Thứ Bảy, 21/9/2024
Chính sách
Thứ Ba, 6/11/2012 22:5'(GMT+7)

Đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng giao thông nông thôn

Dự án nâng cấp đường giao thông ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh)

Dự án nâng cấp đường giao thông ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh)

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thành ủy Thành phố đã đề ra Chương trình hành động số 43-CTr/TU, trong đó chú trọng đến việc thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới cấp xã tại 5 huyện ngoại thành, mà giao thông nông thôn là một trong những nội dung trọng điểm.

Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng với xã điểm Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) - 1 trong 11 xã điểm của cả nước do Ban Chỉ đạo Trung ương chọn - TP.Hồ Chí Minh đã lựa chọn 5 xã khác của các huyện ngoại thành đưa vào quá trình thực hiện thí điểm, đó là các xã: Thái Mỹ (Củ Chi), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Tân Nhựt (Bình Chánh), Nhơn Đức (Nhà Bè) và Lý Nhơn (Cần Giờ).

Cùng với việc đầu tư về kinh phí và những điều kiện khác, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Thành phố xác định: muốn xây dựng NTM thành công, việc căn bản và có ý nghĩa quyết định nhất vẫn phải là ý thức và tư tưởng của mỗi người dân, vì thế tuyên truyền và vận động là một trong những phương thức được TP.Hồ Chí Minh coi trọng và triển khai tích cực. Nhờ đó, trong những năm qua, từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện, bên cạnh đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội của đa số các hộ dân tại những xã NTM được nâng cao, bộ mặt cơ sở hạ tầng cũng thay đổi khang trang, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, bởi cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền và Ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp, còn có sự ủng hộ, hưởng ứng "toàn tâm toàn ý" của hầu hết người dân trong quá trình triển khai.

Đến nay, những kết quả khả quan bước đầu đạt được ở các xã NTM TP.Hồ Chí Minh, trong đó nổi bật là hệ thống giao thông nông thôn, đã khẳng định một chủ trương và những cách thức triển khai đúng đắn, phù hợp với "tâm nguyện" của người dân.

Ở Xã Anh hùng Tân Thông Hội, ngay sau khi Thành ủy Thành phố và Huyện ủy Củ Chi triển khai kế hoạch, Đảng bộ xã đã chủ động đưa ra những tiêu chí cụ thể, trong đó chú trọng tới cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông, đó là nâng cấp 50 tuyến đường giao thông; 5 công trình thủy lợi; 2 trường học và 2 công trình văn hóa. Đồng thời xác định đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để từng hộ dân và mỗi người dân ở các ấp cùng tham gia, hưởng ứng, "góp công góp của" vào quá trình thực hiện.

Qua công tác tuyên truyền của Đảng bộ, MTTQ và các đoàn thể trong xã, Tân Thông Hội đã vận động được 535 hộ dân tham gia mở đường, nâng cấp hệ thống giao thông, hiến hơn 24.585m2 đất, trị giá trên 100 tỷ đồng; xây dựng sạch, đẹp 67 tuyến đường với hơn 87 km. Đi đôi với nâng cấp là mở rộng các tuyến đường trong xã - kể cả đường ra ruộng đồng; tổ chức trồng và chăm sóc 5.800 cây xanh dọc theo các tuyến đường giao thông và những địa điểm văn hoá công cộng.

Bên cạnh đó, Tân Thông Hội còn đã tập trung vào nâng cao dân trí, phổ cập Trung học tại vùng nông thôn sâu. Đến nay, xã đã xây dựng được các trường học kiên cố, phổ cập thành công THCS trong toàn xã, hướng tới thực hiện tiêu chí phổ cập THPT vào năm 2015. Tân Thông Hội là xã đầu tiên của TP.Hồ Chí Minh hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng NTM theo quy định của Ban chỉ đạo xây dựng NTM Trung ương.

Đối với xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi), cùng với chủ trương chuyển đổi 300ha đất lúa sang trồng cây lâu năm, cây thu hoạch hàng năm và cây ăn trái, Đảng bộ xã đã và đang tích cực chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện việc mở mới, xây dựng, nâng cấp hàng chục tuyến đường giao thông nông thôn và các tuyến kênh tưới nội đồng... Trong đó vận động nhân dân các thôn ấp hiến và đóng góp hàng chục nghìn m2 đất trồng cây trái, hoa màu (trị giá hàng chục tỷ đồng), bên cạnh đó là sự đóng góp công sức của người dân vào quá trình xây dựng giao thông và các cơ sở hạ tầng khác...

Đánh giá về cách làm của Đảng bộ xã Thái Mỹ, đồng chí Lê Minh Tấn, Thành ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi khẳng định: cách làm của Đảng bộ Thái Mỹ là đi từ thực tế, từ hoàn cảnh từng gia đình, từng tổ, ấp để tuyên truyền vận động, vì thế mà người dân có ý thức và sẵn sàng ủng hộ...

Đối với xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), qua hai năm thực hiện xây dựng NTM, đến nay 90% các tuyến giao thông nội đồng của xã đã được nâng cấp - trải cấp phối đá sỏi - thuận tiện cho xe cơ giới đi lại...

Từ cuối 2009 đến nay, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", Đảng bộ Xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) đã chỉ đạo từng ấp khởi công và hoàn thành 10 công trình giao thông, nâng cấp mở rộng hàng chục km đường đi tại các ấp. Qua vận động, nhân dân trong xã đã hiến 32.512m2 đất mở đường giao thông nông thôn (giá trị 16,256 tỷ); tham gia cùng chính quyền nạo vét 6 công trình đập thuỷ lợi... Đến nay, tất cả các tuyến giao thông trong xã Tân Nhựt đều được lắp đặt hệ thống chiếu sáng...

Là xã nghèo của huyện Nhà Bè, trong nhiều mặt khó khăn thì hệ thống giao thông nông thôn là vấn đề nan giải nhất, từ cuối năm 2009, sau khi triển khai xây dựng NTM, nhiệm vụ đầu tiên được Đảng bộ xã Nhơn Đức tập trung chỉ đạo là giải quyết cho được những khó khăn, bức xúc về giao thông. Cùng với sự góp sức của người dân, đến nay 22 tuyến hẻm trong xã đã được nâng cấp có bề rộng từ 3m lên 6m; đã hoàn thành 2 tuyến mới và đang khởi công xây dựng 8 tuyến tiếp theo... Với sự đồng lòng quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân nhằm nâng cao chất lượng giao thông nông thôn, bên cạnh đầu tư của Nhà nước, người dân xã Nhơn Đức đã hiến hơn 11.000 m2 đất (trị giá khoảng 23,957 tỷ đồng) phục vụ cho mục đích này. Đến nay, hệ thống giao thống nông thôn trên địa bàn xã đã được "nhựa hoá" "bê tông hoá" kiên cố, rộng rãi... góp vào việc thực hiện thành công 14/ 19 tiêu chí NTM của xã Nhớn Đức.

Xã Lý Nhơn của huyện biển Cần Giờ cũng là địa phương có hệ thống giao thông nông thôn thấp kém trước khi triển khai xây dựng NTM. Đầu năm 2010, khi đi vào thực hiện xây dựng xã NTM, Đảng bộ xã Lý Nhơn đã đưa vào Nghị quyết những vấn đề cụ thể theo 19 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nâng cao chất lượng giao thông. Kể từ khi Nghị quyết của Đảng bộ xã được triển khai, bộ mặt giao thông nông thôn của Lý Nhơn đã "thay da đổi thịt". Đến nay, 8/15 công trình giao thông nông thôn đã được khởi công, cùng với đó là 12/14 công trình giao thông phục vụ chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng đang được triển khai... Để thực hiện có kết quả, Đảng bộ xã chủ trương triển khai có hiệu quả các đợt vận động nhân dân tham gia góp công sức với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”... Hiện nay trong xã đã có 85 hộ hiến 21.619m2 đất (trị giá khoảng 3,85 tỷ đồng) cho phong trào “Đường nông thôn và khuôn viên gia đình xanh-sạch-đẹp”. Bên cạnh đó, xã cũng đã tuyên truyền vận động nhân dân cùng hưởng ứng phong trào trồng 4.500 cây Dâm Bụt và Quỳnh Anh làm hàng rào mẫu...

Từ những kết quả đạt được trong quá trình triển khai xây dựng NTM tại các xã ngoại thành TP. Hồ Chí Minh cho thấy, bên cạnh sự đầu tư có hiệu quả của Nhà nước, có một phần đóng góp không nhỏ về công sức và vật chất của người dân.

Thành công từ công tác tuyên truyền, vận động là yếu tố to lớn đối với việc thuyết phục người dân sẵn sàng tham gia, hưởng ứng những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong tuyên truyền, vận động thì "mấu chốt" của thành công chính là sự vào cuộc trực tiếp, đồng bộ của hệ thống chính trị ở khu vực nông thôn, với tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực để làm chuyển biến từng địa bàn...

Trong những bài học kinh nghiệm từ quá trình vận động, thì bài học gần dân, nắm và hiểu dân là quan trọng nhất. Các cấp ủy, ủy ban MTTQ và chính quyền, đoàn thể các cấp đã chủ động phối hợp trong quá trình tuyên truyền, vận động; đi vào những vấn đề cụ thể, thiết thực đối với người dân; tập trung xác định những tiêu chí cần vận động để phát huy cao hiệu quả; vận dụng các loại hình vận động phong phú, phù hợp với phong tục tập quán trong nông thôn.../.

Phạm Bá Nhiễu
Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất