Thứ Tư, 9/10/2024
Xã hội
Thứ Tư, 11/5/2022 9:5'(GMT+7)

Đẩy mạnh xây dựng “nhà ở xã hội” chăm lo đời sống người lao động

Một khu nhà lưu trú cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP. Hồ Chí Minh.

Một khu nhà lưu trú cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP. Hồ Chí Minh.

Trải qua hai năm đại dịch COVID -19, đời sống của nhiều công nhân, viên chức, người lao động Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều lao động chất lượng cao tại các khu công nghiệp không trụ lại Thành phố đã tìm cách trở về quê khi phải đối mặt với rất nhiều chi phí sinh kế; trong khi đó một bộ phận không nhỏ công nhân, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã tích cực vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa tham gia sản xuất bằng cách thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, tạm xa gia đình, người thân, toàn tâm cho nhiệm vụ được giao; nhằm góp phần đảm bảo duy trì sự ổn định của Thành phố. Khi cuộc sống thích ứng với trạng thái bình thường mới cũng là lúc Thành phố tính đến các giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động như: về chính sách nhà ở; chính sách hỗ trợ tài chính, chính sách tiền lương, thu nhập, thời giờ làm việc; chính sách bảo hiểm xã hội; giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao…

ĐẨY MẠNH CÁC DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động Thành phố, hiện nay có khoảng 280.000 doanh nghiệp và 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động, gồm 2,4 triệu lao động ở khu vực chính thức và hơn 2,3 triệu lao động tự do ở khu vực phi chính thức. Tính đến hết Quý 1/2022, số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội hơn 2,3 triệu người, trong đó nữ chiếm tỷ lệ 49,5%. Bên cạnh đó, Thành phố hiện có 20.000 tổ chức công đoàn với 1,5 triệu đoàn viên, trong đó, đoàn viên nữ chiếm 52%. Số đoàn viên công đoàn trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao là 280.000 người, tỷ lệ đoàn viên nữ chiếm 60%.

Thời gian qua, Thành phố cũng đã có nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ cho người lao động. Cụ thể, với chủ trương phát triển nhà ở xã hội, sau 15 năm, Thành phố đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội với 1,55 triệu m2 sàn, tương ứng 18.800 căn hộ. Trong đó, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, đã có 19 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,19 triệu m2 sàn, tương ứng 14.900 căn hộ.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang rà soát, tạo lập quỹ đất và đầu tư xây dựng các hạ tầng xã hội và các tiện ích phục vụ công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa được đầu tư. Đặc biệt, ưu tiên xây dựng nhà lưu trú, nhà cho công nhân thuê trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, có cơ chế hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đầu tư và chính sách hỗ trợ tài chính để thu hút chủ đầu tư thực hiện dự án. Thành phố cũng tập trung thực hiện các giải pháp chăm lo nhiều hơn phúc lợi xã hội đối với công nhân, viên chức, người lao động; giải quyết từng bước, hiệu quả những nhu cầu thiết yếu về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, chế độ chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa..., bảo đảm để công nhân, viên chức, người lao động được thụ hưởng lợi ích tương xứng với thành quả và công sức đóng góp.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Huỳnh Thanh Khiết cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố phê duyệt kế hoạch nhà ở giai đoạn này, trong đó xác định rõ các chỉ tiêu phát triển nhà ở, với 47 dự án (có 10 dự án bắt buộc chủ đầu tư phải dành ra 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội), tập trung chủ yếu ở các Quận 7, Bình Tân và Thành phố Thủ Đức. Riêng các quận trong nội thành chỉ có 2 dự án. Ngoài ra, Thành phố khuyến khích các quận, huyện ngoại thành đẩy mạnh dự án nhà ở xã hội, cụ thể có 8 dự án. Tổng cộng các dự án này đáp ứng trên 35.000 căn hộ…

“Hiện nay về mặt pháp lý, tồn tại nghịch lý là nhà ở xã hội nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự như nhà ở thương mại. Do đó, các dự án này kéo dài và có thủ tục pháp lý phức tạp hơn… dẫn đến không thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt nguồn vốn vay hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện những dự án nhà ở xã hội này chưa triển khai được”, ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết. Hiện nay, Sở Xây dựng đang trình Ủy ban nhân dân Thành phố các quy trình rút gọn để đẩy nhanh thời gian thực hiện các dự án nhà ở xã hội này xuống dưới 6 tháng để các chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Để người lao động tiếp cận được các thông tin về nhà ở xã hội hiện nay, trên trang thông tin điện tử của Sở có đầy đủ thông tin đối với các dự án, người lao động có thể truy cập để nắm thông tin tìm hiểu cũng như liên hệ thêm với các chủ đầu tư dự án để đăng ký. Khi chủ đầu tư gửi danh sách đăng ký mua nhà ở xã hội về Sở Xây dựng, đơn vị sẽ xem xét đủ điều kiện để mua hay không. Hiện nay, có trên 40 dự án đã và đang triển khai, người dân có thể tìm hiểu các dự án này để đăng ký mua.

Đối với các nguồn vốn vay, ông Huỳnh Thanh Khiết cũng cho biết, hiện nay người dân chỉ được vay tối đa 900 triệu và không quá 70% giá trị căn hộ. Quá trình xét duyệt vay mua nhà ở cũng khá chặt chẽ. Nếu nhà ở xã hội miễn tiền sử dụng đất, nhà nước sẽ kiểm tra chặt chẽ giá trị căn hộ bán ra. Chủ đầu tư hoàn thành dự án và được nghiệm thu sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng kiểm toán, thẩm định giá bán.

CẦN CÓ THÊM NHIỀU CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Chị Hà Thị Trang, công nhân lao động Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vin cho rằng, tình hình thực tế hai năm qua, đa số công nhân không tăng lương nhưng vật giá gia tăng liên tục từ 10 - 20% cho mỗi năm. Để mua được nhà ở khu vực Bình Dương, Đồng Nai hay Thành phố Hồ Chí Minh với đồng lương như công nhân thì thật khó tiếp cận... Do đó, chị Hà Thị Trang mong muốn Thành phố có chính sách cho công nhân được mua nhà ở xã hội; xây dựng các khu nhà cho công nhân thuê để công nhân giảm bớt gánh nặng về nhà ở.

Đại đa số công nhân, người lao động mong muốn Thành phố quan tâm đến các chính sách hỗ trợ cho lao động nhập cư nhất là chính sách nhà ở. Mỗi quận, huyện nên xây dựng các chung cư với các loại căn hộ có diện tích phù hợp cho gia đình có 4 người, 3 người, 2 người, giá cả phù hợp với thu nhập trung bình của công nhân, người lao động, bán trả góp với giá cả ưu đãi hoặc cho thuê giá rẻ. Đối với lao động tự do, công đoàn viên các nghiệp đoàn Thành phố, cần có Quỹ hỗ trợ vốn vay riêng vì hiện nay Quỹ hỗ trợ phát triển nhà Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu chỉ dành cho cán bộ, công chức hoặc những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Có thể nói, nhu cầu nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người làm công hưởng lương… là rất lớn. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện kinh tế để mua nhà, Thành phố cần có chính sách giá hoặc trợ giá cho thuê căn hộ. Nhiều người lao động mong rằng Thành phố tập trung vào phân khúc cho thuê nhà ở giá thấp chứ không phải bán nhà ở giá thấp, vì dù khống chế giá thành, nhà đầu tư không mặn mà và đa số người lao động không với tới. Do vậy, việc cho thuê nhà ở xã hội với giá hợp lý thì phù hợp hơn đối với người có thu nhập thấp.

Nhằm nắm bắt nhu cầu nhà ở của công nhân, viên chức, lao động Thành phố, Ban Đô thị Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp Liên đoàn lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố tổ chức phiếu khảo sát trực tuyến về nhu cầu nhà ở từ ngày 12/4/2022 đến 17/4/2022. Theo đó, đã có 40.950 cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động tham gia khảo sát. Lực lượng cán bộ, công chức, viên chức tham gia khảo sát chiếm tỷ lệ 58%; công nhân chiếm tỷ lệ 28%. Đối với nhà ở, có 41% đang ở nhà thuê; 36% ở chung với gia đình; chỉ có 17% có nhà ở tại Thành phố. Về nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, có 64% có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội; 70% có nhu cầu mua nhà cho từ 3 đến 4 người ở; 81,4% có nhu cầu mua nhà với diện tích từ 50 m2 đến 70m2… Với khả năng trả nợ, 76% có thể trả trước dưới 500 triệu đồng khi thực hiện vay vốn để mua nhà; 53% lựa chọn thời hạn vay từ 10 đến dưới 15 năm. Về giá trị nhà, 36% lựa chọn mua nhà từ 0,5 tỷ đến dưới 1 tỷ; tiếp đến là 34% lựa chọn mua nhà từ 1 tỷ đến dưới 1,5 tỷ.

Hiện nay, đại đa số công nhân, người lao động tại Thành phố quan tâm đến việc nâng cao thu nhập như tăng mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo mức sống tối thiểu của công nhân. Do đó, Thành phố cần nghiên cứu đưa ra các tiêu chí bắt buộc phải dành quỹ đất, tài chính để xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân. Đồng thời, khu vui chơi, giải trí nên được xây dựng nhiều hơn nữa trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Khi đời sống tinh thần của công nhân được cải thiện, sẽ giúp thúc đẩy tăng năng suất lao động, tạo sự gắn bó của công nhân với doanh nghiệp một cách lâu dài, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.

Đối với vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố cho biết hiện Thành phố tập trung đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 với chỉ tiêu dự kiến phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng, tương đương khoảng 35.000 căn hộ; nhanh chóng giải quyết các thủ tục, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án theo Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2025.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, với vai trò cơ quan dân cử, Hội đồng nhân dân Thành phố đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri sẽ luôn quan tâm đến việc xây dựng và ban hành các chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Đồng thời, sẽ tiếp tục theo dõi giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách nhà ở cho công nhân, viên chức, lao động của các cơ quan chức năng để đảm bảo các chính sách được thực hiện kịp thời, đầy đủ, minh bạch và đến được với các đối tượng cần hỗ trợ./.

Phạm Quý Trọng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất