Chủ Nhật, 24/11/2024
Xã hội
Thứ Năm, 19/4/2018 21:26'(GMT+7)

Đẩy mạnh việc kết nối cung cầu giúp nông sản sạch đến với người tiêu dùng

Tới dự và phát biểu tại hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội  cùng hơn 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm của Thủ đô và các tỉnh bạn.

Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay, trên địa bàn thành phố có 907 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 863 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 11 hợp tác xã chăn nuôi, 7 hợp tác xã thủy sản, 26 hợp tác xã chuyên rau, cây ăn quả, nấm. Đồng thời, thành phố cũng xây dựng và phát triển được 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ. 

Nhiều sản phẩm nông sản được giới thiệu tại Hội nghị. (Ảnh DP)


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho hay, trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn có sự gắn kết chặt chẽ giữa 6 nhà: nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - ngân hàng - nhà phân phối. Đồng thời, thành phố sẽ chủ động nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản để làm cơ sở chủ động tìm đầu ra cho nông sản, ổn định giá cả, thị trường, góp phần thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, mặc dù đã đẩy mạnh kết nối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm nhưng thực tế cho thấy, việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất còn lỏng lẻo; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Đặc biệt, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Điều này dẫn đến tỷ lệ sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ truy xuất nguồn gốc còn thấp, chỉ đạt khoảng 30%.

Cùng quan điểm trên, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đa số các hộ nông dân chỉ quan tâm đến sản xuất và bán trực tiếp cho thương lái mà chưa quan tâm đến việc thị trường đang cần gì và làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Nhiều hộ nông dân, hợp tác xã chưa nhận thức được việc muốn tồn tại bền vững đòi hỏi người sản xuất phải ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, qua đó nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn; trong đó, tập trung chỉ đạo sản xuất nông sản bền vững theo quy hoạch. Đồng thời, công khai phát triển vùng/khu vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài, sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của nông dân để đẩy mạnh kết nối và tìm các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhất là mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra ổn định vào các kênh phân phối như: Siêu thị, chuỗi, chợ, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất và tiến tới xuất khẩu.

Theo đó, Ban tổ chức đã giới thiệu đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông sản điều kiện để đưa sản phẩm nông sản thực phẩm vào các kênh phân phối, như: Có đầy đủ các thủ tục, giấy tờ đối với sản phẩm nông sản; bảo đảm công tác sơ chế, bao gói, nhãn mác; chất lượng hàng nông sản tốt, đồng đều; giá bán ổn dịnh; truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng kêu gọi các doanh nghiệp chế biến hàng nông sản khai thác hàng hóa, nghiên cứu đầu tư xây dựng các nhà máy sơ chế tại các địa phương có vùng nguyên liệu lớn của thành phố nhằm nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản.

Trong khuôn khổ hội nghị cũng diễn ra hoạt động trưng bày sản phẩm, hàng hóa với 30 gian hàng của các địa phương. Trong đó, Ban tổ chức ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có đầy đủ thông tin về đơn vị sản xuất, bảo đảm an toàn, sản phẩm hữu cơ và theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP./.

Duy Hưng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất