Thứ Tư, 27/11/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 19/10/2018 10:1'(GMT+7)

Đẩy mạnh chống thất thu, nợ đọng thuế trong năm 2018

Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến.Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến.Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính như: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ cùng đại diện lãnh đạo: Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan, chi nhánh Kho bạc Nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Thu ngân sách tăng 13,7% so với cùng kỳ


Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2018 Quốc hội, Chính phủ giao, 9 tháng đầu năm 2018, tổng thu NSNN ước đạt 962.500 tỷ đồng, bằng 73% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng thu do cơ quan Thuế quản lý đạt 785.051 tỷ đồng, bằng 73,4% so với dự toán, bằng 113,6% so với cùng kỳ. Thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 146.850 tỷ đồng, bằng 82% so với dự toán, bằng 103,2% so với cùng kỳ.

Ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong 9 tháng cơ quan thuế đã thực hiện được 63.665 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 11.273,83 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.108,73 tỷ đồng; giảm lỗ là 17.781,8 tỷ đồng; tổng số tiền thuế đã đôn đốc nộp vào ngân sách là trên 6.400 tỷ đồng. Thực hiện các biện pháp đôn đốc nợ thuế, trong 9 tháng năm 2018 đã xử lý thu hồi được 25.382 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế. 

Các giải pháp chống thất thu của cơ quan hải quan (như thu hồi nợ thuế, thu từ công tác kiểm tra sau thông quan, chống buôn lậu, chống thất thu qua công tác xác định lại mã số, trị giá hàng hóa, C/O...) đạt 3.925,59 tỷ đồng. Trong đó: thu hồi và xử lý nợ thuế đạt 1.150,8 tỷ đồng; từ công tác xác định trị giá tính thuế đạt 178,3 tỷ đồng; từ công tác phân loại, xác định mã số HS đạt 399,7 tỷ.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, đạt được kết quả nêu trên, ngoài nguyên nhân do kinh tế tăng trưởng khá, tạo nguồn tăng thu cho NSNN, ngay từ những ngày đầu năm 2018 cơ quan thuế và cơ quan hải quan các cấp đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp có hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ Tài chính đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, hải quan; hiện đại hoá, nâng cao chất lượng phương thức quản lý thuế đối với công tác quản lý thu; minh bạch, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế (NNT) thực hiện pháp luật về thuế.

 

Ngành Tài chính cũng tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay từ đầu năm; triển khai quyết liệt công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, giám sát nợ, đảm bảo thực hiện rà soát, xác định chính xác số nợ thuế của từng người nộp thuế hàng tháng, thực hiện phân loại các khoản nợ thuế theo từng nhóm nợ để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu. 

 

Quyết liệt xử lý chây ỳ nộp thuế

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng còn nhiều việc phải làm để thực hiện tốt mục tiêu đề ra. Trong đó, các đơn vị cần quyết liệt các giải pháp công tác quản lý thu, chống thất thu, mở rộng cơ sở thuế, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý thu nhất là khu vực kinh tế dân doanh, kiểm soát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, triển khai quyết liệt các giải pháp thu nợ và cưỡng chế nợ  thuế, khai thác tăng thêm nguồn thu cho NSNN, phấn đấu vượt tối thiểu 3% so với dự toán thu đã được Quốc hội giao.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh:VGP/Huy Thắng.
Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp tốt hơn với UBND các tỉnh/thành phố, tiếp tục duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu NSNN tại địa phương; chỉ đạo cơ quan thuế, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương trong công tác quản lý đăng ký kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế... 

Các cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh, kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế, tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật thuế của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT thực hiện pháp luật về thuế, góp phần tăng thu cho NSNN.

Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế tập trung thực hiện quyết liệt, đầy đủ các nội dung theo đúng yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 về tăng cường công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế thu  hồi nợ thuế để giảm nợ đọng thuế. Cục Thuế các tỉnh, thành phố và các Chi cục Thuế tăng cường triển khai các biện pháp tại các quy trình nghiệp vụ về quản lý nợ thuế và cưỡng chế thu nợ thuế: Phân công, giao nhiệm vụ đôn đốc, cưỡng chế thu nợ cụ thể đối với từng CBCC; tăng cường kiểm tra rà soát, xác định đầy đủ số thuế nợ đọng của từng người nợ thuế; theo dõi sát tình hình kê khai, nộp thuế của người nộp thuế để thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nộp phù hợp.

Cơ quan thuế các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế. Công khai thông tin người nợ thuế chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của pháp luật. Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý thuế, quản lý nợ thuế, kiên quyết đấu tranh, phòng ngừa, xử lý kịp thời đối với những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu trong việc thực thi công vụ..

Cơ quan Hải quan cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục Hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế. Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan, đẩy mạnh hiện đại hóa hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực: quản lý, giám sát quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, thu thuế xuất nhập khẩu, cải cách thủ tục hành chính…

Hải quan cũng cần tiếp tục thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn nhập khẩu thường xuyên, kết hợp với việc đánh giá tính tuân thủ của doanh nghiệp, trong đó chú trọng những doanh nghiệp khai báo giá thấp, đột biến, đã phát hiện vi phạm. 

“Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp trực tiếp tác động đến nguồn thu, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, trong đó quyết liệt thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất”, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu./.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất