Thứ Bảy, 23/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 19/4/2021 9:0'(GMT+7)

Để Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu

Học sinh Trường THCS Bá Hiến, huyện Bình Xuyên được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Ảnh: Trà Hương

Học sinh Trường THCS Bá Hiến, huyện Bình Xuyên được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Ảnh: Trà Hương


NHỮNG ĐIỂM MỚI NỔI BẬT


Thứ nhất, về đề mục, các văn kiện lần này, như trong Báo cáo Chính trị  tập trung đề cập đến giáo dục và đào tạo ở mục V, so với Đại hội XII, tên đề mục đã thay cụm từ “phát triển” bằng cụm từ “nâng cao” chất lượng nguồn nhân lực và thêm cụm từ “phát triển con người”. 

Trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030,vấn đề này được đề cập ở tiểu mục 3, phần V, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, với tiêu đề: Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. 

Theo đó, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030 đã trực tiếp đề cập đến giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, đối chiếu với trước đây chỉ nhấn mạnh “phát triển nhanh giáo dục và đào tạo”.

Thứ hai, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo, yêu cầu phải “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”[1]. Trước đây chỉ đề cập phương hướng chung: “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Văn kiện lần này yêu cầu xác định rõ mục tiêu của giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khoẻ, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc và “Chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[2]. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, do vậy phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người. Nếu như trước đây chỉ đề cập:“chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”, thì Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỉ lệ lao động khu vực phi chính thức. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Thứ tư, cụ thể hóa yêu cầu hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, sắp xếp lại hệ thống trường học, phát triển hài hoà giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Đặc biệt chú trọng giáo dục mầm non, tiểu học trong điều kiện mới, tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi, để mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng thành quả của nền giáo dục. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.

 Thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới. Có chính sách đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. “Có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới” [2]. Thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp để đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo, như: thực hiện phổ cập giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học bắt buộc. Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu, chú trọng xây dựng nền tảng kỹ năng nhận thức và hành vi cho học sinh phổ thông. Nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học ngoại ngữ, coi trọng dạy, học và sử dụng tiếng Anh. Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Giảm tỉ lệ mù chữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa và chế độ thi cử ở các cấp học.

Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua Internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. ”Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”[3].

Thứ sáu, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, “Lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo. Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở” [4]. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện của Việt Nam trên cơ sở bảo đảm công bằng xã hội và các giá trị cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhấn mạnh hơn yêu cầu thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội trong giáo dục và đào tạo. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ một số trường phổ thông tại các đô thị lớn, các nơi có điều kiện; thí điểm cơ chế cho thuê một số cơ sở giáo dục sẵn có theo nguyên tắc bảo đảm tất cả học sinh được đến trường.

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện các khâu, các yếu tố của quá trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh đổi mới đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý và quản trị nghiệp vụ chuyên môn trong giáo dục và đào tạo, từng bước thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo. Hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng và đào tạo nghề. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo.

 Thứ tám, đặt ra mục tiêu Việt Nam tham gia thị trường đào tạo nhân lực quốc tế, vì vậy yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục và đào tạo. ‘Gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo mạnh“[5]. Thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt, sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

*

Tiếp tục khẳng định “Giáo dục và đào tạo có vị trí then chốt”, những điểm mới về giáo dục, đào tạo trong các văn kiện Đại hội XIII thể hiện rõ ý nghĩa sâu sắc. Khẳng định tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm của Đảng ta, luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thực hiện khát vọng phát triển đất nước trong thời gian tới. Thể hiện sự nhanh nhạy của Đảng, Nhà nước Việt Nam, thích ứng với xu thế thời đại, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, thành tựu của giáo dục và đào tạo trên thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục làm sáng tỏ hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có lộ trình và bước đi phù hợp, lấy con người là trung tâm, trên nền tảng của sự phát triển  giáo dục và đào tạo./.


PGS.TS. Phạm Văn Linh

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

__________________________________________________

 
[1] [2] [3] [4] [5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr 136; 136; 234; 233; 138;138

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất