Hẳn gia đình có vai trò quan trọng như thế nào thì thế giới mới chọn ngày 15/5 hàng năm làm ngày Quốc tế Gia đình. Đối với Việt Nam - một nước xuất phát từ nông nghiệp đi lên, với truyền thống Á Đông, gia đình lại càng quan trọng.
Gia đình thực sự là tế bào của xã hội. Tế bào có tốt, có lành mạnh, thì xã hội mới tốt, mới lành.
Gia đình là tế bào của xã hội không đơn thuần chỉ xét theo đơn vị tổ chức của cộng đồng, mà còn được xét dưới các góc độ khác nhau, cả về đạo đức, văn hóa, lối sống, từ trong giai đoạn đầu đời hình thành nhân cách tác phong… đến quá trình gắn bó với nhau, đến cuối cuộc đời của con người; từ đời này đến đời khác. Câu châm ngôn “phụ mẫu như đầu, mục”, “Huynh, đệ như thủ túc”,…
Việt Nam hiện có khoảng 23 triệu hộ, trong đó số hộ ở nông thôn cao gấp hơn 2 lần số hộ ở thành thị. Số nhân khẩu bình quân một hộ của cả nước là 3,8, trong đó của nông thôn cao hơn của thành thị (3,9 người so với 3,7 người). Trong 63 tỉnh, thành phố, có 37 tỉnh, thành phố có số nhân khẩu bình quân một hộ cao hơn mức trung bình của cả nước, trong đó có 22 tỉnh, thành phố có từ 4 nhân khẩu trở lên (cao nhất là Lai Châu, tiếp đến là Điện Biên, Hà Giang); có 26 tỉnh, thành phố thấp hơn mức trung bình (thấp nhất là Bình Dương, tiếp đến là Thái Bình, Hải Dương,…). Về hộ gia đình của Việt Nam hiện nay có một số đặc điểm đáng lưu ý.
Điều dễ nhận thấy nhất là số hộ đã tăng lên nhanh chóng trong hơn hai mươi năm nay. Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ở nông thôn có “phong trào tách hộ” để nhận khoán ruộng đất khi khoán hộ.
Những năm gần đây, khi thu nhập khá hơn và do nhiều yếu tố khác (như tính độc lập và sự khá giả của con cái, tách hộ để giảm giá điện, giảm giá nước, điều kiện mua nhà, đất,…), nên việc tách hộ mạnh hơn.
Do số hộ tăng nhanh hơn số nhân khẩu, nên số nhân khẩu bình quân một hộ đã giảm xuống so với những năm trước kia. Những tỉnh miền núi, những tỉnh có thu nhập thấp thường có số nhân khẩu bình quân một hộ cao hơn những tỉnh/thành phố ở đồng bằng, những tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao hơn.
Cấu thành của hộ gia đình có sự thay đổi đáng kể: hiện tượng “tứ đại đồng đường”, “tam đại đồng đường” không còn nhiều như trước; hộ gia đình hạt nhân đơn tăng lên; hộ mở rộng tăng,… Vai trò chủ hộ đã “bình đẳng” hơn giữa nam và nữ giới, trong đó số chủ hộ là nữ tăng lên; nhiều chỉ tiêu bình quân đầu người (như thu nhập, cơ cấu thu nhập, tài sản…) của những hộ có chủ hộ là nữ cao hơn những hộ mà chủ hộ là nam giới.
Nhiều gia đình đã đóng góp lớn cho đất nước từ những ngày cách mạng, trong kháng chiến, hòa bình xây dựng, đóng góp những anh hùng liệt sĩ, nhân tài trên nhiều lĩnh vực,…
Các gia đình đang góp phần tích cực vào sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần chuyển vị thế của đất nước cả về kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao, đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cần phải quan tâm đến gia đình, tôn vinh những gia đình có công với đất nước.
Tuy nhiên, ngoài những đặc điểm trên, có một đặc điểm cần đặc biệt quan tâm, đó là quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có những biến đổi theo hướng không tốt (thậm chí là xấu đi), tình cảm, đạo đức của không ít gia đình có xu hướng giảm đi.
Gia đình là tế bào xã hội; các tế bào phải tốt lên, phải lành mạnh hơn, thì xã hội mới phát triển bền vững./.
(Theo: Minh Ngọc/Cổng TTĐTCP)