TCTG) - Cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng khoa học công nghệ trong quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp. Đó là giải pháp được nhiều chuyên gia nêu lên trong buổi hội thảo ngày 27/9 nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, nâng cao sức cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững.
Khó khăn còn dài
Ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho biết, các dự báo của nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia cho các tháng cuối 2012 và 2013 đều khá bi quan. Tình hình vẫn nhiều khả năng tiếp tục diễn biến xấu.
Đối với DN, theo các số liệu chính thức, năm 2011 có gần 54 ngàn DN phá sản, giải thể hoặc xin dừng hoạt động. Con số này trong 7 tháng năm 2012 là 30 ngàn DN.
Theo một nghiên cứu mới nhất của ngân hàng HSBC, chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng – là một chỉ số tổng hợp đánh giá khái quát về hoạt động trong ngành sản xuất và đóng vai trò như một chỉ số hàng đầu trong nền kinh tế, được hình thành từ các chỉ số về sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm, thời gian đặt hàng, giao hàng, lưu kho hàng) giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khảo sát tháng 4/2011. Các điều kiện kinh doanh suy yếu tháng thứ 4 liên tiếp, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhanh hơn.
GS Nguyễn Quang Thái phân tích một cách hệ thống và chi tiết các khó khăn của nền kinh tế. Theo số liệu chính thức, tăng trường GDP cả năm có thể đạt khoảng 5%, thấp gần như các năm 2009 hay 1999. Đầu tư sụt giảm, kể cả công tư, trong và ngoài nước. Tiêu dùng sụt giảm do thu nhập thấp đi, hành vi tiêu dùng thay đổi. Thị trường gặp khó khăn, xuất khẩu chậm, nhập khẩu giảm tốc độ. Trước hoàn cảnh kinh tế vĩ mô sáng tối đan xen, nợ công và nợ xấu tăng cao, tồn kho cao, thương mại quốc tế suy giảm… chuyên gia kinh tế nhận định, tình trạng khó khăn sẽ còn kéo dài ít nhất là trong năm 2013.
Trong khi đó, theo ThS Nguyễn Thị Nam Phương, Tư vấn trưởng công ty OCD, các yếu tố làm giảm giá trị doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là kế hoạch kinh doanh thiếu tính bài bản, đa dạng hóa kinh doanh quá mức, cấu trúc công ty không rõ ràng, hiểu biết về giá trị kinh tế vô hình còn hạn chế, thông tin giao dịch với các bên liên quan thiếu minh bạch, hệ thống sổ sách kế toán thiếu tính chuyên nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ
Nhấn mạnh việc DN đang đối mặt với khó khăn, GS – chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái đưa ra giải pháp: Các DN cần phải tái cấu trúc kết hợp với quản trị thông minh, đặc biệt nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao khả năng ứng phó với các rủi ro, nâng cao sức cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Đinh Văn Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Cơ – điện – đo lường – tự động hóa DKNEC đã giới thiệu hệ thống tự động hóa quản lý và điều hành doanh nghiệp toàn diện DME. Ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo sự cộng tác xuyên suốt từ khâu quản lý đến khâu sản xuất, từ đó làm giảm thời gian chờ, tăng năng suất lao động và tỷ lệ lợi nhuận…
Cũng nhấn mạnh đến yếu tố khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN, TS Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tiếp cận vấn đề từ góc độ các kênh phân phối, bán lẻ. Theo bà, người tiêu dùng Việt Nam thời hội nhập mang một diện mạo mới và nhu cầu, xu hướng mua sắm mới. DN cần phải nghiên cứu những biến đổi, đặc biệt về mặt công nghệ và thói quen của người tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm của mình.
Đặc biệt, quá trình đô thị hóa và phong cách sống công nghiệp làm tăng nhu cầu thiện lợi, tiết kiệm thời gian. Do đó, cần phát triển các kênh bán hàng hiện đại, thuận tiện hơn, chất lượng và an toàn. Các gợi ý được nêu lên là: Chuỗi cửa hàng, chuỗi siêu thị vừa và nhỏ, liên doanh, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới, mở rộng đầu tư về nông thôn… Đặc biệt, kênh phân phối qua thương mại điện tử hiện khá hấp dẫn (156 triệu thuê bao di động, tương đượng 176% dân số; 30 triệu người truy cập Internet, chiếm 31% dân số; dự báo 20% thuê bao 3G tăng trưởng năm 2015…).
TS cũng lưu ý, nếu thị trường đang vào giai đoạn suy thoái, cần tổ chức các kênh phân phối ngắn và bỏ bớt những dịch vụ không cần thiết làm giá bán tăng lên.
Dương Ngọc