Thứ Sáu, 20/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 20/1/2016 21:4'(GMT+7)

Dạy giỏi, quản lý giỏi

Cô giáo Đỗ Thị Đậu

Cô giáo Đỗ Thị Đậu

Tôi đến Hội nghị tổng kết cuộc thi “Giáo viên chủ nhiệm giỏi” cấp Trung học cơ sở (THCS) ngày 12-1-2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vào một ngày mưa rét. Trong số 61 người dự thi đến nhận giải, tôi ấn tượng bởi một cô giáo đạt giải nhất có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt sáng đầy tự tin – cô giáo Đỗ Thị Đậu. Ấn tượng đầu tiên của tôi không chỉ bởi cô giáo có cái tên đặc biệt, mà còn bởi cô là 1 trong 5 người được Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô trao giấy khen “Có thành tích vượt khó khăn để hoàn thành tốt cuộc thi”. Cô là giáo viên trường THCS Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội – người vừa đạt giải nhất cuộc thi “Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp THCS” thành phố Hà Nội năm học 2015-2016.

 
Ông Lê  Ngọc Quang- PGĐ Sở Giáo dục Hà Nội trao giải nhất
cho cô giáo Đỗ Thị Đậu - GV trường THCS Di Trạch- Hoài Đức

 

Chia sẻ niềm vui này cô giáo Đậu thổ lộ: “Tôi thật bất ngờ và rất vui, bởi chỉ khi đến dự Hội nghị tổng kết này, tôi mới biết kết quả mình đạt giải nhất. Người đầu tiên tôi gọi điện báo tin là chồng tôi. Anh ấy là phi công quân sự, lái máy bay Su 30 đang công tác tại sân bay Biên Hòa, trực tiếp bảo vệ quần đảo Trường Sa. Mỗi năm chỉ về nhà được khoảng 1-2 lần…”

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết cô giáo là người huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, lấy chồng ở Từ Liêm (Hà Nội) nhưng cô nói giọng Bắc rất chuẩn. Vợ chồng cô sống cùng bố mẹ chồng và được ông bà thương yêu như con đẻ. Ông bà vẫn đỡ đần sớm tối việc đưa đón các cháu đi học, trông nom nhà cửa để các con yên tâm công việc.  

Qua tìm hiểu, tôi được biết đây không phải là lần đầu cô Đậu đạt giải trong các kỳ thi Giáo viên giỏi, mà đã từng đạt nhiều giải cấp huyện GVG môn Toán, GVG phần thi Thiết kế bài giảng E-learning. Khi được hỏi về lý do tham gia cuộc thi lần này, Cô Đậu chia sẻ: “Tôi là dân toán tin nên hiểu biết tương đối về công nghệ thông tin. Ở trường, tôi thuộc nhóm tuổi còn trẻ nên các cuộc thi Giáo viên giỏi, thiết kế bài giảng E-learning tôi đều tham gia nhiệt tình và lần nào cũng có giải. Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức cuộc thi “Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp THCS”, tôi muốn thử sức mình trong một lĩnh vực mới ngoài chuyên môn. Và tôi đã thành công. Đó là niềm vui nhỏ nhưng đã động viên tôi rất lớn trong công việc và là động lực để tôi phấn đấu hơn nữa…”

Trong công tác chủ nhiệm lớp, ngoài việc uốn nắn nề nếp học sinh, giáo viên chủ nhiệm còn phải thực hiện tốt tiết sinh hoạt cuối tuần, làm sao để tiết sinh hoạt ấy vừa tổng kết, khen chê trong tuần, khắc phục được những nhược điểm và đề ra kế hoạch tuần tới, lại giúp các em “học mà chơi”, vì thế mỗi tuần đều chọn một chủ đề có ý nghĩa để các em sinh hoạt. Để lọt vào vòng thi cấp thành phố, mỗi thầy cô phải trải qua vòng thi cấp huyện. Ở vòng thi này, vào dịp đầu tháng 11, cô Đậu đã chọn chủ đề “Tôn sư trọng đạo” để hướng các em vào những hoạt động thể hiện lòng biết ơn thầy cô qua phần giao ước thi đua giữa các tổ. Các em đã đặt lời mới theo các làn điệu dân ca, lồng ghép vào đó những việc làm của mình hàng ngày, chẳng hạn “Đến trường có nhiều niềm vui/ em vâng lời thầy em nhớ cô khuyên/ em quyết tâm trở thành trò ngoan…”, “Xếp quần áo cũ/ với bao sách vở/ với bao gói mì để tặng vùng sâu/ dù bao gian khó/ em cũng chẳng ngại đâu…” (theo điệu “Đi cấy”), sau đó tự dàn dựng bằng tiết mục múa hát dân ca. Có tổ thách thức thi đua bằng một bài thơ toàn chữ T, hay vẽ tranh theo ý tưởng của mình…  Nhờ vậy mà cô Đậu đã vượt qua 22 thí sinh cấp huyện để lọt vào vòng thi chung kết thành phố.

Ở vòng thi cấp thành phố, cô Đậu đã chọn chủ đề rất đặc biệt có tên “Thầy cô là chiến sĩ”. Tôi có thắc mắc tại sao cô giáo lại chọn chủ để này thì cô Đậu cho biết: “Vào vòng thi thành phố, lúc đó là ngày 22-11, vừa kết thúc đợt thi đua 20-11, lại chưa đến chủ điểm của tháng 12. Chọn chủ đề nào trong khi chỉ có 1 tuần chuẩn bị, đó là điều tôi suy nghĩ trăn trở rất nhiều. Được chồng gọi điện động viên thường xuyên và tâm sự chia sẻ. Chính từ sự chia sẻ ấy, tôi liên tưởng đến mối liên hệ mật thiết giữa người chiến sĩ và nghề giáo viên, ngẫm lại thấy giáo viên cũng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, lại nghĩ đến chồng tôi là bộ đội canh giữ đảo Trường Sa, tôi nảy ra ý tưởng chọn chủ đề “Thầy cô là chiến sĩ”. Chủ đề này vừa kết thúc hoạt động tháng 11 vừa mở ra chủ đề của tháng 12. Từ ý tưởng ấy, cả tổ chủ nhiệm của trường đã xây dựng một chủ đề hoàn chỉnh, có lớp lang, kịch bản rõ ràng.”

Nói về thuận lợi và khó khăn trong khi thực hiện chủ đề, cô Đậu chia sẻ: Thuận lợi lớn nhất là Ban giám hiệu tạo điều kiện và trường có cô Chu Thị Oanh đã từng đạt giải ba kỳ thi “Giáo viên chủ nhiệm giỏi” cấp thành phố cách đây 5 năm nên có đôi chút kinh nghiệm; Bên cạnh đó, Hội đồng sư phạm đều nhiệt tình giúp đỡ; các em học sinh thông minh sáng tạo và tài năng; cán bộ lớp thường xuyên điều hành các buổi sinh hoạt lớp như vậy nên dẫn chương trình rất tự nhiên, truyền cảm. “Xúc động nhất là cả lớp chia nhau cùng sưu tầm hình ảnh các các thầy giáo trên đảo xa, nơi biên giới. Có em còn sưu tầm clip về các lớp học ngoài đảo Trường Sa để giới thiệu cho các bạn lớp mình, và xúc động nghẹn ngào khi nói lên cảm xúc của mình khiến bản thân tôi và cả giám khảo cũng rưng rưng nước mắt. Các em còn nêu được hai tấm gương người thật việc thật của các thầy giáo trong trường: thầy Trần Đan Thành đã từng tham gia chống Mỹ, hiện là bệnh binh; thầy Nguyễn Danh Dương là giáo viên cắm bản đã 14 năm tại Mường Tè mới chuyển về trường từ đầu năm học. Đó chính là những tấm gương sống động nhất minh chứng cho chủ đề “Thầy cô là chiến sĩ”.

Còn khó khăn ư? Tôi cũng phải trải qua rất nhiều áp lực. Trường tôi đã có người từng đạt giải thành phố về mảng này, điều đó tôi buộc phải vượt qua. Còn việc gia đình, bố mẹ chồng tôi tuy rất ủng hộ và đỡ đần sớm tối, nhưng ông bà đã già, hai con tôi còn nhỏ (vẫn là học sinh Tiểu học), tôi phải sắp xếp thời gian sao cho hợp lý. Lại phải lựa cả phụ huynh học sinh vì ở môi trường nông thôn, ngoài giờ học các em còn phải làm thêm phụ giúp bố mẹ những việc vừa sức, thế nên vấn đề tranh thủ thời gian chuẩn bị là rất quý. Nhưng được Ban giám hiệu quyết tâm, tập thể hội đồng sư phạm nhà trường nhiệt tình, đặc biệt sự động viên thường xuyên của chồng tôi  và bằng cố gắng của bản thân, tôi đã vượt qua tất cả để có được thành công ngày hôm nay.”

Đạt giải cao nhất của cuộc thi, nhưng cô giáo vẫn rất khiêm tốn nói: “Với tôi, giải thưởng cao cũng rất vinh dự cho bản thân và cho nhà trường. Nhưng hơn cả là tôi yêu nghề hơn, hướng tình cảm đến một nửa của mình đang ngày đêm bảo vệ vùng trời của đảo xa. Tôi cũng rất vui khi thông qua chủ đề này, giúp cho học sinh biết được khó khăn của các bạn thời chống Mỹ phải học trong hầm, mang mũ rơm đến trường, có những giây phút xúc động khi tiễn thầy đi bộ đội. Tôi đã truyền cho các em niềm tự hào về thầy cô giáo – người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Qua những tấm gương người thật việc thật của các thầy giáo ở trường, các em biết kính trọng thầy cô hơn. Nhưng hơn cả, là tình yêu biển đảo, lòng yêu nước được bồi đắp qua chủ đề này.”

Chính vì những cố gắng ấy, ngoài giấy khen đạt giải nhất, cô Đậu còn được nhận giấy khen của Công đoàn ngành giáo dục Thủ đô vì đã cố gắng vượt hoàn cảnh khó khăn để tham gia cuộc thi. Hy vọng sau cuộc thi này, với 61 thầy cô giáo đã đạt giải của thành phố, ngành giáo dục Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện - học sinh tích cực” và cuộc vận động xây dựng “Nhà trường văn hóa - nhà giáo mẫu mực - học sinh thanh lịch”, góp phần vào đổi mới căn bản toàn diện giáo dục như Nghị quyết 29 của Đảng đề ra.

         Nguyễn Thị Diệp (CTV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất