Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Bảy, 12/12/2015 10:43'(GMT+7)

Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam

Quang cảnh Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân Điện tử.

Quang cảnh Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân Điện tử.

Thực tế cho thấy, việc xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn là âm mưu thâm hiểm, lâu dài của các thế lực thù địch, trong đó thủ đoạn đánh vào cái gốc, vào nền tảng tư tưởng, vào yếu tố chính trị tinh thần, giá trị văn hóa, vào lãnh tụ của Đảng… là “ngón đòn” thâm hiểm nhất, nhằm làm mất uy tín của Đảng và các lãnh tụ, gây mất ổn định xã hội, từng bước hướng Việt Nam đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

Trong quá trình xây dựng, trưởng thành, thực hiện sứ mệnh lịch sử và vai trò lãnh đạo của mình, Đảng ta phải tiến hành nhiều công việc, trong đó việc Đảng ta phát động và tiếp tục tổ chức học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vấn đề hết sức quan trọng, hợp quy luật, phản ánh “ý Đảng hợp lòng dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời cống hiến không mệt mỏi cho dân, cho nước, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, để làm sao “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, như Người hằng mong đợi. Và bằng  “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, tín” của người cách mạng, Người được mọi người dân Việt Nam tin yêu, kính trọng, bạn bè quốc tế khâm phục. Người đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập cho dân tộc, tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược, đánh thắng hai đế quốc to, thu non sông về một mối…

Tư tưởng của Người là nguồn động viên, thôi thúc, tạo động lực để nhiều thế hệ người Việt Nam lên đường chiến đấu, hy sinh bảo vệ các giá trị cao quý, trường tồn của dân tộc, bảo vệ nhân phẩm và lương tri của nhân loại, giành thắng lợi trước những cuộc chiến tranh xâm lược bạo tàn của đế quốc thực dân. Đạo đức trong sáng, tác phong giản dị, gần gũi, tình cảm nồng ấm và thân thiện của Người có sức thuyết phục, cảm hóa to lớn. Người không chỉ được nhân dân Việt Nam, những người yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới tin yêu, ngưỡng mộ, mà cả những người ở bên kia chiến tuyến cũng luôn tôn kính, khâm phục.

Nhân dân Việt Nam ghi lòng tạc dạ, đời đời ghi nhớ công lao to lớn của Người. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, tác phong của Hồ Chí Minh thực sự là tấm gương mẫu mực được toàn dân ngưỡng mộ, tin tưởng, tự nguyện noi theo và đã trở thành giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh là lãnh tụ của dân tộc, được UNESCO vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Những giá trị văn hóa, nhân văn Hồ Chí Minh được bảo tồn và phát huy bồi đắp qua bao năm tháng; tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành giá trị văn hóa trong tài sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh có vai trò hết sức to lớn. Thực tiễn sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, trong những năm đổi mới nói riêng đã chứng tỏ rằng, không những Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng; là ngọn đuốc soi đường, dẫn dắt chúng ta trên mỗi chặng đường xây dựng và phát triển đất nước; ngọn cờ bách chiến bách thắng của cách mạng Việt Nam. Đó là sức mạnh tập hợp và đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta hôm nay và mai sau, đưa dân tộc ta “bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Những người cộng sản và nhân dân Việt Nam không bao giờ coi tư tưởng Hồ Chí Minh “là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm, trái lại chúng ta tin tưởng rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(1).

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh: Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh của những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để các thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo. Vì thế, Đảng ta đã phát động và đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhiệt tình hưởng ứng một cách tự nguyện, tham gia tích cực, đạt được những kết quả quan trọng, nhất là trong công tác xây dựng Đảng, góp phần làm cho Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Tuy vậy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong những năm qua chưa đều, chưa đi vào chiều sâu ở nhiều ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; một số nơi thực hiện còn mang tính hình thức. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trong đó cần đưa việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức thành một nội dung quan trọng trong mục tiêu “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”-như Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã nêu. Cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, địa phương, đơn vị..., gắn với đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nhiều thập kỷ qua, đã có bao mưu ma chước quỷ của các thế lực thù địch, phản động nhằm hạ thấp uy tín, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, song đều dẫn đến thất bại. Hiện nay, một số người đang nhân danh “nghiên cứu khoa học”, mưu toan “xét lại lịch sử”… chắc chắn cũng sẽ dẫn đến kết cục bẽ bàng. Lịch sử bao giờ cũng khách quan và công bằng. Ai đó cố tình ngụy tạo để phục vụ mưu đồ xuyên tạc lịch sử, nhằm đạt mục đích riêng, cũng không thể làm giảm ý nghĩa to lớn, các giá trị của cách mạng Việt Nam, đã được Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh và nhân dân ta khẳng định.

NGUYỄN VĂN CẦN/QĐND

------------------

(1). V.I. Lê-nin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t.4, tr. 232.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất