chú ý cho phù hợp hơn, đúng đắn hơn. Những phương pháp nghiên cứu được sử dụng đã tuân thủ phép biện chứng duy vật, tôn trọng sự thật, liên hệ tổng thể, gắn với những điều kiện lịch sử cụ thể, v.v...
Song, nhìn nhận một cách nghiêm khắc thì công tác nghiên cứu Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều hạn chế.
Trước hết, vẫn còn nhiều tài liệu liên quan đến Hồ Chí Minh chưa được sưu tầm đầy đủ, chưa được xử lý một cách khoa học.
Hai là, còn khá nhiều “khoảng trống” về cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh chưa được làm rõ. Chính vì thế, vô hình trung có “đất trống” cho những kẻ xuyên tạc hoạt động mạnh.
Ba là, phương pháp nghiên cứu Hồ Chí Minh vẫn còn bị hạn chế. Những tài liệu của Hồ Chí Minh và về Hồ Chí Minh từ các nguồn khác nhau, trong đó đặc biệt là từ các kho lưu trữ, thật đáng quý. Nhưng, dù chúng đáng quý như thế nào đi chăng nữa thì cũng cần được thẩm định, được nhận thức một cách đúng đắn qua tư duy của người nghiên cứu. Một số người khi trình bày, thể hiện về Hồ Chí Minh không có được phương pháp phù hợp. Có không ít người viết về Hồ Chí Minh không theo lối viết giản dị, dễ hiểu như chính bản thân con người Hồ Chí Minh. Chỗ này của Hồ Chí Minh lẽ ra chỉ là thế này, đơn sơ, mộc mạc như thế này thôi thì người ta lại cứ “phóng” lên, có khi rất đại ngôn, hiện đại hoá. Điều mộc mạc của Hồ Chí Minh phát biểu đấy, nhưng mà lại làm cho ra phức tạp, khó hiểu (phức tạp hoá cái điều đơn giản). Có tác giả tư biện quá, hễ viết thì “nện” những câu, những đánh giá rất cao siêu, từ ngữ hoa lá, sáo rỗng, rồi ra dáng trừu tượng triết học khó hiểu. Mà như vậy kết quả là chỉ làm cho người đọc đi đến chỗ hiểu sai mà thôi. Đồng thời những điều đó làm cho những người có ý đồ xấu dễ đi đến xuyên tạc Hồ Chí Minh.
Trong nghiên cứu Hồ Chí Minh, điều thích hợp hơn cả là tuân thủ nguyên tắc lịch sử-cụ thể, là xem xét một cách toàn diện các mối liên hệ lịch sử cơ bản. Phải xem xét Hồ Chí Minh trong một chỗ đứng cụ thể và sự phát triển của các quan điểm của Hồ Chí Minh ra sao. Tôi cảm thấy rằng, phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, viết về Hồ Chí Minh cũng dễ mà cũng khó. Dễ là bởi vì những điều Hồ Chí Minh sống và làm việc, những điều Hồ Chí Minh nói và viết là những lời lẽ của bình dân. Khó là bởi vì, cuộc đời Hồ Chí Minh chính là phản ánh những điều cao cả qua những cái bình dị. Hồ Chí Minh như mọi người chúng ta mà thôi, nhưng cũng khác chúng ta bởi vì Hồ Chí Minh làm được tất cả những điều bình dị mà cao cả ấy một cách tự nhiên, hầu như dễ dàng như hít thở khí trời, như sinh ra là để làm những điều như vậy.
2. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền về Hồ Chí Minh.
Một là, đưa những vấn đề “Hồ Chí Minh học” vào trường học. Đây là một chủ trương hiện nước ta đang tiến hành. Song, cái khó nhất là làm như thế nào cho phù hợp với cấp độ của các hệ thống trường học, phương pháp ra sao. Rõ ràng là cần có sự nghiên cứu tổng thể để đề ra cho từng loại hình, có tính đến đặc điểm của chúng. Có khi những tranh vẽ, những thước phim về Hồ Chí Minh, những buổi tham quan di tích lịch sử liên quan đến Hồ Chí Minh lại có tác dụng rất lớn hơn là cứ giảng thao thao bất tuyệt trên bục giảng. Có được và thấm được những tri thức đúng đắn và tình cảm trong sáng vào trong đầu các thế hệ học sinh thì việc nhận thức đúng đắn và tự mình phản bác lại những luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh của những người xấu là điều không khó. Khi ai đó có mở mạng internet bắt gặp những thông tin, những bài xuyên tạc Hồ Chí Minh thì người ta có thể tự nhận thức một cách đúng đắn được ngay vì ở họ đã có sức đề kháng do được trang bị những tri thức chính xác, tình cảm trong sáng về Hồ Chí Minh.
Hai là, giáo dục, tuyên truyền trong các tổ chức của hệ thống chính trị một cách thích hợp. Nên tính tới đặc điểm của từng tổ chức trong hệ thống chính trị, từng lứa tuổi để có cách tuyên truyền thích hợp.
Ba là, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đối ngoại. Cần tăng cường giao lưu, hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật với những người nước ngoài, nhất là với những nhà nghiên cứu khoa học đang quan tâm tìm hiểu Hồ Chí Minh.
Bốn là, hình thành một tổ chức quần chúng rộng rãi về nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền về Hồ Chí Minh. Cần thiết nên thành lập “Hội nghiên cứu Hồ Chí Minh”. Đề nghị này xuất phát từ tình cảm của nhân dân và giới trí thức đối với Hồ Chí Minh; từ xu thế các hội quần chúng, hội nghề nghiệp đang có đà phát triển mạnh; từ yêu cầu phải nghiên cứu cả bề rộng lẫn bề sâu cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh; từ nhu cầu tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền sâu rộng Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam cũng như đối với người Việt Nam ở nước ngoài, v.v. Trong giai đoạn này, Đảng đang chỉ đạo tiến hành Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cho nên, việc có được một hội như Hội nghiên cứu Hồ Chí Minh là một yêu cầu cần thiết.
3. Nâng cao ý thức cảnh giác và tăng cường đấu tranh trực diện với các luận điệu xuyên tạc.
Các công trình khoa học đúng đắn về Hồ Chí Minh cả ở trong nước và ngoài nước được công bố tự nó là những mũi tiến công vào những luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh. Nhưng, chừng ấy thôi chưa đủ. Rất cần tới việc mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên phải tự nâng cao ý thức cảnh giác, không ngộ nhận trước những loại thông tin gọi là “mới” loan truyền trên mạng hoặc qua con đường rỉ tai nhau có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ về Hồ Chí Minh, về cả những bài viết, những tác phẩm đấu tranh trực diện để chống lại những luận điệu đó.
Có người cho rằng, những luận điệu xuyên tạc với cái tâm xấu ấy, những giọng điệu cực đoan, chửi rủa, mạt sát ấy không đáng để chúng ta viết bài chống lại; cách tốt nhất là hãy cứ “lờ” đi, chỉ cần có những công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh, đúng đắn về Hồ Chí Minh là đủ, v.v. Vấn đề không đơn giản như vậy. Trong tình hình hiện nay, rất cần thiết phải có những bài viết trực diện phản bác lại những luận điệu xuyên tạc cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đáng tiếc là “mặt trận” này xưa nay ở nước ta còn quá yếu ớt.
Cần chú ý đến đối tượng phản bác. Những người xuyên tạc Hồ Chí Minh thường có cái tâm xấu, hoàn toàn có quan điểm, lập trường khác chúng ta. Do vậy, không nên và không thể dùng quan điểm, lập trường Mác – Lênin để “đấu” với họ. Đồng thời, không nên lấy lời lẽ chửi rủa để đối lại lời lẽ chửi rủa của những người xuyên tạc. Những luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh của những người không có tâm lành thường là rất cực đoan. Sự phê bình nào cũng cần cái chất văn hóa, có như thế sự phê bình, phê phán mới ở tầm trí tuệ, mới có tác dụng. Những bài phê phán, phản bác sắc bén bao giờ cũng cần đi kèm với lối lập luận, với hành văn trong sáng, hấp dẫn, đầy tính nhân văn, hướng thiện, hướng cho người đọc vào cái đẹp của tình và lý. Điều này khác một trời một vực với kiểu lý lẽ đao to búa lớn, “hòn đá ném đi, hòn chì ném lại”.
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ xung kích đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh. Cần có những bài viết phản bác kịp thời. Muốn vậy, phải có bộ phận chuyên trách theo dõi để phối hợp hoạt động nhịp nhàng, chú ý cung cấp tài liệu kịp thời cho người viết. Kịp thời, đúng lúc là một nhân tố bảo đảm sự thắng lợi trong cuộc đấu tranh tư tưởng nói chung, nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhanh đến chóng mặt như hiện nay. Với công nghệ này, cần tận dụng các phương tiện một cách phong phú, hiệu quả. Chưa bao giờ mặt trận tư tưởng được mở rộng với nhiều phương tiện, hình thức như giai đoạn hiện nay. Người chiến sĩ trên mặt trận này hiện nay chưa bao giờ có được những lợi thế hành nghề như thế. Nhưng, lợi thế đó cũng nằm ở phía bên kia, mà có khi với điều kiện kinh phí, họ lại nhanh nhạy hơn chúng ta. Do vậy, phải có sự đầu tư thêm “vũ khí”, tức là phải chịu bỏ tiền ra để đầu tư “nâng cấp” các phương tiện. Phương tiện không phải là số 1, càng không phải là duy nhất, nhưng chúng có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng. Đương nhiên, phương tiện vẫn chỉ là phương tiện; cái phần quan trọng nhất phải là con người sử dụng phương tiện đó. Do vậy, cái lôgíc của vấn đề còn lại là ở chỗ, con người đó phải được đào tạo, phải được luôn luôn được bồi dưỡng, được tu dưỡng. Điều này đòi hỏi chất lượng người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Mà chất lượng này được tạo ra từ kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố./.
GS, TS. Mạch Quang Thắng
————————-
(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb ST, H, 1991, tr.127.
(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.6, 7