Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 31/10/2012 19:16'(GMT+7)

Để có nguồn tăng lương bắt buộc phải cơ cấu lại các khoản chi và tiết kiệm các khoản chi tiêu

 

Thứ nhất, về tỷ lệ động viên thuế và phí, một số ý kiến cho rằng tỷ lệ động viên thuế và phí ở nước ta cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới. Về tỷ lệ động viên ngân sách của các nước thường chỉ tính trên thu của ngân sách Trung ương. Ở nước ta ngân sách là thống nhất gồm cả thu của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Thứ hai, thu ngân sách của Việt Nam được tính cả thu từ dầu thô, từ quyền sử dụng đất, từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, từ viện trợ, trong khi bản chất các nguồn thu này không phải là khoản động viên từ nền kinh tế, các nước theo thông lệ không tính vào các khoản động viên, chỉ tính các khoản thu từ vốn. Nếu tính trong năm 2006 - 2010, tỷ lệ động viên từ thuế, phí bao gồm cả dầu thô của Việt Nam là 24,9% GDP, nhưng nếu chỉ tính ngân sách trung ương chỉ bằng 17,9% GDP. Nếu loại trừ thu dầu thô thì tỷ lệ động viên ở Việt Nam tính chung là 19,2%, riêng ngân sách trung ương là 12,2%. Nếu loại trừ tiếp các khoản thu không mang tính chất động viên như ở các nước là thu sử dụng đất, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, thu từ viện trợ thì tỷ lệ động viên chung là 13,4% GDP là mức thấp và mức trung bình thấp trong khu vực.

Tuy nhiên, chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 đã xác định tỷ lệ động viên ngân sách nhà nước ở mức hợp lý theo hướng giảm tỷ lệ động viên để tăng khả năng cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế cũng như từng sắc thuế, tăng tích tụ vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Trong kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét Luật Thuế thu nhập cá nhân, đầu năm sau cũng sẽ trình xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó có vấn đề về thuế suất.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, sắc thuế này được Quốc hội quyết định thông qua trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1996 và áp dụng thống nhất cho đến nay. Do xăng, dầu là nguyên liệu gốc hóa thạch, không có khả năng tái tạo, thông lệ các nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cả xăng, dầu, Việt Nam ta mới chỉ thu xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu, cũng chỉ thu ở mức thấp, khoảng 0,1 đôla/l, hầu hết các nước thu ở mức 0,4 - 0,7 đôla/l. Tất nhiên các loại thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ được rà soát lại ý kiến của đại biểu Quốc hội khi chúng ta xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với phí sử dụng đường bộ, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư để lấy ý kiến theo quy định của Luật giao thông đường bộ ngày 13/11/2008 và Nghị định số 18/2012 tháng 3/2012 về phí bảo trì đường bộ. Phí sử dụng đường bộ dự kiến áp dụng từ 1/7/2012, tuy nhiên do điều kiện có khó khăn Nghị quyết 13 của Chính phủ đã quy định hoãn trong thời gian 6 tháng và tại Thông báo số 161 ngày 3/5/2012 Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, cơ quan địa phương xây dựng thông tư để áp dụng từ ngày 1/1/2013. Tại đề án trình Chính phủ ban hành Nghị định 18 Bộ Giao thông vận tải cũng dự kiến khi đưa thu phí sử dụng đường bộ vào áp dụng thì sẽ xóa bỏ tất cả các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước. Đối với các trạm thu phí chuyển giao quyền thu phí, trạm thu phí BOT cũng sẽ được xóa bỏ khi hết thời gian chuyển giao và tham gia hoàn vốn BOT, hiện nay Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đang tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương về đối tượng thu và mức thu để có quyết định cho phù hợp.

Vấn đề thứ hai, về quản lý giá, kiềm chế lạm phát. Tôi xin nói vắn tắt một vài ý: Thực hiện nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội về điều hành giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo cơ chế thị trường, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Y tế, ngân hàng Nhà nước cho chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, phối hợp quản lý điều hành giá theo đúng quy định của pháp luật, bám sát diễn biến giá thế giới, các yếu tố đầu vào và sử dụng các công cụ bình ổn giá nên đã đạt được mục tiêu kéo lạm phát ở mức cao, 18,13% năm 2011 xuống mức 6,02% tính đến hết tháng 10/2012.

Về ý kiến cho rằng giá xăng, dầu chưa bám sát giá thế giới, khi tăng thì tăng nhiều, giảm thì không tương xứng. Ý kiến này của đại biểu Quốc hội về hiện tượng hoàn toàn đúng, tuy nhiên về bản chất do Nghị định 84 quy định chu kỳ tính giá cơ sở xăng, dầu là 30 ngày. Khi giá tăng cao thì Chính phủ phải sử dụng công cụ giảm thuế nhập khẩu. Trong một thời gian dài, chúng ta đã giữ thuế nhập khẩu ở mức 0%, trong khi biểu thuế nhập khẩu đối với xăng, dầu là từ 20%-30% và sử dụng quỹ bình ổn giá. Thậm chí phải sử dụng cả định mức của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối 300 đồng/lít. Nên khi giá thế giới giảm phải khôi phục lại một phần thuế và quỹ bình ổn, nên giảm giá thì trước cũng tính vào phần đã tăng.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính chủ động đánh giá Nghị định 84 vào cơ chế quỹ bình ổn giá. Cuối năm 2011, đầu năm 2012 đã đề nghị Chính phủ cho nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 84. Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để xem xét, sửa đổi, bổ sung nghị định này. Trong năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và công khai về quỹ bình ổn giá. Năm 2012, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán toàn diện Tổng công ty xăng, dầu Petrolimex.

Tại kỳ họp hôm nay, tôi rất tán thành với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội. Tôi cũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, nghiên cứu giao cho Ủy ban Kinh tế hoặc Ủy ban Tài chính ngân sách phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội để tiến hành một cuộc giám sát chuyên đề toàn diện về lĩnh vực quản lý giá, nhất là đối với giá xăng, dầu ngay trong năm 2013 để chúng ta có thể phát huy được những thành tích, những kết quả, đồng thời góp phần chỉ ra những bất cập, kể cả những tồn tại, những khuyết điểm làm cho công tác điều hành giá được tốt hơn và công bố cho đại biểu Quốc hội và cử tri được biết về vấn đề này.

Ba là có hay không việc buông lỏng vấn đề quản lý việc tạm nhập, tái xuất. Từ cuối năm 2011, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thanh tra toàn diện trong toàn quốc về quản lý thuế tạm nhập, tái xuất. Đã có văn bản gửi Bộ Công thương và Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 23 ngày 7-9-2012 về việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho hải quan. Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị về kế hoạch số 03 ngày 31-8-2012 và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, các bộ, ngành, các địa phương. Triển khai thực hiện quyết liệt chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, để tăng cường công tác đấu tranh điều tra chống buôn lậu, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cuộc điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan, điều tra, bắt giữ quả tang 4 tàu vào ngày 28/07/2012, thẩm lậu xăng, dầu vào nội địa, vi phạm nghiêm trọng kinh doanh tạm nhập, tái xuất xăng, dầu, thu giữ 1650 tấn xăng trị giá 27 tỷ đồng và tiến hành khởi tố vụ án chuyển cho cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch Số 25 ngày 30/03/2012 về phối hợp hành động giữa lực lượng cảnh sát biển với lực lượng hải quan trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Tổng cục Hải quan đã ký triển khai quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để tăng cường công tác quản lý, kiểm soát lĩnh vực xuất nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại ở khu vực biên giới và trên biển.

Vấn đề tăng lương theo lộ trình không chỉ là mong muốn của người hưởng lương, để có thể đảm bảo tăng lương theo lộ trình ở thời điểm 01/05 theo mức đã dự kiến chúng tôi đã báo cáo với Quốc hội cần 60 - 65 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 3 tỷ đô la, chưa kể cần 29 nghìn tỷ đồng bố trí thực hiện mức lương tối thiểu 1050 nghìn đồng và phụ cấp công vụ 25% thêm 4 tháng trong năm 2013 do năm 2012 chúng ta có chỉ thực hiện 8 tháng, năm 2013 phải bố trí lương đủ 12 tháng. Điều này làm vượt quá khả năng cân đối ngân sách năm 2013 do thu ngân sách năm 2012 và 28/63 tỉnh thành phố trong đó chủ yếu là các tỉnh trọng điểm thu có thể có đánh giá là không đạt được dự toán thu năm 2013 và mức tăng thu năm 2013 sẽ rất khó khăn do mức tăng trưởng dự báo chỉ 5,5%.

Trước tình hình đó sau khi báo cáo Trung ương, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội căn cứ tình hình thu ngân sách thực tế các tháng còn lại của năm 2012 và đầu năm 2013 dự kiến sẽ báo cáo Quốc hội tháng 5 năm 2013 thực hiện một phần mức tiền lương tối thiểu chung hoặc bố trí tăng lương cho cán bộ nghỉ hưu, người có công, trợ cấp khó khăn cho cán bộ công chức có hệ số tiền lương thấp.

Tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công, tức là đối tượng khoảng 8 triệu người ở mức 100.000/người/tháng, trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 1/7/2013. Tổng số kinh phí cần là khoảng 20.700 tỷ đồng tức là khoảng 1 tỷ USD, trong đó ngân sách trung ương phải lo 18.400 tỷ và ngân sách địa phương phải lo 3.300 tỷ đồng.

Do tất cả các khoản dự toán thu nội địa, xuất nhập khẩu, sử dụng đất, dầu thô năm 2013 đã ở mức rất cao và có độ rủi ro lớn, Thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách, đại diện Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội tại phiên họp ngày 29/10 với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng thống nhất là không nên tăng thêm các khoản dự toán thu. Như vậy để có nguồn tăng lương bắt buộc phải cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước và triệt để tiết kiệm các khoản chi tiêu.

Về việc thực hiện mục tiêu tăng lương vừa đảm bảo các cân đối để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2013 là 5,5% GDP, dự kiến Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định giảm mức đầu tư công khoảng 10.000 tỷ đồng xuống còn 170.000 tỷ đồng nhưng vẫn đảm bảo cao hơn mức bội chi ngân sách. Đồng thời trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2013 ở mức 55.000 - 60.000 tỷ đồng, nhưng vẫn đảm bảo tổng mức 225.000 tỷ đồng đã được Quốc hội quyết định cho cả giai đoạn đến năm 2015.

Tiết kiệm chi ngân sách Trung ương 10% khoảng 1.600 tỷ đồng. Giảm bớt chi hoàn thuế giá trị gia tăng xuống còn 73.200 tỷ đồng. Trong trường hợp ngân sách năm 2012 có tăng thu thì sẽ bố trí ưu tiên để tăng thêm cho mục chi này.

Ngân sách địa phương 3.300 tỷ đồng thì lấy ở 10% tiết kiệm chi thường xuyên đã bố trí trong dự toán trình Quốc hội và phần 50% tăng thu dành để làm lương còn lại ở một số địa phương.

Đấy là phương án tích cực và khả thi nhất có thể tính đến, Chính phủ cố gắng kiểm soát lạm phát ở mức 7 - 8% / năm để đảm bảo tăng thu nhập thực tế cho cán bộ công chức và người lao động, người hưởng lương. Toàn bộ các phương án theo thẩm quyền Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Xin cảm ơn Quốc hội./.

Tuấn Đạt (ghi)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất