Thứ Hai, 25/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Hai, 2/5/2011 20:19'(GMT+7)

Việt hóa kinh nghiệm của ADB để đạt kết quả tốt

Công trình mới phải “kích” được cái cũ

Đứng trên con đường mới Xuân An – Trung Sơn (huyện Yên Lập, Phú Thọ), anh Đồng Xuân Huy, Giám đốc Ban quản lý Trung ương (thuộc Dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai) kể rằng, đây là một trong số 70 tiểu dự án mà anh quản lý. Con đường mới đã mở ra hướng đi mới, giúp người dân ở cái xã thuộc diện nghèo nhất tỉnh Phú Thọ bắt đầu một chương mới của sự giao lưu, giao thương, hứa hẹn khởi sắc. Và, đây cũng là một trong nhiều tiểu dự án rất thành công, có nguồn vốn vay từ ADB.

Người cán bộ trẻ đầy nhiệt huyết này bảo, anh đã làm việc với ADB được bốn năm. Đó là một khoảng thời gian đủ dài để anh cũng như nhiều cán bộ trẻ khác lĩnh hội được những kinh nghiệm từ cán bộ phía bạn, từ đó chắt lọc những tinh túy của họ, áp dụng vào công việc của mình.

Chỉ tay ra phía xa, nơi những bóng nhà lúp xúp của bà con vùng núi với 70% còn nghèo khó đang mờ dần trong sương chiều xuống sớm, anh Huy cho rằng, có nhiều công trình ở Việt Nam hay đầu tư dàn trải nên đôi khi chưa được khai thác hết. Bởi thế, công trình dù đã xây xong, nhưng chưa thực sự giúp bà con vùng núi xa xôi thoát đói, giảm nghèo.

Rồi anh bảo, có nhiều đơn vị thích làm những dự án hoàn toàn mới. Nhưng, với những người làm công tác tư vấn của ADB, họ đưa ra những khuyến cáo về việc đầu tư công trình mới phải kích cầu được công trình đã có theo kiểu “gọt chân vừa giày.” Có như vậy, sự đầu tư mới kia mới thực sự đem lại hiệu quả cho người dân và những công trình cũ sẽ được tận dụng tối đa, tránh sự lãng phí không đáng có.

Một điều đáng học nữa chính là việc những cán bộ của ADB thường xây dựng những chương trình, kế hoạch dài hơi của cả dự án. Tuy nhiên, những chương trình mang tính xuyên suốt này lại rất dễ hiểu, làm cho những người quản lý dự án nhìn vào có thể hiểu mọi bước và có thể làm được ngay. Theo anh Huy, việc này sẽ tránh những kế hoạch chung chung, rồi đến khi thực thi lại lúng túng tìm nút gỡ.

Tuy nhiên, anh Huy cũng cho hay không phải bất kỳ kinh nghiệm nào của các cán bộ ADB cũng có thể áp dụng được vào các dự án của Việt Nam bởi còn tùy điều kiện, hoàn cảnh. Bởi thế, với anh, điều quan trọng là phải “Việt hóa” kinh nghiệm ấy một cách cụ thể để biến thành hành động và tiếp cận một cách có hiệu quả thực sự trong từng công việc.

Nghiêm túc, trách nhiệm

Ông Hoàng Văn Xô, Phó Trưởng ban Quản lý các dự án nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng nói rằng, ông học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các chuyên gia ADB.

“Các cán bộ của ADB  rất am hiểu Việt Nam. Họ làm việc rất nghiêm túc và có trách nhiệm, từ người đứng đầu của ADB đến các chuyên gia,” ông Xô nói.

Tuy nhiên, ông Xô cũng cho rằng, việc quản lý hành chính về các dự án triển khai ở Việt Nam, ADB nên phân cấp cho văn phòng ở Hà Nội quản lý là tốt nhất. Bởi, hiện nay văn phòng của ADB tại Nhật Bản khá xa xôi nên tác động về quản lý bị chậm.

Rồi ông kể, chưa nói đến những chuyên gia, ngay tại Hà Nội, những cán bộ của văn phòng làm việc rất có hiệu quả và trách nhiệm. Họ rất sâu sát với công việc, những khó khăn vướng mắc từ phía Việt Nam được họ sẵn sàng giải quyết ngay, không bao giờ bị chậm trễ hay chểnh mảng…

Đó chỉ là những bài học dễ kể ra nhất trong vô số những bài học mà họ cũng như nhiều cán bộ dự án của Việt Nam học được từ phía cán bộ của ADB. Và, khi vận dụng những bài học kinh nghiệm ấy một cách linh hoạt trong công việc cũng như phù hợp với hoàn cảnh, tin rằng, những cán bộ của Việt Nam sẽ thu nhận được thành quả tốt đẹp cho bản thân và xã hội./.

(Theo Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất