Thứ Ba, 26/11/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 12/6/2012 21:21'(GMT+7)

Đẩy mạnh an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao tại Việt Nam

 Sau khi thực hiện thành công dự án giai đoạn 1 về "Hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về An toàn vệ sinh lao động ở Việt Nam" giai đoạn 2009-2011, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ thực hiện dự án "An toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao ở Việt Nam". Đây là một bộ phận trong Chương trình hợp tác đa-song phương ILO/Nhật Bản và là một cấu phần của Dự án "An toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao ở Khu vực Đông Nam Á".

Mục tiêu tổng thể của dự án là đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại Việt Nam thông qua thực hiện hiệu quả khung chính sách trong các ngành có nguy cơ cao (xây dựng, khai khoáng và hóa chất) và hỗ trợ nhóm lao động dễ bị tổn thương nhằm bảo đảm thực hiện công tác ATVSLĐ một cách bền vững. Bên cạnh đó, dự án sẽ tăng cường hợp tác về ATVSLĐ với các nước ASEAN và góp phần thực hiện Chính sách Một Liên hợp quốc tại Việt Nam. Dự án cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình hợp tác quốc gia về Việc làm bền vững giữa Việt Nam và ILO giai đoạn 2012-2016.

Trong ba năm thực hiện (2012-2014), dự án sẽ tập trung vào hai mục tiêu cụ thể: Nâng cao việc thực thi các tiêu chuẩn về ATVSLĐ trong những ngành có nguy cơ cao trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về ATVSLĐ lần thứ hai; Hạn chế, phòng ngừa những mối nguy cơ và độc hại do amiăng và các hóa chất khác gây ra đối với sức khoẻ của người lao động trên cơ sở phối hợp với Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới. Dự án hỗ trợ thành lập hệ thống các ban ATVSLĐ ba bên và nâng cao năng lực của người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức đại diện của họ trong việc phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; bảo vệ người lao động trong nhóm dễ bị tổn thương thông qua các công cụ tập huấn có sự tham gia của ILO và cải thiện hệ thống báo cáo tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp trên cơ sở phối hợp với Hệ thống bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp quốc gia. Đối tượng thụ hưởng của dự án sẽ là những người làm công tác ATVSLĐ, người lao động, người sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực kinh tế phi chính thức và nông thôn tại 5 tỉnh (Bắc Kạn, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Đồng Nai).

Cũng trong buổi sáng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ILO tổ chức Hội thảo triển khai dự án "An toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao tại Việt Nam".

Hội thảo khẳng định thực hiện tốt công tác ATVSLĐ là yếu tố then chốt nhằm đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả người lao động, phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Các đại biểu đều cho rằng: Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác bảo đảm ATVSLĐ, song do sự phát triển kinh tế, sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ và lực lượng lao động, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, người lao động tại các công trường xây dựng, trong các khu khai thác khoáng sản, và các doanh nghiệp hoá chất còn bị ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ do môi trường lao động bị ô nhiễm, thường phải tiếp xúc nhiều với bụi, hoá chất độc hại.

Hội thảo đề ra những giải pháp nhằm bảo đảm ATVSLĐ trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh tới cần xây dựng Luật về ATVSLĐ nhằm tăng cường tính thực thi luật pháp, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; xây dựng quỹ bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; tiếp tục triển khai Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ lần 2, tập trung vào các ngành có nguy cơ cao; xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ trong doanh nghiệp; tăng cường công tác huấn luyện ATVSLĐ và công tác thanh kiểm tra, có chế tài xử phạt nghiêm đối với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm.../.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất