Thực hiện lời kêu gọi của Bác, 67 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã trở thành nhân tố quan trọng làm nên những kỳ tích vĩ đại của dân tộc ta, cả trong cuộc chiến tranh vệ quốc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp, xây dựng, giao thông, quốc phòng an ninh đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội v.v… đã xuất hiện rất nhiều các phong trào thi đua yêu nước và tiếp tục phát triển, không chỉ góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, xã hội của đất nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà còn nêu cao tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, xây dựng đạo đức, nếp sống mới, đề cao phẩm chất con người mới trong xã hội ta.
Trong các phong trào thi đua yêu nước, công tác tuyên truyền có vai trò, vị trí rất quan trọng, tuyên truyền là nội dung chủ yếu trong tổ chức thi đua xã hội chủ nghĩa, là một trong những hình thức cơ bản của công tác tư tưởng nhằm truyền bá những quan điểm, tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về thi đua yêu nước đến quần chúng, hướng dẫn, động viên quần chúng hành động cách mạng, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước lên một tầm cao mới, thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Công tác tuyên truyền thi đua yêu nước đã thực sự trở thành mũi nhọn xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng, tạo ra động lực chính trị tinh thần to lớn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; động viên và và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn.
Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, những năm vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội phong phú, đa dạng và thu được nhiều kết quả. Tuy nhiên, ở một số nơi, công tác tuyên truyền thi đua yêu nước còn chưa được coi trọng đúng mức, chưa tiến hành thường xuyên, liên tục mà chỉ tập trung vào một thời điểm, vì vậy chất lượng, hiệu quả chưa cao. Nội dung tuyên truyền còn đơn điệu, hình thức chưa phong phú, đa dạng. Những nội dung cần truyền tải của các phong trào thi đua yêu nước chưa đến được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chính vì những hạn chế của công tác tuyên truyền, nên còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nắm bắt được đầy đủ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về thi đua, khen thưởng cũng như chưa nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức phát động và thực hiện các phong trào thi đua, do đó chưa tích cực, tự giác tham gia. Nhiều phong trào thi đua của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị chưa được tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục về nội dung, tiêu chí, hình thức, biện pháp thi đua nên sức lan tỏa của các phong trào thi đua nay không cao, không thu hút được đông đảo mọi người tham gia. Việc tuyên truyền nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt tuy đã được quan tâm hơn sau khi có Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) nhưng còn thiếu tính hấp dẫn, chưa khắc họa được đậm nét được những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt có sức thuyết phục, lôi kéo được đông đảo mọi người học tập, làm theo. Những hạn chế của công tác tuyên truyền là một trong nguyên nhân dẫn đến nhiều phong trào thi đua yêu nước chưa đồng đều, sâu rộng trong xã hội; hiệu quả tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một số phong trào thi đua yêu nước không cao.
Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo ra phong trào thi đua yêu nước rộng khắp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phải thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền thi đua yêu nước
Thứ hai, đổi mới, nâng cao hiệu quả, tính thiết thực, tính chiều sâu trong các nội dung tuyên truyền thi đua yêu nước
Thứ ba, đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền thi đua yêu nước, đảm bảo tính phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và thời điểm để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền.
Thứ tư, đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ năm, tăng cường xây dựng và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền thi đua yêu nước
Thứ sáu, đầu tư trang thiết bị, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích tuyên truyền thi đua yêu nước
Hà Dũng Hải