Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 6/1/2010 21:5'(GMT+7)

Để dân tin, Quốc hội phải tiếp tục đổi mới

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội

Đã thành thông lệ, cứ đến cuối năm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lại dành cho nhóm phóng viên chuyên trách về Quốc hội của các Báo, Đài Trung ương một cuộc trò chuyện thân mật.

Khác với mọi năm, câu chuyện cuối năm Kỷ Sửu bắt đầu bằng những câu “phỏng vấn” ngược của người đứng đầu Quốc hội với nhóm phóng viên: Dư luận, cử tri đánh giá Quốc hội thế nào? Phóng viên các báo lần lượt nêu chính kiến, cảm nhận qua các kênh thông tin của mình. Người đứng đầu Quốc hội chăm chú lắng nghe, gật đầu tâm đắc: “Được cử tri và nhân dân quan tâm, động viên như thế, góp ý như thế thậm chí phê bình như thế… thì Quốc hội mới phát triển. Để dân tin, không có cách nào khác, Quốc hội phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, gắn bó chặt chẽ hoạt động của Quốc hội với cuộc sống của cử tri và nhân dân, thiết thực và hiệu quả. Thực tiễn mới là tiêu chuẩn của chân lý”.

Niềm tin của cử tri với Quốc hội ngày càng vững

** Thưa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nhìn lại hoạt động của Quốc hội ta trong năm qua, lĩnh vực nào Chủ tịch Quốc hội tâm đắc nhất?

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Tôi đánh giá thành công của Quốc hội trong năm qua trên nhiều khía cạnh và mỗi khía cạnh đều có điều tâm đắc, cảm nhận qua trải nghiệm. Điều rõ nhất tôi nhận thấy đó là có sự chuyển biến mạnh trong nhận thức của cử tri mà chính các nhà báo cũng nhận thấy. Nhiều cử tri gặp bằng được Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội để nêu ra những vấn đề cụ thể như thiếu bóng điện, sửa con đường, lấn chiếm ngõ… Điều đó cho thấy, cử tri ngày càng tin tưởng vào Quốc hội, gửi gắm niềm tin vào những người họ đã bầu ra.

Chính vì vậy, việc tiếp xúc cử tri là rất cần thiết, phải tiếp xúc ở nhiều nơi, nhiều lúc, không câu nệ hình thức, phụ thuộc vào “lịch” một năm hai lần. Chúng ta thấy rõ, trong các hoạt động tiếp xúc cử tri hiện nay không chỉ những gương mặt quen thuộc có giấy mời (còn gọi là “cử tri chuyên nghiệp”), mà cử tri đến rộng rãi hơn, nhiều người không được mời, thậm chí ở các địa phương khác vẫn đến dự.

Những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội đều là những vấn đề cụ thể, thẳng thắn và có tính chất xây dựng. Qua đó, Quốc hội lĩnh hội được nhiều ý kiến mang tầm vĩ mô, quốc gia đại sự: Vấn đề giáo dục, mở trường đại học, quy hoạch sử dụng đất đai, các vùng, ngành kinh tế, môi trường, khắc phục nước biển dâng…

Phải khẳng định rằng, để có kỳ họp thành công phải biết dựa vào ý kiến của các cử tri. Vì cử tri không chỉ bầu ra ĐBQH, mà còn là những người nắm vững, thông tỏ thực tiễn cuộc sống, phản ánh cho ĐBQH. Nhiệm vụ của ĐBQH là phải đưa những ý kiến, kiến nghị đó ra Diễn đàn Quốc hội hoặc phản ánh tới cơ quan có trách nhiệm để giải quyết.

Tôi luôn khẳng định, Luật là tối thượng nhưng thực tiễn cuộc sống mới là tiêu chuẩn của chân lý. Luật không phù hợp với thực tiễn thì phải bổ sung nhưng nếu chưa sửa được thì Luật vẫn là tối thượng.

Năm qua, đặc biệt là kỳ họp cuối năm, Quốc hội nhận được nhiều đánh giá tốt từ cử tri, cho thấy vị thế, vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng cao, sinh hoạt dân chủ thực chất và luôn có sự đồng hành giữa Quốc hội với Chính phủ.

** Đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế đòi hỏi phải đảm bảo đủ Luật để phục vụ sự phát triển. Thế nhưng cử tri cũng đòi hòi chất lượng Luật phải đảm bảo. Để đạt được cả hai yêu cầu đó, chắc chắn phải có những đổi mới trong quá trình lập pháp, thưa Chủ tịch Quốc hội?

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Đúng là như vậy, điểm mới của công tác xây dựng luật pháp không phải là đổi mới thủ tục, quy trình thảo luận, cách thức biểu quyết. Năm 2009 là năm đầu tiên thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mới được sửa đổi, thông qua năm 2008, có hiệu lực từ 1/1/2009. Việc này tạo điều kiện cho Quốc hội nắm, xử lý kịp thời thực tiễn, cho phép một luật có thể sửa đổi nhiều luật.

Nếu nhận định Quốc hội “dễ tính” khi thông qua Luật là sai mà phải xuất phát từ thực tế chung. Ví dụ như Luật thuế nhà đất, sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở... Có những luật trình từ kỳ họp thứ 5 nhưng không được thông qua, tiếp tục soạn thảo đưa ra kỳ họp thứ 6, Quốc hội cũng không thông qua và cuối cùng phải đưa ra khỏi chương trình.

Quốc hội thống nhất quan điểm, nếu Dự thảo luật không bảo đảm chất lượng thì kiên quyết rút khỏi chương trình. Tại kỳ họp 5, Quốc hội dự kiến thông qua 12 Luật nhưng đến khi thảo luận chỉ thông qua được 11 Luật. Còn kỳ họp thứ 6, dự kiến thông qua 8 dự án luật, nhưng cuối cùng chỉ thông qua được 7 dự án luật.

Cùng với các dự án Luật được thảo luận chuẩn bị cho kỳ họp tới, năm 2009, Quốc hội đã bàn 36 dự án luật. Số lượng nhiều, nhưng quy trình làm rất chặt chẽ, có sự bàn bạc rất kỹ giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra.

Công khai là bảo kiếm loại bỏ ung nhọt, chữa lành các vết thương

** Một nội dung mà cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm là “hiệu quả” của hoạt động giám sát. Việc cử tri nhìn nhận kết quả giám sát của Quốc hội bằng thực tế “chuyển biến” là rất chính đáng và phù hợp. Thế nhưng không phải lúc nào cũng tạo ra được những “bước chuyển” ấy”?

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Trong công tác giám sát, điểm nổi bật so với nhiều năm trước là nội dung chất vấn đạt hiệu quả cao hơn. Sau chất vấn, Chính phủ đều làm theo những gì đã hứa, đã trả lời và đều đưa ra kết luận đối với các vấn đề. Hơn nữa, bây giờ Quốc hội đã ra Nghị quyết sau mỗi phiên chất vấn và nghị quyết này không còn chung chung như những năm trước. Mỗi Bộ trưởng trả lời thẳng các nhóm vấn đề và ở kỳ sau phải báo cáo trước Quốc hội.

Quan trọng là những điều đưa lên bàn nghị sự để chất vấn đều được dân đồng tình, kể cả ở Quốc hội, cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dân đòi hỏi bước chuyển sau chất vấn là đúng đắn và Quốc hội cũng đi theo hướng đó. Những vấn đề thời sự, vấn đề cấp thiết của cuộc sống đều được đưa ra chất vấn. Chẳng hạn, ra Tết có chuyện “lình xình” trong phân phối quà Tết, hỗ trợ Tết cho người nghèo, chuyện quản lý di tích văn hóa, lễ hội, rồi vấn đề gói kích cầu phân bổ làm sao đến tay doanh nghiệp vừa và nhỏ… Đây là những vấn đề rất thời sự, không xa vời, vĩ mô nhưng gắn với đời sống của dân, làm sáng tỏ nhiều vấn đề.

Một điểm mới nữa là chất vấn đã làm rõ hơn đối với mỗi vấn đề, trách nhiệm không chỉ của một Bộ mà gắn với nhiều cơ quan, nhiều bộ trưởng, nên số lượng bộ trưởng trả lời ít đi nhưng có thêm sự “can dự” của nhiều Bộ trưởng.

Trở lại với yêu cầu tạo được “bước chuyển” sau kết luận giám sát mà cử tri mong muốn, ta thấy rõ ràng có hiệu quả. Chẳng hạn như sau chất vấn về sân golf, trước kia dự định xây dựng 189 sân, sau chất vấn, các đơn vị chức năng phải xử lý và kết quả giảm xuống còn 97 sân. Không phải “vơ công” của Quốc hội, nhưng rõ ràng, giám sát đã góp phần làm minh bạch, đưa ra công khai toàn dân biết.

Vụ nữa, ngay sau khi trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ về đường 32, vành đai 3, Bộ trưởng Giao thông- Vận tải đã xuống làm việc ngay với Hà Nội để tháo gỡ và chúng ta đều thấy hiệu quả đường 32 bây giờ thế nào. Hay qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tôi đều yêu cầu trả lời rõ những kiến nghị từ lần trước đã được giải quyết xử lý thế nào. Riêng ở quận Ba Đình, Cầu Giấy, tôi đề nghị phải trả lời bằng văn bản đến từng người tham dự. Giấy trắng mực đen, phải trả lời đã làm được những gì, chưa làm được gì, đang làm ra sao và sắp tới sẽ làm thế nào… Làm như thế, tôi tin dân sẽ đồng tình bởi họ thấy rõ chất lượng chất vấn nâng lên, mang lại tác dụng, hiệu quả, hiệu lực thật qua các vụ việc thật.

Điều cần thiết là phải làm sáng tỏ vấn đề, thấy rõ nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp xử lý sắp tới như thế nào, nhằm thúc đẩy thực tiễn phát triển. Đó cũng là mục đích cao nhất của chất vấn, giám sát. Tôi nhận thấy triết lý của Lê Nin “Tính công khai là thanh bảo kiếm phanh phui, cắt bỏ những ung nhọt, làm lành các vết thương” ngày càng đúng, vì công khai sẽ tạo được sức mạnh. Đương nhiên không được lạm dụng, còn phải tùy vấn đề, tùy phạm vi, công khai ở phạm vi, mức độ nào, vấn đề đã được đưa ra nghị trường Quốc hội thì phải tin cử tri, tin Quốc hội.

Để điều hành tốt phải đổi mới chính mình

** Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII  đã bước vào năm cuối. Nhìn lại những năm qua, nhiều cử tri đánh giá: Vai trò điều hành của Đoàn Chủ tịch, trong đó có Chủ tịch Quốc hội tại các kỳ họp được thể hiện khá rõ nét. Để có được những đánh giá đó của cử tri, theo Chủ tịch yếu tố quan trọng nhất là gì?

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Tự nói về mình thì rất khó. Nghe cử tri và đại biểu đánh giá sẽ khách quan hơn. Tuy nhiên nếu các nhà báo hỏi yếu tố nào quan trọng trong điều hành thì tôi cho rằng: Muốn điều hành tốt, phải nắm vững luật pháp, nắm vững quy chế, nội quy kỳ họp, nắm vững chủ trương đường lối chính sách của Đảng và quan trọng hơn cả phải nắm được yêu cầu nguyện vọng của cử tri, thực tiễn cuộc sống.

Để có được thực tiễn không dễ. Thậm chí khi xuống với dân, nếu không chân thành, không vì công việc chung, chưa chắc đã nắm được thực tiễn. Muốn thế cần phải lắng nghe, gặp riêng, gặp chung, nhiều hình thức tiếp cận. Người điều hành phải hiểu được những khó khăn, vất vả, phức tạp của Chính phủ, của ĐBQH. Để có thể điều hành tốt phải xử lý tất cả các mối quan hệ bằng luật pháp, trình độ và tấm lòng chân thành. Ai cũng vậy, đâu phải lĩnh vực nào cũng biết, làm dần dần rồi bổ sung, mỗi lần làm cho mình thêm kinh nghiệm.

Nhớ lại cuối năm 2006, tôi điều hành phiên chất vấn đầu tiên thì vấp phải chuyện của Nguyên Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện. Tình hình lúc đó rất căng thẳng. Có đại biểu yêu cầu Quốc hội thảo luận, ra nghị quyết về việc chất vấn của Chánh án. Tôi xác định đây là lúc cần vai trò của người điều hành. Tôi đã đọc rất kỹ Luật Giám sát, nắm chắc các yêu cầu chất vấn, vai trò Chủ tịch Quốc hội được làm đến đâu. Tôi đã triệu tập cuộc họp thường vụ ngoài giờ làm việc. Đến đầu giờ họp Quốc hội buổi chiều, khi Quốc hội mời anh Hiện thì anh ấy lại đang ở cơ quan trong khi phiên họp lại đang được phát thanh, truyền hình trực tiếp, đại biểu Quốc hội đang ngồi chờ. Lúc đó tôi lại phải có “động tác” báo cáo Quốc hội ý kiến của Thường vụ Quốc hội, Quốc hội mới đồng ý miễn, để chuyển sang nội dung khác.

Từ những kỳ họp vừa rồi, tôi cũng muốn các Phó Chủ tịch phải ra điều hành chất vấn ở Hội trường theo chuyên đề. Làm được như thế sẽ phát huy tính sâu sắc của hoạt động chất vấn, bản thân các Phó Chủ tịch khi điều hành sẽ buộc phải động não suy nghĩ và tích lũy. Công việc ấy đòi hỏi phải bình tĩnh lắng nghe, ghi, tổng hợp. Lúc đó không ai có thể giúp được. Nói tóm lại, để điều hành tốt, cần phải tiếp tục đổi mới chính mình. Xem xét, giải quyết các vấn đề trên cơ sở phương pháp biện chứng, luật pháp và thực tiễn.

Phóng viên VOV tác nghiệp bên hành lang Quốc hội

Phóng viên nhà Đài thực sự là những “đại biểu Quốc hội”

** Năm qua, Đài TNVN nhận được rất nhiều ý kiến của cử tri với Quốc hội và cũng qua các chương trình phát thanh, truyền hình Quốc hội với cử tri, Đài TNVN đã chuyển tải đầy đủ hoạt động của Quốc hội đến với cử tri. Chủ tịch Quốc hội đánh giá thế nào với chương trình “Quốc hội với cử tri”  được thực hiện theo thoả thuận giữa Văn phòng Quốc hội và Đài TNVN sau hơn 1 năm triển khai?

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Tôi đã nghe rất nhiều chương trình “Quốc hội với cử tri” trên sóng phát thanh của Đài và xem các chương trình này trên Hệ phát thanh có hình. Tôi đã nhiều lần nói với Tổng Giám đốc Vũ Văn Hiền rằng, việc ra đời chương trình này là một sáng kiến tốt của Nhà Đài và hiệu quả của nó là rõ rệt. Mặc dù báo chí, truyền thông bây giờ nhiều nhưng sức mạnh của phát thanh thì không ai phủ nhận. Ngoài yếu tố nhanh nhạy, thì với tầm phủ sóng rộng lớn của mình, chỉ có Đài TNVN mới có thể cập nhật và chuyển thông tin nhanh nhất đến với đồng bào, họp xong là có tin, bài rồi, nhất là ở vùng sâu vùng xa.

Qua theo dõi tôi thấy, các hoạt động của Quốc hội được chuyển tải đầy đủ, chương trình sinh động, hấp dẫn và có chiều sâu. Buổi sáng khi đến cơ quan, tôi đều bật Đài để nghe chương trình này, qua đó tiếp nhận được rất nhiều kiến nghị của cử tri để có thể áp dụng vào điều hành, làm việc. Khi đó các phóng viên của Đài thực sự là những “đại biểu Quốc hội”, đã chuyển tải những ý kiến rất “thật” của cử tri tới với Quốc hội.

Tôi đánh giá cao Đài TNVN sau hơn 1 năm thực hiện chương trình này. Tên gọi của chương trình cũng đã nói lên tất cả, góp phần gắn bó Quốc hội với cử tri và ngược lại đúng như bản chất của Quốc hội. Quốc hội không gắn với cử tri thì không thể có sinh khí, không thể phát triển. Đây sẽ là cơ sở tốt để Quốc hội tiếp tục có những chương trình Quốc hội với cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Quốc hội rất hoan nghênh Đài TNVN và mong rằng Đài sẽ phát huy được thế mạnh của mình, không ngừng nâng cao chất lượng phát sóng, đổi mới nội dung, hình thức thể hiện để chương trình tiếp tục là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội và ngược lại.

Nhân dịp năm mới Canh Dần, qua Đài TNVN cho tôi gửi lời cảm ơn, lời chúc mừng năm mới tới tất cả cử tri và nhân dân cả nước với những thắng lợi mới trong năm 2010- năm có rất nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội./.

Đặng Linh - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất