Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chủ Nhật, 22/11/2015 21:26'(GMT+7)

Tổ chức khủng bố Việt tân không thể chối bỏ tội ác (Kỳ 2)

 Trong chiến tranh, Minh mang quân hàm “đề đốc - chuẩn tướng hải quân Việt Nam Cộng hòa”. Theo R. Armitage (R. Ác-mi-ta-giơ) - người đã sống ở Việt Nam khá lâu, sau là quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Chính quyền Tổng thống R.Reagan (Ri-gân), giám sát chính khu vực Đông - Nam Á; thời Chính quyền Tổng thống G.H.W Bush (G.Bu-sơ), ông là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) thì Minh là “chiến binh có tiếng”. Nhưng năm 1975 khi sang Mỹ, Minh rơi vào tình cảnh thiếu thốn, chỉ có 200 USD trong tài khoản ở một ngân hàng Hàn Quốc và chút ít vàng. Dù có bạn bè ở Mỹ nhưng ông ta bắt đầu cuộc sống mới bằng nghề khuân vác thuê, thợ sơn nhà. Trên giấy tờ, ông ta khai mình là người “không quốc tịch”.

Thời gian đó, Minh tiếp xúc với người Việt trong cộng đồng Tiểu Sài Gòn và nhận thấy nhiều người trong số họ vẫn khao khát phản kháng và trả thù. Bỏ nghề sơn nhà, năm 1981 Minh tới Fresno (Phre-xnơ) để thực hiện kế hoạch cùng với nhóm “cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hòa” và số người còn nuôi hy vọng về một cuộc chiến tranh nữa ở Việt Nam. “Mặt trận” thành lập, Minh là người lãnh đạo với quyết tâm lật đổ chính quyền Việt Nam. Để phát triển quân đội, Minh không chỉ tuyển người tại Mỹ mà sử dụng các quan hệ cũ để xây dựng mạng lưới lính tình nguyện từ người tị nạn. Ông ta thiết lập căn cứ cho “mặt trận” ở vùng rừng núi đông bắc Thái-lan. Tại đây, lính mới được rèn luyện, chờ thời cơ đến sẽ tiến hành chiến tranh du kích ở Việt Nam.

Về sơ đồ tổ chức của “mặt trận”, theo một thành viên sáng lập là Đỗ Thông Minh thì Hoàng Cơ Minh là lãnh đạo tối cao. Ông ta cùng cấp phó là Lê Hồng cùng sống trong căn cứ trên đất Thái-lan. Tại Mỹ, ủy ban điều hành khoảng 10 người do một cựu đại tá quản lý việc gây quỹ, tuyên truyền, thành lập chi hội ở châu Âu, Canada (Ca-na-đa), Australia (Ô-xtrây-li-a), châu Á. “Mặt trận” tìm mọi cách để kiếm tiền, không loại trừ sử dụng thủ đoạn để ép buộc người Việt ở Mỹ phải góp tiền. Theo một biên bản được FBI ghi lại thì các đặc vụ ở San Francisco nhận được thông tin rằng, “mặt trận” sử dụng “tống tiền và biện pháp phi pháp khác để góp nhặt và xin tiền”. Cũng theo FBI, thì số tiền “mặt trận” kiếm được ước tính lên đến vài triệu USD…

Vụ ám sát điển hình nhằm vào nhà văn Lê Triết khi ông này cùng vợ về nhà sau một bữa tiệc tối 22-9-1990. Triết và vợ đã chết khi một loạt đạn cỡ 9 ly bắn qua cửa sổ xe hơi. Các nhà điều tra nhận định đây là vụ tiến công chuyên nghiệp. Lê Triết làm việc cho tờ nguyệt san Văn nghệ tiền phong, phụ trách một chuyên mục về văn chương và có thái độ khinh thị đối với “mặt trận”. Là người chống cộng nhưng ông hoài nghi “mặt trận” và các lãnh đạo của tổ chức này, thường xuyên chỉ trích “mặt trận” tìm mọi cách gây quỹ. Theo tài liệu của FBI, trước khi bị sát hại, nhà văn này đã bị “mặt trận” xúc phạm và đe dọa, ông phải mang theo súng khi đi làm, liên tục thay đổi tuyến đường đi. Ông cũng từng gặp các chỉ huy của "mặt trận" tại một ngôi nhà ở Frederick (Phre-đơ-rích) và thẳng thừng từ chối lời đề nghị thôi chỉ trích tổ chức này.

Để tuyên truyền cho hoạt động của tổ chức và thuyết phục cộng đồng người Việt tại Mỹ tài trợ cho cuộc chiến tranh do “mặt trận” phát động, báo chí là phương tiện được khai thác triệt để. Bởi thế, khi xuất hiện các nhà báo như Lê Triết lên tiếng hoài nghi thì “mặt trận” liền dùng bạo lực đe dọa. Những thông tin về việc bị tiến công, giết hại được gửi đến các phương tiện truyền thông tiếng Việt, trong đó có nêu đích danh năm nhà báo thường đả kích “mặt trận”. Hai người trong đó đã bị giết. Theo Nguyễn Tú A, chủ bút Viet Press - một tờ báo ở quận Cam, thì các thành viên của “mặt trận” quấy rối các nhân viên tờ báo, gây sức ép với các doanh nghiệp để buộc họ phải gỡ bỏ quảng cáo cho đến khi tòa soạn đóng cửa. Ông nhớ lại: “Tôi tin rằng mình đã thiệt hại khoảng 84.000 đô-la”.

Những vụ tiến công, sát hại diễn ra ở nhiều nơi. Đó là cái chết của Phạm Văn Tập - điều hành tạp chí giải trí Mai. Sau vụ án mạng, một tuyên bố được gửi đến giới báo chí nói rằng Tập bị giết vì ông là kẻ tham lam, ủng hộ những người cộng sản bằng việc đăng quảng cáo. Đó là Dương Trọng Lâm bị giết vì có thiện cảm với chính quyền Hà Nội. Nguyễn Đạm Phong thì công bố nghiên cứu về sự thật của “mặt trận”. Ông coi Hoàng Cơ Minh là kẻ gian lận, lừa bịp, gọi Minh và những kẻ tin theo là “lũ hề”. Ông chỉ ra lỗ hổng trong đoạn phim về đội quân của Minh đã được phát sóng toàn nước Mỹ và đăng bài viết trên tờ Tự do với nhan đề Sự thực về đề đốc Minh trở về Việt Nam. Theo Tú Nguyễn, con trai của Nguyễn Đạm Phong, thì “mặt trận” đã cố bịt miệng cha của anh bằng tiền hay lời đe dọa nhưng đều không thành công. Tại buổi gặp gỡ giữa Nguyễn Đạm Phong với lãnh đạo “mặt trận”, một tối hậu thư đã được đưa ra: hoặc dừng lại, hoặc là chết. Vài ngày sau đó Nguyễn Đạm Phong bị bắn chết.

FBI nghi ngờ “mặt trận” đã sử dụng tên giả là VOECRN (viết tắt Vietnamese Organization to Exterminate Communists and Restore the Nation - tạm dịch là: “Tổ chức của người Việt Nam diệt trừ cộng sản và phục hồi quốc gia”). Họ cố tình che giấu vai trò trong các vụ tiến công nhà báo nhưng không kết quả. K.Tang-Wilcox (K.Tang-uyn-coóc), cựu đặc vụ chỉ huy cuộc điều tra của FBI, cho biết: “Những gì cho thấy mối quan hệ giữa chúng là các thông điệp”, “có những lời đe dọa giết người, các vụ tiến công, vụ giết người”. Tang-Wilcox đề cập thông tin từ nhiều cựu thành viên của “mặt trận”, nói tổ chức này đã lập ra một đội sát thủ có mật danh là K-9. Ở FBI có nhiều báo cáo chi tiết về mối liên hệ giữa K-9 với các vụ giết người cụ thể. Bà tin “mặt trận” đã ra tay với vợ chồng Lê Triết, Nguyễn Đạm Phong. Một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hòa vốn là thành viên của “mặt trận” nói ông biết những người chịu trách nhiệm về cái chết của Nguyễn Đạm Phong, và chưa từng có người thực thi pháp luật nào ở Mỹ thẩm vấn ông.

ProPublica và Frontline đã tìm thấy năm thành viên của “mặt trận”, trong đó có Trần Văn Bé Tư. Những người này thừa nhận nhóm sát thủ K-9 đã ra tay sát hại các nhà báo và người phản đối “mặt trận”. Bé Tư là người chống cộng cực đoan. Ông ta cho biết được tuyển chọn tham gia K-9 nhưng không đồng ý, dù rất ngưỡng mộ. “K-9 làm tốt lắm, họ là dân chuyên nghiệp mà”, ông ta nói. “Họ chưa bao giờ bị tóm gáy”. Ông ta cũng nghĩ K-9 đã giết Nguyễn Đạm Phong, có khả năng là chịu trách nhiệm về cái chết của Phạm Văn Tập, Lê Triết cùng vợ. Nhiều năm sau, cựu thành viên “mặt trận” và những người tự coi mình là nạn nhân của tổ chức này vẫn sống tại California và Virginia, Houston và New Orleans (Niu Oóc-lin). Họ chọn sự im lặng, thường là sợ hãi vì không muốn dính vào rắc rối. Đoàn Văn Toại, một người thường chỉ trích “mặt trận” trên mặt báo đã ngừng viết, lui vào ở ẩn sau khi bị bắn gần nhà vào năm 1989. Tam Nguyen là ký giả ở San Jose (Xan Giô-xê) từng bị hành hung đã nói, thời của khủng bố là “ký ức đau đớn tôi đã cố gắng chôn sâu”. Nguyễn Xuân Nghĩa từng là người phát ngôn của “mặt trận”, sau nhiều trò chuyện cuối cùng cũng thừa nhận đã có một phe phái chủ trương bạo lực trong tổ chức, ông ta đã từng tham gia một cuộc họp bàn việc ám sát một biên tập viên báo chí nổi tiếng ở quận Cam. Còn gia đình các nạn nhân, như Tú Nguyễn - con trai của Nguyễn Đạm Phong, cho biết “Chúng tôi chỉ muốn có câu trả lời”, ông nói: “Chỉ thế thôi”.

Dương Trọng Lâm bị giết ngày 21-7-1981. Chỉ 24 giờ sau đó, cảnh sát điều tra của San Francisco đã viết ra một danh sách ngắn những nguyên nhân có thể giải thích vì sao ông bị bắn chết bên ngoài căn hộ của mình, trong đó có vài nguyên nhân thường gặp như vì tình, vì tiền… Nhưng hồ sơ của cảnh sát cũng cho thấy các thám tử có lý do để xem xét từ nguyên nhân chính trị. Lâm và tờ báo của ông được xem là có cảm tình với cộng sản Việt Nam. Và Lâm từng nhận được lời đe dọa từ những người trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt vốn coi Lâm là kẻ phản bội. Vài ngày sau khi Lâm chết, một thư nặc danh đã được gửi đến tòa soạn nói rằng Lâm bị trừng trị vì ủng hộ cộng sản. Bạn bè của Lâm viết đơn gửi cảnh sát địa phương và FBI, trích dẫn thư này và đặt ra giả thuyết rằng giết Lâm là một phần của việc mở rộng hành vi bạo lực với động cơ chính trị. Các công tố viên liên bang đã chất vấn FBI việc giết Lâm có phải là “một hành động có thể là khủng bố”. Nhưng FBI kết luận không phải vì lý do chính trị. Nhiều năm điều tra một chuỗi tội ác tương tự, cuối cùng các điều tra viên cũng nhận ra sai lầm: Lâm chỉ là một trong nhiều nhà báo người Mỹ gốc Việt bị sát hại bởi “mặt trận” - tổ chức nuôi giấc mơ một ngày nào đó chiếm lại Việt Nam, và sẵn sàng thủ tiêu bất cứ ai thách thức nó.

Năm 1995, hơn 20 vụ án được hợp vào “vụ án lớn”, một đội điều tra truy tìm manh mối được thành lập, nhưng việc khởi tố hình sự không diễn ra. ProPublica và Frontline xem xét các cuộc điều tra của địa phương và liên bang với “mặt trận”, và thấy nhiều manh mối bị bỏ qua, do đó không thể tìm ra đủ bằng chứng để tiếp tục. Chúng tôi tiến hành phỏng vấn năm người trực tiếp tham gia cuộc điều tra của FBI cũng như của cảnh sát địa phương; tìm được các hồ sơ vụ án đã 30 năm tuổi, báo cáo điều tra từ bảy vùng lãnh thổ; nói chuyện với ít nhất 10 người được xác định trong các hồ sơ như là nghi phạm của vụ án. Người chỉ huy nhóm điều tra của FBI trong nhiều năm, bà Tang-Wilcox nói rằng cuộc điều tra là một ung nhọt, dẫn đến việc nghỉ hưu của bà, nhưng bà không nghĩ nó cần phải dừng lại. Từ cách thức các điều tra viên tiến hành với vụ án Dương Trọng Lâm, ProPublica và Frontline nhận ra nhiều năm trước những người thực thi pháp luật đã có thiếu sót nghiêm trọng. Hendrix (Hen-đrít) và Sanders (Xan-đơ) là thám tử của Sở cảnh sát San Francisco không nghĩ nhiều tới động cơ chính trị phía sau việc ám sát Lâm và họ nghĩ đây là kết quả tranh chấp tiền bạc. Nancy Dương (Nan-ci Dương) - em gái của Lâm, cho biết cô nói với các nhà điều tra có thể quan điểm chính trị của Lâm là nguyên nhân dẫn tới cái chết của anh. Bản thân cô cũng đã bị đe dọa, khi một người đàn ông chĩa súng vào đầu cô, rồi nói: “Mày là đồ Việt cộng! Hãy cút khỏi đất nước này”. Cô chia sẻ với họ về lời đe dọa, về cuộc điện thoại gọi đến nhà cô để nhận trách nhiệm về cái chết. Song bản ghi cuộc thẩm vấn mà Hendrix và Sanders tiến hành cho thấy bất đồng ngôn ngữ là rào cản của sự tiếp xúc. Theo Trang Q. Nguyễn, nhà tư vấn các đơn vị truyền thông tiếng Việt ở Nam California, thì “có một rào cản văn hóa, và mọi người sợ nói”.

(Còn nữa)

Tổ chức khủng bố Việt tân không thể chối bỏ tội ác (Kỳ I)




Thanh Liêu (Lược dịch)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất