Thứ Ba, 19/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 14/8/2013 22:4'(GMT+7)

Đề án thí điểm mô hình Chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải (trái) trao đổi với đại biểu về Đề án thí điểm mô hình Chính quyền đô thị TP.Hồ Chí Minh.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải (trái) trao đổi với đại biểu về Đề án thí điểm mô hình Chính quyền đô thị TP.Hồ Chí Minh.

Dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, vừa qua, Hội nghị (bất thường) của BCH Đảng bộ Thành phố khóa IX đã nghe, thảo luận và cho ý kiến vào Dự thảo Tờ trình Chính phủ về Đề án thí điểm mô hình Chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, từ năm 2009, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường trên toàn Thành phố, qua sơ kết và đánh giá bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Từ thực tiễn thí điểm, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhận định: Nếu không sớm tiến hành thực hiện mô hình Chính quyền đô thị theo hướng tổ chức chính quyền cơ sở với cơ chế tự chủ cao hơn, cơ quan đại diện của nhân dân có quyền hạn và trách nhiệm tương xứng với mô hình dân chủ đại diện, thì việc thí điểm nêu trên, bản thân nó không đủ các yếu tố hình thành mô hình quản lý mới phù hợp với một thành phố là đô thị đặc biệt, giữ vai trò trung tâm nhiều mặt, như Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI đã xác định.

Đa số ý kiến tại Hội nghị (bất thường) của BCH Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh khoá IX vừa mới diễn ra đã khẳng định: Việc xây dựng, thực hiện Đề án Thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở TP. Hồ Chí Minh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên địa bàn Thành phố, đồng thời góp phần làm rõ hơn mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn trong quá trình bổ sung vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đây cũng là cơ sở cho việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ được Quốc hội nghiên cứu và ban hành trong thời gian tới đây. Qua đó thể hiện cao nhất đặc điểm của một chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhất là chính quyền cơ sở; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền; huy động tối ưu mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình phục vụ người dân tốt hơn, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa xã hội tốt hơn...

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải nhấn mạnh: việc xây dựng, triển khai thí điểm Đề án là chủ trương mà Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua. Mục đích, thước đo để đánh giá xem mô hình mới có thực sự tích cực hay không chính là ở chỗ: chính quyền này có thực sự của dân, do dân, vì dân không? Có khắc phục tránh được tình trạng quan liêu, xa dân không? Người nghèo, người yếu thế trong xã hội có dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công không?...

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Nếu thật sự muốn xây dựng một chính quyền của dân, do dân, vì dân thì phải dũng cảm lắng nghe ý người dân về bộ máy hiện hành; lắng nghe những kỳ vọng, mong muốn về bộ máy của mô hình mới, bằng nhiều kênh khác nhau, như thông qua MTTQ, HĐND...

Với mô hình tổ chức 3 cấp chính quyền (cấp thành phố; cấp quận, huyện; cấp phường, xã) hiện nay cho thấy hiệu quả, chất lượng còn kém do quá cồng kềnh, trùng lắp chức năng, dựa dẫm vào nhau, trách nhiệm không rõ ràng, nhiều hoạt động không thực quyền mà mang tính hình thức, không có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở mỗi cấp... Vì thế, theo dự báo của UBND TP. Hồ Chí Minh thì việc thực hiện mô hình Chính quyền đô thị chắc chắn sẽ có tác động quan trọng đến kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Dự thảo Đề án thí điểm mô hình Chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh nêu lên 3 nhóm tác động chính: bộ máy chính quyền các cấp; người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn; việc phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị theo hướng tích cực nhất. Trong đó, bộ máy sẽ được thiết kế theo hướng phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan, của người đứng đầu, giảm được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Nhờ vậy sẽ có ít tầng nấc trung gian, các bộ phận giải quyết công vụ sẽ gần dân hơn, chuyên nghiệp hơn.

Đặc biệt, Dự thảo Đề án nêu rõ: Chính quyền đô thị sẽ có thẩm quyền phân định rõ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Đối với ngân sách Trung ương thì việc thu chi theo cơ chế ủy nhiệm chịu sự giám sát của Trung ương, còn đối với ngân sách địa phương thì hoàn toàn tự chủ thu - chi và tự chịu trách nhiệm. Điều này sẽ khắc phục được sự thiếu minh bạch về thẩm quyền và trách nhiệm và phân cấp ngân sách như hiện nay, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho trong phân bổ ngân sách hợp lý hơn.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Mô hình Chính quyền đô thị TP.HCM sẽ giúp thay đổi quan điểm về công vụ, không để tình trạng một việc có nhiều cấp cùng làm, khắc phục tình trạng cấp phường là nơi đọng lại tất cả chủ trương, chính sách của mọi quy định, luật pháp.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, sắp tới với mô hình Chính quyền đô thị, các sở ngành không chỉ là đơn vị tham mưu mà thực sự là đơn vị quản lý nhà nước, bớt “kính chuyển” lên UBND Thành phố, giảm bớt tình trạng quá nhiều hội họp. Tuy nhiên đây sẽ là điều không dễ, vì ngươi dân đã quen với cách làm cũ. Kinh nghiệm cho thấy, cái gì mới sẽ luôn có lực cản, song đây là vấn đề mới, nên cần chuẩn bị thật công phu…/.            

Phạm Hà Tĩnh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất