(TCTG) - Tranh của các em mà “khôn” quá, “khoa học” quá thì không phù hợp với lứa tuổi. Sai lầm của người lớn là thường đánh giá tranh vẽ của trẻ em với yêu cầu phải giống thực. Điểm này, một số giáo viên mĩ thuật cũng thường mắc phải.
Dạy vẽ cho trẻ em đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, nhưng trước hết cần tôn trọng và tuân theo sự phát triển tự nhiên của các em. Những kinh nghiệm này rất cần thiết đối với các bậc phụ huynh và đồng nghiệp trong việc phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu mĩ thuật cho các em.
Dạy vẽ cho các em có nhiều điểm khác so với các lứa tuổi khác. Các em vẽ theo bản năng, cảm tính, hồn nhiên và trong sáng. Vì vậy, giáo viên không nên đánh giá khả năng của các em theo sự khéo tay, càng không nên đánh giá ý tưởng sáng tạo. Nhà văn J.Rutxo đã nói: “trẻ em cần là trẻ em trước khi trở thành người lớn”. Người ta thường dễ quên tuổi thơ của mình và trẻ em là người chịu thiệt thòi. Tranh của các em mà “khôn” quá, “khoa học” quá thì không phù hợp với lứa tuổi của các em.
Một sai lầm dễ nhận thấy là người lớn thường đánh giá tranh vẽ của trẻ em với yêu cầu phải giống thực. Điểm này, một số giáo viên mĩ thuật cũng thường mắc phải.
Sai lầm khá phổ biến nữa là người lớn thường đánh giá thấp khả năng của trẻ em. Do vậy người ta thường can thiệp sâu vào quá trình học của các em. Ngược lại với cách nhìn trên là một số phụ huynh đánh giá quá cao năng khiếu hoặc kì vọng vào trẻ em, họ yêu cầu trẻ học quá nhiều, khi không được như mong muốn thì sinh tâm lí chán nản, thậm trí đổ lỗi cho trẻ em.
Là người trung gian giữa cha mẹ và các em, đồng thời là người ươm mầm cho tương lai, vai trò của người giáo viên hết sức quan trọng. Khả năng của trẻ em phát triển được hay không nhờ rất nhiều vào trình độ sư phạm của giáo viên. Ở đây cách dạy của giáo viên cũng đòi hỏi phải nghệ thuật, nghĩa là phải linh hoạt trong vận dụng các phương pháp, kĩ năng, tình cảm…
Ngoài khả năng sư phạm, giáo viên còn phải có năng lực phát hiện năng khiếu của trẻ em. Điều này cũng quan trọng vì có một số em bộc lộ năng khiếu muộn hoặc còn rụt rè, nhút nhát, chưa tập trung, nên giáo viên phải kiên nhẫn, động viên các em kịp thời.
Trong quá trình học vẽ, những gợi mở ban đầu là rất cần thiết, giúp trẻ dễ hình dung về chủ đề bức tranh, tạo sự hứng khởi, tự tin. Giáo viên cần gần gũi, trò chuyện với các em để có cách khơi gợi trí tưởng tượng, kích thích sự ham mê, hứng thú cho các em. Giai đoạn đầu này có thể ví như một người nghệ sĩ tung hứng, nhờ sự tác động khéo léo ban đầu của đôi tay lên các quả bóng mà quả bóng đi đúng quĩ đạo. Nghệ sĩ xiếc không thể làm thay công việc của quả bóng mà tự nó vận động theo qui luật.
Công việc tiếp theo của người giáo viên trở nên đơn giản, khi trẻ đã hứng thú rồi thì các em vẽ rất say mê. Lúc này giáo viên tránh nôn nóng cầm tay các em mà cần gợi mở, động viên, nhất là đối với những em còn lúng túng. Cần tôn trọng tính độc lập của các em, không áp đặt hay hướng các em theo ý mình. Quá trình này, trẻ em thường có những ý tưởng ngộ ngĩnh, song cũng ham vẽ nhiều chi tiết, vẽ kín các chỗ trống trên giấy. Giáo viên nên theo sát để khuyến khích, động viên và góp ý cho từng em.
Trẻ em dù có năng khiếu đến đâu vẫn cần có sự chỉ bảo của giáo viên. Để duy trì được sự ham thích, trẻ em cần được cung cấp kiến thức hội hoạ và kĩ năng cơ bản. Kiến thức phải đơn giản, được lồng ghép trong bài thực hành. Tránh việc tiếp nhận quá nhiều kiến thức làm cho các em dễ nản. Giáo viên giống như người đầu bếp “chế biến” các kiến thức cho phù hợp với trẻ, giúp các em “hấp thụ” từ từ và dễ dàng.
Như vậy, việc dạy vẽ cho trẻ em đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, nhưng trước hết cần tôn trọng và tuân theo sự phát triển tự nhiên của trẻ em. Những kinh nghiệm này sẽ rất bổ ích đối với các bậc phụ huynh và đồng nghiệp trong việc phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu mĩ thuật cho trẻ em./.
Bài, ảnh: Họa sĩ Vũ Tuấn Dũng
Giảng viên Trường Cao Đẳng Sư phạm TW