Nhiều năm nay, người dân phương
Tây liên tục tiếp cận với nhiều đánh giá mặt trái của truyền thông trên
xứ sở của họ. Gần đây nhất, ngày 31-10-2015, tờ Thế giới (Die Welt) đăng
bài Hỏi năm người thì một người gọi là “báo chí dối trá” (Jeder Fünfter
nennt deutsche Medien “Lügenpresse”). Theo đó, Viện nghiên cứu dư luận
Infratest Dimap tiến hành một cuộc thăm dò theo đơn đặt hàng của WDR -
một đài phát thanh và truyền hình công cộng. Kết quả thăm dò chỉ ra “20%
số người được hỏi cho biết, họ sẽ sử dụng khái niệm “báo chí dối trá”,
khi nhắc đến báo chí, phát thanh và truyền hình”. “Báo chí dối trá” là
“từ ngữ bất hảo của năm” được Tổ chức chăm lo giữ gìn và phát triển
tiếng Ðức (GfdS) bình chọn năm 2014. Đến cuối tháng 10-2015, cùng nội
dung tương tự, nhiều tờ báo, tạp chí và cả truyền hình (như đài N24) đã
đăng bài về kết quả khảo sát. Trước đó, ngày 24-6-2015,
phiên bản điện tử tờ Thời gian có đăng bài Phê phán truyền thông: người
Đức tin ít vào truyền thông (Medienkritik: Deutsche haben wenig
Vertrauen in die Medien). Phần mở đầu bài báo cho biết “Thông tin sai
lạc, thiên vị, khảo sát tồi tệ - đó là kết quả của cuộc khảo sát của tờ
Thời gian - một số điểm phê phán việc đưa thông tin chính trị. Niềm tin
giảm sút” và kết luận: “Sự mất lòng tin về giới truyền thông ở Đức là
rất lớn và đang phát triển lên. Đây là kết quả một nghiên cứu về sự tin
tưởng phương tiện truyền thông, đã được thực hiện qua Infratest dimap
theo đơn đặt hàng của tờ Thời gian. Phần lớn người được hỏi cho biết họ
rất thiếu tin tưởng vào phương tiện truyền thông, cụ thể là 60%, trong
đó 53% tin rất ít, 7% hoàn toàn không tin. Chỉ có bốn trong mười người
CHLB Đức có niềm tin “rất lớn, hay lớn” vào các phương tiện truyền thông
chính trị. Khoảng một phần tư số người được hỏi cho rằng lòng tin của
họ vào phương tiện truyền thông đã giảm trong các năm gần đây”. Kết quả
khảo sát này tiếp tục được công bố trong chương trình văn hóa Đài phát
thanh Đức (Deutschlandradio Kultur) ngày 24-6-2015, tờ Huffington Post phiên bản tiếng Đức ngày 25-6-2015, Tấm gương hàng ngày (Tagesspiegel) ngày 24-6-2015,…
Giáo
sư Xã hội học ở Mu-ních là U. Bếc (U.Beck - đã giảng dạy ở Mu-ních,
Luân-đôn, Pa-ri, ông nổi tiếng qua cuốn Xã hội có rủi ro -
Risikogesellschaft, xuất bản 1986, đã dịch ra 35 ngôn ngữ, ông qua đời
ngày 1-1-2015), hoàn toàn có lý khi nói: “Dù có không chủ ý, thì cuộc
chiến tranh Kô-sô-vô (Kosovo) tiến hành được là nhờ dựa vào sự liên minh
giữa Khối Bắc Đại Tây Dương NATO và Tổ chức ân xá quốc tế”. Trường hợp
tương tự là chiến dịch truyền thông tổ chức trước khi Mỹ và đồng minh
tiến hành chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất (1991), vẫn được nhắc tới
như thí dụ về nguyên nhân sự mất lòng tin với truyền thông ở phương Tây,
hay khi truyền thông bị thế lực chính trị điều khiển và lợi dụng. Sách
báo ở phương Tây gọi đó là chiến dịch “dối trá về lồng ấp trẻ sinh non”
(Brutkastenlüge). Để lôi kéo mọi người ủng hộ việc tiến hành chiến
tranh, công ty chuyên làm PR ở Mỹ là Hill & Knowlton được thuê với
số tiền 14 triệu USD nhằm xây dựng các sự kiện để hợp pháp hóa cuộc
chiến do Mỹ tiến hành, một phần tiền chi cho việc này là của Chính phủ
Mỹ. Con gái 15 tuổi của ông Đại sứ Cô-oét (Kuwait) ở Mỹ khi đó được chọn
là người đóng kịch. Nước mắt đầm đìa, cô tường thuật trước một Ủy ban
nhân quyền Quốc hội Mỹ rằng, trong tháng 8-1990, cô đang làm y tá tại
bệnh viện Al-Adnan tại thành phố Cô-oét (Kuwait Cyti) đã chứng kiến cảnh
binh lính I-rắc súng trong tay xông vào bệnh viện, lôi trẻ sinh non ra
khỏi lồng ấp, ném xuống nền nhà! Sự kiện này gây nên một cuộc tranh luận
về sự cần thiết hay không cần thiết để tiến hành cuộc chiến. Sau "tường
thuật" động trời này, trong năm tuần lễ, Tổng thống G.Bút (G.Bush) đã
sáu lần nhắc lại trước công chúng. Ba tháng sau khi chuyện bịa đặt được
phát đi, ngày 19-12-1990, Tổ chức ân xá quốc tế (Amnesty International)
đã ra bản báo cáo dày 84 trang về tình trạng vi phạm nhân quyền của
I-rắc, trong đó có chuyện... “lồng ấp trẻ sinh non”. Ngày 27-11-1990,
cùng một người tự nhận là bác sĩ phẫu thuật đã tham gia chôn xác 40 trẻ
sinh non bị giết chết theo cách tương tự, con gái đại sứ Cô-oét nhắc lại
chuyện bịa đặt trước Hội đồng Bảo an LHQ. Ngày 8-1-1991, một người lãnh
đạo của Tổ chức ân xá quốc tế tiếp tục nhắc lại trong phiên điều trần
trước một Ủy ban của Thượng viện Hoa Kỳ. Ngày 12-1-1991,
Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu với 52 phiếu thuận, 47 phiếu chống, cho
phép tiến hành cuộc chiến, và Hạ viện Hoa Kỳ cũng bỏ phiếu với 250 phiếu
thuận, 183 phiếu chống.
Cho đến khi kết thúc cuộc chiến, sự thật
bị phanh phui khi hai y tá từng làm việc trong bệnh viện nói trên kể
lại: Sự việc đã không xảy ra trong thực tế, người được cho là nhân chứng
chưa bao giờ làm việc ở đó, nhất là vì cô ấy mới ở độ tuổi trăng tròn,
mà trong bệnh viện chỉ tuyển dụng những người đến tuổi trưởng thành. Về
chiến dịch truyền thông đầy tính bịa đặt kể trên, ngày 21-5-2010, tờ Báo miền nam Đức (Süddeutsche Zeitung) đã có bài Những bong bóng lời nói bẩn thỉu (Schmutzige Sprechblasen).
Một
nguyên nhân khác làm mất lòng tin của bạn đọc là thói đạo đức giả, mà
nổi lên là hiện tượng một số người làm truyền thông luôn giương cao ngọn
cờ “dân chủ”, hô to khẩu hiệu “nhân quyền” nhưng chính họ lại chà đạp
thô bạo lên nhân quyền. Thời gian qua, một điển hình xấu thường xuyên
được đưa ra trước dư luận là đài BBC. Như Đài truyền hình công cộng số 1
của Đức ARD đăng trên mạng của mình bài: Biên niên sử - Bê bối của BBC
theo số liệu cho đến ngày 22-10-2015 (Chronologie Der BBC-Skandal in
Daten Stand 22-10-2015), bài báo viết: “Trong nhiều tháng qua, BBC luôn
bị chỉ trích vì vụ bê bối lạm dụng chung quanh cựu dẫn chương trình là
Jimmy Savile - người đã bị cáo buộc lạm dụng hơn 300 trẻ em trong nhiều
năm”. Và trước thực tế một số người làm báo tự do không có công việc ổn
định nhưng lại sống xa hoa với “nhà cao cửa rộng”, những người lao động
chân chính đặt câu hỏi: Họ lấy tiền đâu ra? Có thể tờ Huffington Post
phiên bản tiếng Anh sẽ cung cấp câu trả lời qua bài Ông sếp của hãng tin
AP: Bush đã biến quân đội thành cỗ máy tuyên truyền (AP CEO: Bush
Turned Military Into Propaganda Machine). Theo đó, từ năm 2003, Lầu năm
góc đã được tăng 63% ngân sách cho “hoạt động gây ảnh hưởng”, riêng năm
2008 là 4,7 tỷ USD. Số tiền đó sử dụng như thế nào, đến nay vẫn là điều
bí mật?
Tình trạng đạo đức giả còn thể hiện rất rõ khi truyền
thông phương Tây sử dụng cái gọi là “tiêu chuẩn kép” để truyền bá tin
tức. Chẳng hạn, dù cái chết của hơn 100 người trong cuộc tiến công khủng
bố mới đây ở Pa-ri rất quan trọng và cần trừng trị kẻ gây tội ác, thì
không thể vì thế mà truyền thông phương Tây hầu như đã quên cái chết của
hàng vạn dân thường Xy-ri, I-rắc, Ly-bi-a,… Và không thể không đặt câu
hỏi: Tại sao trước khi Liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu triển khai các
hoạt động quân sự ở Xy-ri thì truyền thông phương Tây lại thi nhau công
bố các số liệu, hình ảnh được xem là các bằng chứng các nấm mồ tập thể
và các vụ tiến công nhằm vào khu vực dân cư của lực lượng chính phủ
Xy-ri, sau đó lại ít nhắc tới cái chết của bao nhiêu dân thường sau khi
các cuộc tiến công do Liên quân quốc tế tiến hành? Đó cũng là câu hỏi mà
ông M.Ha-xan (M.Hasan) - Giám đốc chính trị của tờ Huffington Post, đưa
ra trong bài Là người Hồi giáo, tôi ngấy đến tận cổ thói đạo đức giả
của các trào lưu chính thống về tự do ngôn luận! (As a Muslim, I’m fed
up with the hypocrisy of the free speech fundamentalists) đã đăng ngày 13-1-2015
trên trang newstatesman.com. Ông viết: “Thế sao quý vị luôn im lặng về
các tiêu chuẩn kép quá lộ liễu đó? Quý vị không biết rằng năm 2008 tờ
Charlie Hebdo đã sa thải họa sĩ biếm họa người Pháp M. Sinet vì có phát
biểu bị cáo buộc chống Do thái? Chẳng nhẽ quý vị lại không thấy bất bình
thường khi Jyllands-Posten, tờ báo Đan Mạch là nơi đã đăng biếm họa nhà
tiên tri Mohamed năm 2005, từng cấm đăng các tranh biếm họa Chúa Jesus
vì e ngại sẽ “gây một làn sóng phản đối” và từng tự hào tuyên bố “trong
mọi trường hợp sẽ không xuất bản các tranh giễu cợt Holocaust (dân Do
thái bị Đức Quốc xã tàn sát)?”…”.
Cuộc khủng hoảng ở U-crai-na đã
gây nhiều ảnh hưởng cho xã hội tại châu Âu nói chung và tại Đức nói
riêng về phương diện chính trị, kinh tế, quân sự… Với hệ thống truyền
thông, có thể coi đây là “đỉnh cao” của cuộc khủng hoảng niềm tin từ
nhiều năm nay. Ngày 17-12-2014, Đài truyền hình NDR, một đài truyền hình
công cộng đăng trên cổng thông tin điện tử của mình bài viết Nghiên cứu
của Zapp: Niềm tin vào giới truyền thông đã giảm sút (ZAPP Studie:
Vertrauen in die Medien ist gesunken). Zapp là tên một chương trình do
truyền hình NDR thực hiện đều đặn từ ngày 14-4-2002,
với thời lượng phát sóng mỗi lần 30 phút. Trong bài, NDR cho biết:
“Trong năm 2014, Zapp đã bận tâm nhiều về các phê phán trong việc đưa
tin về U-crai-na. Ban biên tập Zapp cũng bàn luận nhiều về hiện tượng
này. Họ quyết định tiến hành một nghiên cứu để làm sáng tỏ các lý do dẫn
đến cuộc khủng hoảng lòng tin đã được dự đoán, vì cần tìm ra (nếu có)
để xem lòng tin vào phương tiện truyền thông đã biến mất đến mức độ nào.
Bởi sự tin tưởng vào những bản tin được đưa ra là điều kiện không thể
thiếu trong công việc của các nhà báo. Kết quả cuộc điều tra đã đưa ra
những con số báo động”.
(Còn nữa)
HỒ NGỌC THẮNG
Theo Nhân Dân